Xung đột Nga-Ukraine đã ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến thị trường lương thực, năng lượng và tài chính. (Nguồn: Getty Images) |
Xung đột Nga-Ukraine đã ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến thị trường lương thực, năng lượng và tài chính, khiến giá cả hàng hóa từ thiết yếu đến hàng hóa phục vụ sản xuất đều tăng cao kỷ lục. Trong đó, có thể nói, cuộc khủng hoảng địa chính trị này đã "đánh thẳng vào nồi cơm" của mọi nhà, khi đây là hai trong số những quốc gia “sản xuất bánh mì” của thế giới, Nga và Ukraine cung cấp khoảng 30% lúa mì và lúa mạch mà thị trường toàn cầu đang tiêu thụ.
Bốn kịch bản có thể xảy ra
Một câu hỏi được đặt ra là tình trạng lạm phát mà chúng ta đang trải qua là tạm thời hay vĩnh viễn? Các nhà phân tích cho rằng, cuộc xung đột tại Ukraine đã làm thay đổi hoàn toàn triển vọng kinh tế toàn cầu. Thay vì lạm phát chỉ được coi là tạm thời, thì nay tình trạng này sẽ “kéo dài hơn”, có nghĩa là sẽ có tác động lâu dài.
Giáo sư Nuria Mas của Trường kinh doanh IESE nhấn mạnh, khả năng lạm phát đình trệ có thể dẫn đến giảm phát trong trung hạn.
Trong khi đó, Giáo sư kinh tế Javier Diaz Gimenez cảnh báo, khi tình trạng lạm phát tiếp tục diễn ra, “chúng ta sẽ nghèo hơn” và các doanh nghiệp cần chuẩn bị kế hoạch ứng phó cho khả năng này.
Theo Giáo sư Mas: “Trong kinh tế học, nói một cách đơn giản, chúng ta có xu hướng nghĩ về hai loại cú sốc, đó là các cú sốc cung và cầu. Trong đó, các cú sốc về nhu cầu dễ dàng xử lý hơn với các công cụ chính sách có sẵn, bởi vì các chính phủ có thể chi tiêu nhiều hơn để kích cầu. Tuy nhiên, những gì đang xảy ra hiện nay rõ ràng là một cú sốc về nguồn cung, vì giá hàng hóa tăng cao đang tác động rất mạnh đến các nhà sản xuất. Trong tình huống này, có khả năng tăng trưởng sẽ thấp đi nhưng giá cả hàng hóa lại cao hơn. Để kích thích nền kinh tế, các chính phủ có thể không muốn mạo hiểm đẩy giá lên cao hơn nữa.”
Tin liên quan |
Xung đột Nga-Ukraine: Khủng hoảng thiếu dầu ăn nguy hiểm như thiếu dầu mỏ |
Giáo sư Mas cho rằng, để đánh giá cú sốc hiện nay, cần phải xem xét kỹ càng hơn đối với bốn vấn đề, đó là giá cả hàng hóa, thương mại quốc tế, chuỗi cung ứng và niềm tin của người tiêu dùng.
Nhìn vào bốn vấn đề này ở các nền kinh tế Mỹ, Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha nhận thấy rõ ràng, tất cả đều đang bị tác động tiêu cực. Đức và Italy là hai quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất. Cú sốc về nguồn cung là rất rõ ràng, nhưng vấn đề này có thể kéo dài bao lâu là một câu hỏi khác.
Mặc dù chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, nhưng việc đưa ra các tình huống có thể xảy ra sẽ giúp ích cho việc lập kế hoạch kinh doanh. Dưới đây là bốn khả năng:
Thứ nhất, một cuộc xung đột kéo dài sẽ có tác động lâu dài đến giá lương thực và năng lượng, có nghĩa là tỷ lệ lạm phát có thể vẫn ở mức cao. Đây là kịch bản có thể xảy ra nhất.
Thứ hai, việc đạt được một thỏa thuận ngoại giao sẽ là kịch bản tốt nhất với các tác động hạn chế đến nền kinh tế. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu hòa bình có đến kịp để gieo trồng vụ mùa mới và giảm bớt các áp lực về giá cả?
Thứ ba, cuộc xung đột leo thang với sự can dự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đây là một kịch bản nguy hiểm và đáng sợ nhưng cũng phải tính đến những rủi ro để chuẩn bị ứng phó.
Thứ tư, khả năng giảm leo thang, với các lệnh trừng phạt và chi phí nhân lực của cuộc xung đột có thể khiến Nga suy yếu đi. GDP của Nga dự kiến sẽ giảm 11% trong năm nay.
Cơn bão "hoàn hảo" đối với thế giới
Theo Giáo sư Mas, năm 2022 lẽ ra là một năm tuyệt vời. Khi cuộc khủng hoảng Covid-19 suy yếu vào năm ngoái, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã dự đoán tăng trưởng toàn cầu mạnh mẽ là 4,9% trong năm nay. Vào tháng 1/2022, với sự lây lan của biến thể Omicron, IMF đã giảm dự báo tăng trưởng năm 2022 xuống còn khoảng 4,4%. Sắp tới, có thể các dự báo tăng trưởng của IMF sẽ còn thấp hơn nữa.
