📞

Xúc động mối tình của cặp vợ chồng từ chiến trường Điện Biên Phủ

Hồng Phúc 21:00 | 24/04/2024
Baoquocte.vn. Hơn 60 năm cùng nhau gắn bó, 2 ông bà Vũ Xuân Thanh và Nguyễn Thị Lan rất xúc động khi được mời tham gia chương trình gặp mặt chiến sĩ Điện Biên hôm nay.
Xe đạp thồ tái hiện cách đây 70 năm ở Điện Biên Phủ. (Ảnh: Lê Dương)

Vừa qua, tại Thanh Hóa, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với tỉnh Thanh Hóa tổ chức chương trình “Gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ”. Khoảng 163 chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến 10 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình đã có mặt tại buổi tri ân.

Phát biểu tại cuộc gặp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là chiến thắng của chính nghĩa, chiến thắng của sự đoàn kết quân dân, chiến thắng đó được kết tinh bởi truyền thống yêu nước, sức mạnh toàn dân tộc.

Ông Đỗ Văn Chiến nói: "Trong giờ phút trang trọng, xúc động của cuộc gặp mặt, tri ân hôm nay, chúng ta bày tỏ lòng thành kính, biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã cống hiến trọn đời mình vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Chúng ta tưởng nhớ công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, người chỉ huy tài tình, tư lệnh của chiến dịch Điện Biên Phủ. Tổ quốc và nhân dân đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc…".

Bén duyên từ chiến trường Điện Biên Phủ

Ông Vũ Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Lan bén duyên từ chiến trường Điện Biên Phủ. (Ảnh: Lê Dương)

Trong số các đại biểu, có vợ chồng ông Vũ Xuân Thanh (94 tuổi, phường Vinh Tân, phường TP Vinh, Nghệ An) và bà Nguyễn Thị Lan (87 tuổi). Tuổi đã cao, ông Thanh không còn nhớ chính xác từng chi tiết trong chiến dịch. Hiện tại, ông Thanh chỉ còn nhớ mình là lính bộ binh, thuộc biên chế Sư đoàn 312 tham chiến tại chiến trường Điện Biên Phủ.

Ông Thanh kể: "Đơn vị tôi tham chiến giai đoạn 1953 - 1954. Ban đầu, tôi là lính bộ binh, sau đó chuyển sang pháo binh. Khi chiến dịch thắng lợi, đơn vị tôi phụ trách đánh chặn, không cho quân Pháp từ Điện Biên Phủ rút về Lào".

Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Thanh tiếp tục tham gia kháng chiến chống Mỹ, chiến tranh biên giới năm 1979, sau đó về hưu.

Còn bà Nguyễn Thị Lan (vợ ông Thanh) là thanh niên xung phong tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Bà Lan cho biết, khi còn nhỏ, nhà bà cách nhà ông Thanh chỉ một cái ao nhưng hai người lại chỉ biết nhau qua loa.

Bà Lan cho biết: "Năm 17 tuổi, khi lên Điện Biên Phủ, tôi mới quen và nói chuyện ông ấy. Công việc của chúng tôi khi đó là làm đường, làm kho, đào hào, hầm, phụ trách công tác hậu cần phía sau.. Sau khi chiến dịch thắng lợi hoàn toàn, tôi trở về quê hương, còn ông ấy tiếp tục tham gia quân đội kháng chiến. Nhà gần nhau, lại chung lý tưởng cách mạng, cộng với tình yêu thời chiến nên đến năm 1962, tôi và ông ấy tổ chức đám cưới tại quê nhà".

Hơn 60 năm cùng nhau gắn bó, 2 ông bà rất xúc động khi được mời tham gia chương trình gặp mặt chiến sĩ Điện Biên hôm nay.

"Không quên được các đồng đội đã ngã xuống"

Cũng tại buổi gặp gỡ, ông Nguyễn Trọng Áp (91 tuổi), quê ở xã Đông Quang, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) bồi hồi, nhìn về những bức ảnh, thước phim, Chia sẻ cảm xúc của mình, ông Áp nói: “Chúng tôi có được những ngày như hôm nay không thể quên được các đồng đội đã ngã xuống”.

Có mặt trong buổi tri ân, ông Nguyễn Bá Viết, chiến sĩ Điện Biên đang sinh sống tại phố Ái Sơn 1, phường Đông Hải (TP Thanh Hóa) chia sẻ, Điện Biên Phủ là một thời lửa đạn, gian khó, “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” nhưng “gan không núng, chí không mòn”, không thể nào quên. Đó là những trận đánh vang dội vào trung tâm đề kháng Him Lam, mở toang “cánh cửa thép” ở phía Bắc, Đồi A1 – “Bùn, máu và hoa”, nơi ghi dấu trận chiến ác liệt nhất.

Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Bản anh hùng ca Điện Biên Phủ”. (Ảnh: Lê Dương)

Những trận đánh đã đóng góp vào chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, viết nên trang sử hào hùng của quân và dân ta 70 năm về trước; kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Ông Nguyễn Bá Viết bày tỏ: "Tôi tin tưởng và mong rằng, thế hệ trẻ hôm nay luôn tự hào, ghi nhớ và phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc nói chung và tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ nói riêng, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".