Nhỏ Bình thường Lớn

Xuất khẩu vũ khí giảm gần một nửa, Nga mất nhiều khách hàng; Ukraine thúc châu Âu cung 'hàng nóng' nhiều hơn, đừng tìm kiếm lý do

Pháp đã chính thức vượt Nga trong bảng xếp hạng các nhà xuất khẩu vũ khí, trong khi Ukraine trở thành nước nhập khẩu thứ “hàng nóng” này nhiều nhất khu vực. Còn châu Âu dù đã rất quyết tâm nhưng vẫn rất khó khăn để giảm sự phụ thuộc vào Mỹ về vũ khí.

Trong những năm gần đây, xuất khẩu vũ khí của Nga đã giảm gần một nửa và đã chính thức bị Pháp vượt qua trong bảng xếp hạng các nhà cung cấp vũ khí. Trong cùng khoảng thời gian đó, Ukraine đã “tiến lên nhiều bước” để trở thành nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất ở châu Âu. Kết quả này được chứng minh cụ thể bằng dữ liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI).

Nga bị một nước châu Âu ‘vượt mặt’ trong bảng xếp hạng xuất khẩu vũ khí, Ukraine thành quốc gia nhập nhiều ‘hàng nóng’ nhất khu vực
Xe tăng Abrams của Mỹ vượt sông trong cuộc tập trận quân sự của NATO ở Korzeniewo, Ba Lan, ngày 4/3. (Nguồn: Reuters)

Trong báo cáo thường niên, SIPRI đã so sánh tình hình xuất khẩu vũ khí trong vòng 5 năm, giai đoạn 2019-2023 với giai đoạn 2014-2018 và nhận thấy một số thay đổi đáng kể.

Nga đã tụt xuống vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng các nhà cung cấp vũ khí toàn cầu. Từ năm 2019 đến 2023, xuất khẩu vũ khí từ Nga gần như giảm một nửa, ở mức 53%. Thị phần nguồn cung toàn cầu của Nga giảm 10%, chỉ gần ngang bằng với Pháp.

Báo cáo của SIPRI nêu rõ, trong 5 năm qua, xuất khẩu quân sự của Nga đã giảm nhanh chóng. Trong khi năm 2019, Nga cung cấp vũ khí cho 31 quốc gia thì năm 2023 chỉ còn cung cấp cho 12 quốc gia. Đồng thời, chỉ dưới 2/3 lượng xuất khẩu vũ khí của Nga đến 3 quốc gia: Ấn Độ (34%), Trung Quốc (21%) và Ai Cập (7,5%).

Các lệnh trừng phạt đối với Moscow không phải là lý do duy nhất dẫn đến xu hướng này. Chuyên gia Pieter Wezeman, đồng tác giả báo cáo và là nhà nghiên cứu cấp cao tại SIPRI lưu ý: “Chúng tôi đang chứng kiến ​​những trường hợp như Trung Quốc, khách hàng lịch sử của Nga, đang phát triển ngành công nghiệp vũ khí của riêng mình đủ đáp ứng nhu cầu”. Trường hợp của Ấn Độ cũng tương tự, mặc dù Mỹ có thể gây áp lực bằng việc đe dọa trừng phạt. Điều tương tự cũng xảy ra với Ai Cập và Indonesia.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chiến lược phương Tây bất ngờ trước năng lực sản xuất vũ khí của Nga. Những khoản đầu tư lớn vào quốc phòng ở Nga khiến các quan chức phương Tây lo ngại, cho rằng NATO đã đánh giá thấp năng lực duy trì chiến dịch quân sự dài hạn của Moscow.

Từ tháng 2/2022, Mỹ và châu Âu đã áp đặt một loạt lệnh trừng phạt nhằm gây khó khăn cho ngành công nghiệp vũ khí của Nga. Nga đã nhanh chóng ứng phó bằng cách tăng cường nguồn lực vào ngành công nghiệp vũ khí.

