Bộ Công Thương dự báo, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam thời gian cuối năm sẽ tăng trưởng khả quan hơn so với đầu năm. (Nguồn: Vietnamnet) |
Xuất siêu lập kỷ lục hơn 18 tỷ USD
Tiếp nối kỷ lục xuất siêu thời gian qua, tính chung 10 tháng đầu năm, cán cân thương mại cả nước đã xuất siêu 18,72 tỷ USD. Đây là con số xuất siêu kỷ lục.
Tính riêng trong tháng 10/2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 26,7 tỷ USD, giảm 1,7% so với tháng trước và tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 229,27 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 10 tháng có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD). Điện thoại và linh kiện là hai mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 42 tỷ USD, chiếm 18,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Về nhập khẩu, tính chung 10 tháng năm 2020, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 210,55 tỷ USD, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Có 34 mặt hàng đạt kim ngạch nhập khẩu trên 1 tỷ USD sau 10 tháng.
Tính chung 10 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu kỷ lục 18,72 tỷ USD. Riêng trong tháng 10, ước tính xuất siêu 2,2 tỷ USD.
Như vậy, con số xuất siêu này đã vượt qua cả con số xuất siêu 9,9 tỷ USD của cả năm 2019. Trong khi đó, con số xuất siêu 9,9 tỷ USD của năm 2019 đã là mức cao nhất trong 4 năm liên tiếp xuất siêu của Việt Nam. Xuất siêu có điều đáng mừng là giúp tăng dự trữ ngoại hối, là động lực giúp doanh nghiệp gia tăng sản xuất.
Bộ Công Thương dự báo, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam thời gian cuối năm sẽ tăng trưởng khả quan hơn so với trước đó sau khi nhiều nước bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và bắt đầu đẩy nhanh quá trình phục hồi, mở cửa.
Tháng 10, ô tô nhập khẩu tiếp tục tăng hơn 16%
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 10/2020, ô tô nguyên chiếc các loại đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu ước tính tăng hơn 16% so với lượng nhập khẩu trong tháng trước.
Cụ thể, cơ quan hải quan ghi nhận, ô tô nguyên chiếc các loại trong tháng 10/2020 nhập khẩu ước đạt 15.000 chiếc, tăng 14,4% và trị giá là 297 triệu USD, tăng 16,1% so với tháng trước.
Trước đó, ước tính trong tháng 9/2020, các doanh nghiệp đã nhập khẩu 12.000 ô tô các loại, tăng 35,8% về lượng, trị giá ước tính đạt 250 triệu USD, tăng 23,7% so với tháng 8.
Với kết quả của tháng 10, tính chung 10 tháng của năm 2020, cả nước đã nhập khẩu khoảng 81.000 chiếc và trị giá là 1.774 triệu USD. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2019, lượng nhập khẩu nhóm hàng này trong 10 tháng năm 2020 giảm 33,1% về lượng và giảm 34% về trị giá.
Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp lưu ý khi xuất nhập khẩu với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)
Trước thông báo tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) áp dụng một số biện pháp tăng cường phòng chống dịch Covid-19 trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) đã có khuyến cáo các doanh nghiệp nắm thông tin để chủ động hoạt động thương mại với các doanh nghiệp tỉnh này.
Vừa qua, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc (chung đường biên giới với các tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu và Hà Giang) thông báo áp dụng một số biện pháp tăng cường phòng chống dịch Covid-19 trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa khi bước vào thời điểm chuyển mùa tại các cửa khẩu trên địa bàn của tỉnh Vân Nam.
Cụ thể, các phương tiện chuyên chở hàng hóa và người điều khiển phương tiện phải đăng ký với cơ quan chức năng trước 3 ngày. Người điều khiển phương tiện xuất nhập cảnh phải xét nghiệm axit nucleic 3 ngày một lần. Bên cạnh đó, kéo dài thời gian thông quan hàng hóa (căn cứ vào số lượng hàng hóa tại cửa khẩu).
Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, trước mắt, biện pháp trên sẽ được áp dụng cho các phương tiện, người điều khiển phương tiện và hàng hóa của Trung Quốc.
