Khảo sát của CNN cho thấy tỷ lệ ủng hộ của người Mỹ đối với viện trợ quân sự, tài chính lớn cho Ukraine đang có xu hướng giảm. Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/Getty Images) |
Tổng thống Mỹ Joe Biden thường nói sẽ tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine “chừng nào còn cần thiết” trong xung đột với Nga. Phát biểu này đã được ông chủ Nhà Trắng lặp lại nhiều lần tại các sự kiện ở khác nhau.
Tuy nhiên, trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine đã trải qua hơn một năm rưỡi, tuyên bố của người đứng đầu Washington về viện trợ “vô thời hạn” cho Kiev không còn nhận được sự ủng hộ như trước. Theo thăm dò của CNN (Mỹ) thực hiện trên 1.279 người từ ngày 1-31/7 với sai số cho phép là 3,7%, có tới 55% số người được hỏi cho rằng Quốc hội “không nên cho phép tài trợ thêm để hỗ trợ Ukraine trong xung đột với Nga”.
Trong khi đó, có 51% ý kiến cho rằng Mỹ “đã làm đủ để ngăn chặn các hành động quân sự của Nga ở Ukraine”. Thậm chí, 53% số người được hỏi cũng không tán thành cách xử lý vấn đề Ukraine của ông Biden.
Trong cuộc thăm dò trên, phần lớn những người tham gia, không phân biệt chủng tộc, giới tính, tuổi tác hay thu nhập, không tán thành cam kết vô thời hạn của Mỹ dành cho Ukraine. Đáng chú ý, 62% thành viên Đảng Dân chủ cho rằng Quốc hội nên cấp thêm ngân sách. Trong khi đó, 71% đảng viên Cộng hòa nói rằng Quốc hội không nên phê duyệt viện trợ quân sự mới.
Tương tự, 61% đảng viên Đảng Dân chủ nói rằng Mỹ nên làm nhiều hơn nữa, song 59% đảng viên Cộng hòa và 56% người không theo đảng nào lại nghĩ khác. Hầu hết người theo chủ nghĩa tự do muốn Mỹ làm nhiều hơn, song những ai theo lập trường trung gian và bảo thủ tin vào điều ngược lại.
Thực tế này không có nghĩa rằng người Mỹ không muốn làm gì để giúp Ukraine. Cuộc thăm dò đã liệt kê ra một số lựa chọn và nhận thấy đa số ủng hộ Washington “hỗ trợ thu thập thông tin tình báo” và “huấn luyện quân sự” cho Các lực lượng vũ trang Ukraine (VSU). Tuy nhiên, các phương thức khác thì không.
Đặc biệt, chỉ có 17% ủng hộ việc “lực lượng quân đội Mỹ tham gia tác chiến”. Đây là điều ông Joe Biden đã cam kết từ khi xung đột nổ ra và chính trị gia này chắc chắn sẽ đối mặt với làn sóng phản đối mạnh mẽ nếu ông thay đổi lập trường.
Những điều này diễn ra trong bối cảnh chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ đang được tích cực triển khai. Ông Joe Biden, bất chấp những lời bàn tán về ứng viên Robert F. Kennedy Jr. hay Cornel West, không có đối thủ thực sự, ít nhất là cho đến nay, trong cuộc đua của đảng Dân chủ. Số lượng thành viên đảng này phản đối tài trợ cho Ukraine ngày càng tăng và rất nhiều người trong số họ, chiếm tới một phần ba, không có nhiều sự lựa chọn.
Đối với đảng Cộng hòa, câu chuyện khác hơn một chút. Cựu Tổng thống Donald Trump, người đang dẫn đầu về tỷ lệ ủng hộ, hứa hẹn sẽ nhanh chóng giải quyết xung đột ngay khi nhậm chức. Tuy nhiên, ông không đưa ra phương án cụ thể.
Ứng cử viên ở vị trí thứ hai, Thống đốc bang Florida Ron DeSantis chưa rõ ràng về lập trường của mình. Trong buổi trao đổi với Fox News (Mỹ) tuần trước, khi được hỏi về câu chuyện Ukraine, ông đã đưa ra một câu trả lời tương đối mơ hồ. Chính trị gia này cho rằng, các nước châu Âu cần đóng vai trò lớn hơn trong “xây dựng một nền hòa bình” bền vững tại khu vực và Mỹ sẵn sàng hợp tác để thực hiện điều đó. Tuy nhiên, ông khẳng định “ưu tiên thách thức từ Trung Quốc” và giải quyết “các vấn đề trong khu vực bán cầu của chúng ta”. Chính trị gia này cũng chưa đưa ra cách thức cụ thể để thực hiện mục tiêu.
Về phần mình, các ứng cử viên Tổng thống khác của đảng Cộng hòa, trong đó có thể kể tới cựu Phó Tổng thống Mike Pence, cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley, ông Tim Scott và bà Chris Christie, thể hiện lập trường rõ ràng hơn. Tuy nhiên, họ chưa nhận đủ sự ủng hộ cần thiết trong nội bộ để tạo khác biệt.
Mặc dù vậy, nếu như các số liệu khảo sát là chính xác, các cử tri đang trở nên ngày một hoài nghi về viện trợ quân sự và tài chính khổng lồ nước Mỹ đang dành cho Ukraine. Xu hướng này nhiều khả năng sẽ không thay đổi trong thời gian tới.