Mỹ tỏ ra hài lòng với những chính sách quốc phòng mới của Nhật Bản. (Nguồn: East Asia Forum) |
Trong một bài phân tích trên trang East Asia Forum, Giáo sư Fumiaki Kubo, Giám đốc Học viện Quốc phòng Nhật Bản và Giáo sư danh dự tại Đại học Tokyo đã đưa ra những đánh giá về chiến lược quốc phòng gần đây của Nhật Bản và nhận định về liên minh Mỹ-Nhật Bản.
Tăng "khả năng phản công", 2% GDP
Theo Giáo sư Fumiaki Kubo, Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine đã khiến Nhật Bản bị sốc. Tokyo càng lo lắng hơn khi Bắc Kinh thời gian qua xích lại gần hơn với Moscow. Đứng trước thực tế này, chính sách an ninh quốc gia của Nhật Bản đang có những thay đổi lịch sử với tốc độ nhanh chưa từng có.
Mỗi quốc gia có chiến lược phát triển quốc phòng riêng và ở mỗi thời điểm của lịch sử lại có những thay đổi nhất định. Mỹ và Nhật Bản đều là những quốc gia có những đặc thù trong chiến lược quốc phòng. Với Mỹ, chỉ khi Chiến tranh Lạnh bắt đầu, nước này mới trở thành một siêu cường quân sự.
Giáo sư Fumiaki Kubo cho rằng, Nhật Bản được coi là một trường hợp ngoại lệ của thế giới về chiến lược phát triển quốc phòng. Nhiều quốc gia mở rộng ảnh hưởng quốc phòng khi kinh tế phát triển. Vậy nhưng, Nhật Bản thời kỳ hậu chiến, khi đã vươn lên trở thành một cường quốc kinh tế lại có chính sách quốc phòng đặc trưng bởi sự tự kiềm chế. Nhật Bản, mặc dù có vị trí chiến lược gần các nước như Trung Quốc, Nga và Triều Tiên, song lại chỉ giữ chi tiêu quốc phòng dưới 1% GDP trong nhiều năm.
Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, theo chuyên gia Fumiaki Kubo, Đảng Dân chủ Tự do (LDP) đã phản ứng nhanh chóng trước xung đột Nga-Ukraine, Ủy ban Nghiên cứu của LDP về An ninh Quốc gia đã trình bày với Thủ tướng Kishida Fumio những khuyến nghị nhằm tăng cường khả năng quốc phòng của Nhật Bản.
Những khuyến nghị này bao gồm việc đạt được "khả năng phản công" và hướng tới mục tiêu ngân sách quốc phòng tương đương 2% GDP trong 5 năm.
Trong cuộc bầu cử Thượng viện vào tháng 7 vừa qua, liên minh cầm quyền đã giành được chiến thắng vững chắc, điều này giúp Thủ tướng Kishida có được “thời kỳ vàng” trong việc tiến hành các hoạt động lập pháp kéo dài ba năm, không bị gián đoạn bởi một cuộc bầu cử quốc gia nào. Các khuyến nghị về cải thiện năng lực quốc phòng cũng đang được chính phủ thông qua.
Theo Giáo sư Fumiaki Kubo, rõ ràng những lo lắng trước xung đột Nga-Ukraine là chất “xúc tác” để quá trình nâng cao năng lực quốc phòng của Tokyo diễn ra suôn sẻ.
Chuẩn bị cho mọi tình huống bất ngờ
Giám đốc Học viện Quốc phòng Nhật Bản Fumiaki Kubo cho biết, chính sách chi tiêu quốc phòng dưới 1% GDP của Nhật Bản nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong nước nhưng lại bị nhiều nước như Mỹ và Hàn Quốc nhiều lần “phàn nàn” rằng đã quá thận trọng.
Kể từ năm 2012, cựu Thủ tướng Abe Shizo đã cố gắng củng cố năng lực quốc phòng của Nhật Bản. Những thay đổi trong các chính sách về quốc phòng cũng tác động nhất định đến quan hệ liên minh Mỹ-Nhật Bản.
Dưới chính quyền Tổng thống Joe Biden, Nhật Bản và Mỹ đã củng cố lập trường về nhiều vấn đề quốc tế lớn, với các mối quan hệ dựa trên sự tin cậy lẫn nhau. Bất chấp những lo lắng từ phía Nhật Bản, Tổng thống Biden vẫn duy trì hầu hết các chính sách cứng rắn của chính quyền tiền nhiệm đối với Trung Quốc. Cách tiếp cận của Tổng thống Biden đối với Trung Quốc có phương pháp, dễ đoán hơn và ít mang tính đơn phương hơn so với chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump.
Mỹ và Nhật Bản hiện nay cùng theo đuổi cách tiếp cận đa phương dựa trên giá trị khi cùng thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP), củng cố nhóm Bộ tứ (Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia) và hợp tác tại Hội nghị Thượng đỉnh G7.
Giáo sư Fumiaki Kubo cho rằng Mỹ đánh giá cao chiến lược quốc phòng mới của Tokyo và coi đây là một cách để tăng cường năng lực liên minh. Thái độ cứng rắn của Nhật Bản đối với Nga và hỗ trợ Ukraine cũng làm Washington hài lòng.
Luật Hòa bình và An ninh năm 2015 là một bản nâng cấp đột phá đối với liên minh Mỹ-Nhật Bản. Theo luật này, Nhật Bản được phép chiến đấu cùng với Mỹ trong một số điều kiện nhất định. Mặc dù luật này gây tranh cãi ở Nhật Bản và quốc tế, nhưng nếu không có nó, theo Giáo sư Fumiaki Kubo, Nhật Bản và Mỹ sẽ không thể cùng nhau chuẩn bị một cách hiệu quả cho tình huống bất ngờ nào ở Bán đảo Triều Tiên hoặc Biển Hoa Đông.
Theo chuyên gia quốc phòng cao cấp của Nhật Bản, dấu ấn của cố Thủ tướng Abe trong quan hệ Mỹ-Nhật Bản là rất lớn khi ông là người có công lớn trong việc đề xướng ý tưởng "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở" (FOIP) cũng như việc hình thành nhóm Bộ tứ. Do vậy, ngày 20/7 vừa qua, Thượng viện Mỹ đã thông qua nghị quyết tôn vinh cố Thủ tướng Abe, là người đã đặt "nền tảng lâu dài" cho quan hệ liên minh Mỹ-Nhật Bản.
Thủ tướng Kishida mới nhậm chức được một năm. Mối quan hệ cá nhân của Thủ tướng Kishida và Tổng thống Joe Biden vẫn đang tiếp tục phát triển. Tính đến thời điểm này, Giáo sư Fumiaki Kubo cho rằng Thủ tướng Kishida cũng đã đưa ra một số quyết định có ý nghĩa giúp làm sâu sắc thêm liên minh.