Năm 2023, Nga dành 21% tổng chi tiêu liên bang vào lĩnh vực quốc phòng, tăng từ mức gần 14% vào năm 2020. Ngân sách liên bang năm 2024 của Nga yêu cầu tỷ lệ chi tiêu cho quốc phòng trong năm nay thậm chí còn lớn hơn, ở mức 29%. Moscow cũng nhanh chóng thích ứng với các lệnh trừng bằng cách tìm nguồn cung ứng các linh kiện như vi mạch và thiết bị viễn thông của phương Tây mà Moscow không thể mua trực tiếp qua các nước khác.

Tháng 12/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, Moscow đang sản xuất số lượng đạn dược gấp 17,5 lần, số lượng máy bay không người lái gấp 17 lần và số lượng xe tăng gấp 5,6 lần so với trước khi triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Và theo tình báo quân sự Estonia ước tính, Nga cũng đã tăng cường sản xuất tên lửa và các loại vũ khí khác. Sản lượng đạn pháo tăng từ 400.000 viên vào năm 2021 lên 600.000 viên vào năm 2025, nhiều hơn tổng sản lượng của Mỹ và EU.

Mỹ vẫn là nhà sản xuất và xuất khẩu vũ khí số 1 thế giới. Đáng chú ý, xuất khẩu vũ khí của Mỹ đã tăng 17% trong giai đoạn 2014–18 và 2019–23. Tỷ trọng của nước này trong tổng xuất khẩu vũ khí toàn cầu đã tăng từ 34% lên 42%.

Từ năm 2019 đến năm 2023, Mỹ đã chuyển giao vũ khí lớn cho 107 quốc gia, nhiều hơn bất kỳ giai đoạn nào trước đó. Washington cũng chiếm tới 55% lượng vũ khí nhập khẩu của các nước châu Âu trong năm 2019-2023, cao hơn 20% so với giai đoạn 5 năm trước.

Pháp vươn lên chiếm vị trí thứ hai trong số các nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, thay thế Nga. Xuất khẩu vũ khí của nước này đã tăng 47% và thị phần trong nguồn cung toàn cầu tăng lên 11% (từ 7,2% trong năm 2014-2018).

Sự gia tăng xuất khẩu vũ khí của Pháp phần lớn là do việc chuyển giao máy bay chiến đấu cho Ấn Độ, Qatar và Ai Cập.

Nga bị một nước châu Âu ‘vượt mặt’ trong bảng xếp hạng xuất khẩu vũ khí, Ukraine thành quốc gia nhập nhiều ‘hàng nóng’ nhất khu vực
Các nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới. (Nguồn: SIPRI/ Elpais)

Trong khi đó, “Ukraine nổi lên là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất châu Âu trong năm 2019–23 và lớn thứ tư trên thế giới, sau khi được ít nhất 30 quốc gia cung cấp vũ khí lớn, dưới dạng viện trợ quân sự từ tháng 2/ 2022 –khi xung đột quân sự với Nga bắt đầu”, báo cáo viết.

Thị phần nhập khẩu vũ khí toàn cầu của Ukraine trong giai đoạn này là 4,9%, so với chỉ 0,1% trong năm 2014-2018. Đồng thời, mức tăng trưởng chung về nhập khẩu quân sự trong giai đoạn này đạt mức kỷ lục 6.633%.

Theo SIPRI, các nhà cung cấp vũ khí chính cho Kiev là Mỹ (39%), Đức và Ba Lan (lần lượt là 14% và 13%).

Trong bối cảnh này, hồi tuần trước, tại cuộc họp video giữa các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao của các nước đồng minh về hỗ trợ quân sự cho Kiev, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã nêu bật sự cần thiết phải tăng tốc độ sản xuất vũ khí ở châu Âu, trong nỗ lực ngăn chặn những tiến bộ của Nga.

"Các quyết định cần phải khẩn cấp và nhằm mục đích cung cấp vũ khí cho Ukraine nhanh hơn và với số lượng lớn hơn”, ông Kuleba thúc giục các đồng minh. Ông kêu gọi các bộ trưởng phải có ý thức cấp bách khi hỗ trợ Ukraine và đừng tìm kiếm lý do.

