📞

Xung đột Nga-Ukraine ảnh hưởng thế nào đến kinh tế và doanh nghiệp Việt?

Minh Anh 08:00 | 10/04/2022
Tận dụng các hiệp định thương mại tự do, linh hoạt trong chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng và xác định rõ các nhà cung cấp hay nguồn thay thế, có thể giúp doanh nghiệp Việt Nam giảm thiểu các tác động bất khả kháng và rủi ro địa chính trị trong tương lai.
Nút thắt hậu cần dẫn đến sự thiếu hụt nghiêm trọng hệ thống container vận chuyển hàng hóa đi khắp thế giới. (Nguồn: Limenproject)

Mặc dù còn quá sớm để đánh giá các tác động lâu dài, nhưng trước mắt, xung đột Nga-Ukraine sẽ ảnh hưởng đến mọi thứ, từ chuỗi cung ứng, giá nguyên nhiên liệu, lưu thông hàng hóa đến thương mại.

Thêm một bài học về xử lý khủng hoảng: Các doanh nghiệp Việt nên tìm cách đa dạng hóa kênh thương mại, tận dụng các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã là thành viên, cũng không nên bỏ qua cơ hội tại các thị trường mới.

Thách thức dòng chảy thương mại

Phương Tây và các đồng minh đang gửi đi tín hiệu rõ ràng rằng, họ muốn tách Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu và cô lập Tổng thống Putin về mặt chính trị.

Có thể thấy nền kinh tế và doanh nghiệp Việt không thể “miễn nhiễm” trước những tác động xấu, do các lệnh trừng phạt, trả đũa với những hậu quả gián tiếp đi kèm. Các doanh nghiệp có quan hệ thương mại trực tiếp với Nga, Ukraine và Belarus lập tức cảm nhận được “sức nóng”. Hiện Ukraine, về cơ bản, đóng cửa đối với thương mại và kinh doanh. Chỉ có hàng hóa, vật tư thiết yếu mới vào được quốc gia này.

Nhiều doanh nghiệp lo ngại về chi phí vận tải tăng cao, với các thủ tục thanh toán phức tạp hơn, khi nhiều ngân hàng Nga bị cắt khỏi hệ thống thanh toán quốc tế (SWIFT).

Việt Nam là nước sản xuất điện thoại thông minh lớn. Trong khi Mỹ chưa áp dụng các hạn chế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga (ngoại trừ hàng công nghệ cao sử dụng máy móc và công nghệ của Mỹ), thì việc gián đoạn nguồn nguyên liệu để sản xuất điện thoại thông minh có thể ảnh hưởng đến công nghiệp sản xuất điện thoại của Việt Nam, nếu không có kế hoạch dự phòng trong tương lai.

Ngành công nghiệp chế biến gỗ phụ thuộc vào nhập khẩu từ Nga và Ukraine ngày càng gặp khó khăn trong tìm kiếm nguyên liệu đầu vào.

Nền kinh tế cũng đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát có khả năng sẽ trầm trọng hơn do giá dầu và khí đốt tăng vọt.

Theo Dragon Capital, Việt Nam chỉ nhập khẩu khoảng 1,5 tỷ USD phân bón, sắt thép, than và nông sản từ Nga và Ukraine những năm gần đây. Trong khi xuất khẩu của Việt Nam đạt tổng trị giá gần 2,4 tỷ USD cho điện thoại di động, hàng may mặc và thiết bị điện tử. Do đó, khả năng một số ngành hàng bị gián đoạn đáng kể đang và sẽ xảy ra.

Kim ngạch thương mại Việt Nam-Nga năm 2021 đạt 5,5 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2020. Kim ngạch thương mại Việt Nam-Ukraine ước đạt 720 triệu USD, tăng 50% so với năm 2020. Tuy nhiên, thương mại của Nga và Ukraine chiếm chưa đến 4% tổng thương mại tính theo năm của Việt Nam.

Mất nhóm khách hàng quan trọng

Nga là một trong những thị trường du lịch lớn của Việt Nam. Nha Trang, Phan Thiết và Phú Quốc được biết đến là nơi hút du khách Nga, thậm chí có riêng hệ thống nhà hàng và cơ sở kinh doanh phục vụ cho nhóm du khách này. Tuy nhiên, đến nay, một số hãng lữ hành lớn của Việt Nam đã phải tạm ngừng cung cấp dịch vụ. Vietnam Airlines đã tạm ngừng các chuyến bay đi và đến giữa Hà Nội-Moscow từ ngày 25/3.

Du khách Nga là một trong những nhóm khách hàng có khả năng tài chính tốt. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch Việt Nam vào năm 2019, khách du lịch Nga thường chi tiêu trung bình khoảng 1.600 USD mỗi lần lưu trú, nhiều hơn so với mức trung bình 900 USD của nhóm khách nước ngoài khác.

Tổn thương chuỗi cung ứng

Xung đột Nga-Ukraine đã làm gián đoạn các tuyến đường sắt quan trọng đến châu Âu qua Trung Quốc.

Một số doanh nghiệp đã buộc phải đình chỉ vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt đến châu Âu qua Trung Quốc và Nga, do lo ngại về sự gián đoạn ở biên giới. Trên thực tế, chuyến tàu hàng đầu tiên nối Đà Nẵng với châu Âu dự kiến vào tháng Ba đã phải tạm dừng. Chuyến tàu dự kiến chở hàng hóa đi qua Trung Quốc trước khi kết nối với tuyến đường sắt Á - Âu.

Vận tải biển sẽ là một giải pháp thay thế giúp các doanh nghiệp định tuyến lại các chuyến hàng ra khỏi Nga và Belarus, nhưng các tuyến đường biển cũng chậm trễ đáng kể.

Xung đột Nga-Ukraine làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng vận chuyển và chuỗi cung ứng trên toàn cầu khi thế giới vẫn còn đang phải vật lộn để khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19. Bế tắc như giáng thêm một đòn chí mạng vào các doanh nghiệp ngành vận chuyển và doanh thu phụ thuộc lớn vào hậu cần trên tuyến đường dài.

Những nút thắt về hậu cần và sự mất cân bằng cung-cầu đã làm chậm đáng kể thời gian vận chuyển trung bình, dẫn đến sự thiếu hụt nghiêm trọng hệ thống container vận chuyển hàng hóa đi khắp thế giới.

Cảng vận chuyển lớn nhất của Ukraine-Odesa đã bị đình chỉ hoạt động. Một số gã khổng lồ vận tải biển cũng đã thông báo ngừng vận chuyển hàng không thiết yếu đến Nga để tuân thủ các lệnh trừng phạt. Không chỉ cước vận chuyển tăng vọt, mà thời gian vận chuyển kéo dài, chậm trễ, ảnh hưởng rất lớn tới dòng chảy giao thương toàn cầu.

Xung đột Nga-Ukraine chỉ là trường hợp mới nhất. Sự gián đoạn do tác động từ đại dịch Covid-19 và những biến động thất thường trên thị trường toàn cầu do leo thang thuế quan Mỹ-Trung là những ví dụ khác đã xảy ra trong thời gian qua.

Thực tế càng cho thấy, việc linh hoạt trong chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng và xác định rõ các nhà cung cấp hay nguồn thay thế, có thể giúp doanh nghiệp “chống sốc” và giảm thiểu các tác động bất khả kháng và rủi ro địa chính trị trong tương lai.