Tuy nhiên, không loại trừ khả năng phía Trung Quốc cũng có thể đề nghị Việt Nam áp dụng các biện pháp tương tự trên trong thời gian tới. Bộ Công Thương thông báo tới các cơ quan, doanh nghiệp nắm để chủ động trong hoạt động thương mại với doanh nghiệp Vân Nam, Trung Quốc.
Chile chấp thuận nhập khẩu bưởi của Việt Nam
Ngày 27/10, Bộ trưởng Nông nghiệp Chile Antonio Walker thông báo, cơ quan chức năng Chile đã chấp thuận cho Việt Nam xuất khẩu bưởi sang thị trường quốc gia Nam Mỹ này.
Đây là thông tin được Bộ trưởng Walker đưa ra trong buổi tiếp Đại sứ Việt Nam tại Chile Nguyễn Ngọc Sơn để trao đổi về các biện pháp tăng cường quan hệ giữa hai nước trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Walker đánh giá cao sự phát triển kinh tế năng động của Việt Nam, đồng thời bày tỏ cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã mở cửa thị trường cho quả cherry của Chile. Ông cho biết, Chính phủ Chile mong muốn mở rộng quan hệ hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, không những trong việc mở cửa thị trường cho các nông phẩm mà còn trong hợp tác sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn.
Về phần mình, Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định Chính phủ Việt Nam hoan nghênh và mong muốn tăng cường hợp tác nông nghiệp với Chile, một đối tác quan trọng của Việt Nam ở Nam Mỹ, đặc biệt là trong các vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp sạch, phòng chống biến đổi khí hậu và giảm thiểu tác động tiêu cực của thiên tai, quản lý và khai thác hợp lý rừng và tăng cường hợp tác trong các cơ chế đa phương mà hai nước là thành viên như Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Cơ hội cho cá ngừ đóng hộp Việt Nam sang Ai Cập
Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 9 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang Ai Cập đã đạt 11,9 triệu USD, chiếm 2,29% tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam và chỉ đứng sau thị trường Israel trong khu vực Trung Đông-châu Phi.
Ai Cập cùng với Saudi Arabia, Israel, UAE là các quốc gia nhập khẩu cá ngừ (được chế biến hoặc bảo quản) lớn nhất trong khu vực.
Theo số liệu của Hải quan Ai Cập, năm 2019, Ai Cập nhập khẩu lượng cá ngừ có trị giá 162 triệu USD, chủ yếu từ Thái Lan (145 triệu USD). Thái Lan là nước xuất khẩu cá ngừ đứng đầu thế giới với kim ngạch khoảng 2 tỷ USD/năm và mặt hàng này đã quen thuộc với người tiêu dùng Ai Cập.
Mặc dù đứng thứ 2 (sau Thái Lan) nhưng Việt Nam lại chỉ chiếm 5,6% thị phần với khoảng 9 triệu USD. Như vậy, tiềm năng xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam còn rất lớn, đặc biệt dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp có xu hướng đa dạng hóa các nhà cung cấp để tránh phụ thuộc vào một nguồn hàng duy nhất.
Ngoài cá, Ai Cập phải nhập khẩu tôm với kim ngạch khoảng 164 triệu USD nhưng chủ yếu từ UAE (89%) và Saudi Arabia (7,6%) trong khi giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường không đáng kể, vào khoảng 180.000 USD theo số liệu của Hải quan Việt Nam.
Có thể thấy tiềm năng tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào Ai Cập vẫn còn lớn do chủ yếu hiện nay mới chỉ có cá ba sa phi lê đông lạnh trên thị trường. Nhiều mặt hàng thủy sản khác như tôm đông lạnh hay cá thu, các hồi đóng hộp sẽ có cơ hội lớn đến với người dân nước bạn.
Các nhà quản lý nhận định, đang có sự chuyển dịch tìm kiếm nguồn hàng đa dạng từ các nước và đây là cơ hội “vàng” để thủy sản Việt Nam khẳng định và có chỗ đứng tốt hơn tại thị trường.