Về phần châu Âu, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã thử thách an ninh khu vực và lục địa già, ngoài việc tăng cường phòng thủ bằng mua thêm vũ khí, còn muốn thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng của mình để bù đắp cho sự phụ thuộc vào Mỹ.

Nhập khẩu vũ khí của các quốc gia châu Âu trong giai đoạn 2019–23 cao hơn 94% so với năm 2014–18, trong khi lượng mua ở các khu vực còn lại trên thế giới đều giảm.

Một trong những mục tiêu mà Ủy ban châu Âu đặt ra trước mối đe dọa từ Nga là củng cố ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu với nhiều vũ khí hơn được phân bổ cho tất cả các quốc gia thành viên. Cụ thể, họ tìm cách khẩn trương thúc đẩy sản xuất trong nước để đến năm 2030, 50% thương vụ mua sắm quân sự sẽ diễn ra trong khối, theo tuyên bố của Đại diện cấp cao về Chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell.

Sự thay đổi mô hình trên cũng liên quan đến việc bỏ lại phía sau hàng thập kỷ phụ thuộc vào Mỹ. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu cấp cao Wezeman bình luận, mục tiêu này tuy không phải là không thể nhưng vẫn còn rất xa mới trở thành hiện thực. Bởi theo vị chuyên gia này,“Có quá nhiều đơn đặt hàng phải được bàn giao trong vài năm tới. Dù ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu rất hoàn thiện nhưng chưa đủ khả năng sản xuất với tốc độ đủ để đáp ứng nhu cầu của chính mình”.

Đỉnh điểm căng thẳng Ba Lan-Ukraine: Quan hệ Kiev và Warsaw đang rạn nứt, sự thật ngũ cốc ‘gây nghiện’ từ Nga?

Đỉnh điểm căng thẳng Ba Lan-Ukraine: Quan hệ Kiev và Warsaw đang rạn nứt, sự thật ngũ cốc ‘gây nghiện’ từ Nga?

Sự nổi giận của nông dân Ba Lan dường như đang lên tới đỉnh điểm, trong khi chính phủ Ukraine không ngừng chỉ trích Warsaw ...

Người hiếm hoi hưởng ứng Tổng thống Pháp, Ngoại trưởng Ba Lan công bố tin bất ngờ ở Ukraine

Người hiếm hoi hưởng ứng Tổng thống Pháp, Ngoại trưởng Ba Lan công bố tin bất ngờ ở Ukraine

Ngày 10/3, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski cho hay, quân nhân thuộc các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã ...

Thủ tướng Hungary hối thúc xây dựng quân đội châu Âu, hé lộ kế hoạch của ông Donald Trump về xung đột Ukraine

Thủ tướng Hungary hối thúc xây dựng quân đội châu Âu, hé lộ kế hoạch của ông Donald Trump về xung đột Ukraine

Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết, các nước châu Âu cần phải dành kinh phí để phát triển quân đội và vũ khí vì ...

Ukraine gay gắt sau căng thẳng với Tòa thánh, tuyên bố rõ ràng liên quan phát ngôn điều quân của Tổng thống Pháp

Ukraine gay gắt sau căng thẳng với Tòa thánh, tuyên bố rõ ràng liên quan phát ngôn điều quân của Tổng thống Pháp

Giữa lúc tình hình trên thực địa của quân đội Ukraine "tốt hơn nhiều", Kiev lại đang vướng căng thẳng với Tòa thánh sau lời ...

Tổng thống Zelensky cảnh báo 'căng thẳng biên giới Ba Lan-Ukraine đã vượt xa vấn đề kinh tế và đạo đức'

Tổng thống Zelensky cảnh báo 'căng thẳng biên giới Ba Lan-Ukraine đã vượt xa vấn đề kinh tế và đạo đức'

“Tình hình ở biên giới Ukraine-Ba Lan, nơi hàng dài xe tải đang tắc nghẽn, từ lâu đã vượt ra ngoài phạm vi kinh tế ...

(theo Ukrinform, Elpais)