Chiến sự giữa Armenia-Azerbaijan và Armenia vẫn diễn ra căng thẳng, Tổng thống Aliyev thông báo Baku đã kiểm soát một số khu dân cư ở Nagorno-Karabakh. (Nguồn: Hurriyet Daily News) |
Ông Aliyev viết trên Twitter: “Quân đội Azerbaijan dũng cảm giải phóng các làng Garadaghly, Khatunbulag, Garakollu thuộc huyện Fizuli; Bulutan, Melikjanli, Kemerturk, Teke, Tagaser của huyện Khojavend”.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Armenia đã thông báo về một cuộc tấn công của quân đội Azerbaijan nhằm vào các thiết bị quân sự. Về phần mình, Baku tuyên bố cuộc tấn công vào các hệ thống tên lửa của Armenia được thực hiện như một biện pháp phòng ngừa.
Trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho xung đột tại Nagorno-Karabakh, cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan theo sáng kiến của Ankara. Hai bên bày tỏ ủng hộ việc tăng cường tiến trình chính trị ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh.
Thông cáo của Điện Kremlin viết: “Tình hình trong khu vực xung đột Nagorno-Karabakh đã được thảo luận chi tiết. Cả hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo, đạt được tại Moscow ngày 10/10. Ông Putin và ông Erdogan đã phát biểu ủng hộ việc khởi động tiến trình chính trị, cụ thể là dựa trên sự phát triển của Nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE)”.
Tổng thống Putin bày tỏ thực sự lo ngại trước sự tham gia của các chiến binh Trung Đông vào các cuộc giao tranh ở Nagorno-Karabakh.
Hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh sự cần thiết của các nỗ lực đoàn kết để chấm dứt đổ máu sớm nhất có thể ở Nagorno-Karabakh và chuyển sang giải quyết vấn đề một cách hòa bình.
“Họ bày tỏ hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ, với tư cách là thành viên Nhóm OSCE Minsk, sẽ đóng góp mang tính xây dựng vào việc giảm leo thang xung đột”, Điện Kremlin cho biết.
Trong khi đó, cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo, ông đã thảo luận về tình chiến sự tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh với Tổng thống Donald Trump và cho biết, Washington "đang theo dõi những diến biến tiếp theo tại khu vực này”.
Cũng trong ngày 14/10, Đài Phát thanh Armenia dẫn lời Chủ tịch Nhóm nghị sỹ hữu nghị Armenia-CH Czech Gayane Abrahamyan cho biết, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Czech đã thông qua nghị quyết về cuộc xung đột Nagorno-Karabakh, trong đó kêu gọi chính phủ của các nước thứ ba không can dự vào cuộc xung đột cũng như ngăn chặn các phần tử vũ trang từ các khu vực khác tới khu vực xung đột.
Nghị quyết của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Czech phản đối các vụ đánh bom nhằm vào các mục tiêu dân sự, cũng như việc sử dụng các loại vũ khí bị cấm, nhất là bom bi ở khu vực xung đột này.
Nghị quyết cũng kêu gọi các bên chấm dứt xung đột vũ trang và trở lại đàm phán với sự bảo trợ của Nhóm Minsk của OSCE và các nước đồng Chủ tịch của Nhóm gồm Nga, Pháp, Mỹ.
Tình hình chiến sự giữa Azerbaijan và Armenia tiếp tục diễn biến phức tạp kể từ khi bùng phát hôm 27/9. Mặc dù trong cuộc tham vấn tổ chức tại Moscow theo sáng kiến của Nga, Azerbaijan và Armenia đã đồng ý ngừng bắn vì mục đích nhân đạo nhằm trao đổi tù binh và thi thể những người thiệt mạng từ 10/10. Tuy nhiên, cả Armenia và Azerbaijan đều cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực.