Bản tin xuất nhập khẩu: Bất chấp Covid-19, thủy sản Việt Nam vẫn có cơ hội tại các thị trường lớn. (Nguồn: Seefood) |
Xuất khẩu da giày "trượt đích"
Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong tháng 9/2020, chỉ số sản xuất da và các sản phẩm có liên quan dù tăng 4,5% so với tháng 8/2020 song vẫn giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 9/2020, chỉ số sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 3,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, sản xuất, xuất khẩu giày dép là ngành hàng điển hình chịu tác động tiêu cực do tác động của dịch bệnh Covid-19. Kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại 9 tháng năm 2020 ước đạt 12,08 tỷ USD, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong xuất khẩu da giày từ đầu năm đến nay, một trong những điểm nhấn khá nổi bật là việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8. Trong số đó, mặt hàng tận dụng tốt nhất cơ hội từ EVFTA là giày dép (đạt kim ngạch 385 triệu USD); tiếp dến là thủy sản (118 triệu USD), nhựa và sản phẩm nhựa (48 triệu USD).
Dù EVFTA rất đáng kỳ vọng nhưng việc tận dụng EVFTA đối với doanh nghiệp da giày để gia tăng xuất khẩu cũng không hề dễ dàng. Hiện có tới 85% doanh nghiệp trong ngành da giày, túi xách là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thị trường EU lại đòi hỏi rất cao với các điều kiện gia nhập thị trường không hề dễ dàng như yêu cầu về kỹ thuật, hàng hóa chất lượng cao cũng như các yêu cầu đảm bảo về lao động, môi trường.
Bên cạnh đó, từ nay đến cuối năm, đầu ra của ngành da giày sẽ tiếp tục gặp khó, bởi phụ thuộc nhiều vào khả năng khống chế dịch của Mỹ và châu Âu.
Năm 2020, toàn ngành da giày đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 24 tỷ USD, tăng trưởng 10% so với năm 2019. Nhưng trước những tác động tiêu cực do dịch bệnh Covid-19 gây ra, dù thời gian tới có những tín hiệu tích cực hơn thì ngành da giày cũng sẽ không thể đạt được mục tiêu đã đề ra.
Xuất khẩu thủy sản "chạy nước rút"
Theo số liệu tổng hợp của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, sang quý III/2020 xuất khẩu đã phục hồi và tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 2,4 tỷ USD.
Trong 9 tháng, thủy sản Việt Nam có mặt tại 154 thị trường. Trong đó, 6 thị trường lớn nhất gồm: Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc và ASEAN chiếm gần 80% kim ngạch xuất khẩu.
Thị trường Mỹ tăng 6% so với cùng kỳ năm 2019 nhờ lượng tôm xuất sang thị trường này tăng. Trung Quốc đã vượt qua EU trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 3 của Việt Nam. Sau khi giảm mạnh trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc bắt đầu ổn định và hồi phục dần, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc từ đầu năm đến tháng 9 vừa qua đều giảm nhẹ kim ngạch.
Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), mặc dù trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, song thủy sản Việt Nam vẫn có cơ hội tại các thị trường lớn. Đối với thị trường Mỹ, Việt Nam vẫn có thể tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu tôm, nhất là tôm chân trắng vì sản phẩm này vẫn tiêu thụ tốt tại phân khúc bán lẻ. Đồng thời, Việt Nam có thể tăng chế biến và xuất khẩu các sản phẩm có thời hạn bảo quản lâu như cá ngừ, cá biển đóng hộp.
Đối với thị trường EU, các mặt hàng thủy sản như: Tôm, cá ngừ, mực, bạch tuộc và nhuyễn thể đang được hưởng thuế 0% theo EVFTA sẽ là đòn bẩy để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU tăng trong những tháng cuối năm nếu các doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu tốt và tận dụng hiệu quả ưu đãi thuế quan.
Bên cạnh đó, thị trường Trung Quốc sẽ hồi phục trong những tháng cuối năm, khi nguồn cung trong nước của nước này đang bị sụt giảm. Thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ vẫn duy trì ổn định nhưng sẽ tăng tốt với mặt hàng tôm trong những tháng tới.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam
Theo Bộ Công Thương, với sự phục hồi khá tích cực từ đầu quý 3/2020 đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sau 10 tháng năm 2020 đã tăng 2,62% so với cùng kỳ năm 2019, ước đạt 439,8 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 229,27 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong tháng 10, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 26,7 tỷ USD, giảm 1,7% so với tháng 9/2020 song lại tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Phân tích sâu hơn về xuất khẩu, theo Bộ Công Thương, tính chung 10 tháng năm 2020, khu vực kinh tế trong nước tăng 0,7%, chiếm gần 28,7% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 6,5%, chiếm 71,3%.
Trong 10 tháng, có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,76% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ở góc độ ngành hàng, nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục là nhóm hàng đóng vai trò đóng góp chính vào tốc độ tăng trưởng trong tháng 10/2020 với kim ngạch đạt 22,53 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường xuất khẩu, 10 tháng qua, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 62,3 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Sản xuất công nghiệp tháng 10 tiếp tục khởi sắc
Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho biết, sản xuất công nghiệp tháng 10/2020 tiếp tục khởi sắc, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo với mức tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 10/2020 ước tính tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 8,3%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1%; ngành cung cấp nước và hoạt động quản lý, xử lý rác thải, nước thải tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Riêng ngành khai khoáng giảm mạnh 14,5%.
Theo Tổng cục Thống kê, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng cao trong tháng 10 chủ yếu do có sự khởi sắc của các ngành như: sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước; sản xuất than cốc và dầu mỏ tinh chế tăng 22,6%; sản xuất các sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học tăng 16,9%...
Tính chung 10 tháng năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,2% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,8%), đóng góp 3,6 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,2%, đóng góp 0,3 điểm phần trăm.
Riêng ngành khai khoáng giảm 8,1%, làm giảm 1,3 điểm phần trăm trong mức tăng chung.