Trong khi thế giới đang phục hồi sau đại dịch, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã gây ra một cú sốc tàn khốc, ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế toàn cầu. Theo giáo sư Diaz Gimenez, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất cơ bản và tất nhiên điều này sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế toàn cầu. Sự biến động chắc chắn sẽ rất lớn.
Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) António Guterres, hiện thế giới đang đối mặt với một cơn bão "hoàn hảo", đặc biệt có nguy cơ tàn phá nền kinh tế các nước đang phát triển. Tổng thư ký LHQ kêu gọi hành động khẩn cấp, cụ thể và phối hợp để giúp các quốc gia và cộng đồng có nguy cơ cao nhất ngăn chặn các cuộc khủng hoảng liên quan. Các nước cần phải hành động ngay bây giờ để ứng phó với cuộc khủng hoảng này.
Phân tích sơ bộ cho thấy, có tới 1,7 tỷ người tại 107 nền kinh tế đang phải đối mặt với ít nhất một trong ba rủi ro, chủ yếu ở châu Phi, châu Á và Thái Bình Dương, Mỹ Latinh và Caribe. Khi kết hợp với những tác động tàn khốc của cuộc khủng hoảng Covid-19 và biến đổi khí hậu, chỉ cần một rủi ro là đủ để gây ra cảnh túng quẫn, thiếu lương thực và mất điện.
Đối với châu Âu, giáo sư Diaz Gimenez nhận định, khu vực này dễ dàng bị tổn thương do phụ thuộc vào năng lượng. Với việc khí đốt của Nga chiếm tới 40% lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu, điều này càng trở nên rõ ràng. Do đó, châu Âu cần phải tự chủ về năng lượng. Tuy nhiên, tìm kiếm một giải pháp thay thế không hề dễ dàng. Vương quốc Anh và Na Uy có thể tăng nguồn cung nhưng vẫn chưa đủ.
Cũng như việc đối phó với cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19, phản ứng của châu Âu cho đến nay là thống nhất và đầy hứa hẹn. Các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Nga là một minh chứng rõ ràng về điều này. Hiện nay có vẻ là lúc cần phải đưa ra một kế hoạch năng lượng thống nhất. Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất một phác thảo kế hoạch giảm 60% sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga vào tháng 12/2022, đồng thời thúc đẩy năng lượng tái tạo.
Cần ngay những hành động khẩn cấp
Nhóm Ứng phó khủng hoảng toàn cầu (GCRG) đã được thành lập nhằm mục đích phát triển các giải pháp phối hợp cho các cuộc khủng hoảng, với sự cộng tác của các chính phủ, hệ thống đa phương và các lĩnh vực. Mục tiêu là giúp các quốc gia dễ bị tổn thương ngăn chặn các cuộc khủng hoảng quy mô lớn thông qua điều phối cấp cao và quan hệ đối tác, hành động khẩn cấp và tiếp cận các dữ liệu quan trọng, phân tích và khuyến nghị chính sách.
Theo Tổng thư ký của Hội nghị về Thương mại và phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD), Rebeca Grynspan, các khuyến nghị ngắn và dài hạn đã được GCRG đưa ra nhằm ngăn chặn và ứng phó với cuộc khủng hoảng, bao gồm sự cần thiết phải giữ cho thị trường và thương mại cởi mở để đảm bảo sự sẵn có của thực phẩm, đầu vào nông nghiệp như phân bón và năng lượng.
Báo cáo cũng kêu gọi các tổ chức tài chính quốc tế khẩn trương cấp vốn cho các quốc gia gặp rủi ro cao nhất trong khi đảm bảo có đủ nguồn lực để xây dựng khả năng chống chịu lâu dài đối với những cú sốc như vậy.
Về thực phẩm, ngoài việc giữ cho thị trường mở và đảm bảo rằng thực phẩm không bị hạn chế xuất khẩu, bản tóm tắt khuyến nghị nhanh chóng cung cấp các quỹ hỗ trợ thực phẩm nhân đạo. Các nhà sản xuất lương thực, những người phải đối mặt với chi phí đầu vào và vận chuyển cao hơn, cần gấp rút hỗ trợ cho vụ mùa tiếp theo.
Về năng lượng, báo cáo của GCRG kêu gọi các chính phủ sử dụng các kho dự trữ chiến lược và dự trữ bổ sung để giúp giảm bớt cuộc khủng hoảng năng lượng này trong ngắn hạn. Quan trọng hơn, thế giới cần đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo, không bị ảnh hưởng bởi các biến động thị trường, để loại bỏ dần than đá và tất cả các loại nhiên liệu hóa thạch khác.
Để biến cuộc khủng hoảng này thành cơ hội, Tổng thư ký LHQ António Guterres cho biết thêm, các nước cần làm việc theo hướng loại bỏ dần than đá và các nhiên liệu hóa thạch khác, đồng thời đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo và một quá trình chuyển đổi công bằng.
Liên quan đến vấn đề tài chính, GCRG kêu gọi các hệ thống tài chính quốc tế, bao gồm Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và các ngân hàng phát triển, cung cấp vốn linh hoạt, khẩn cấp cho các nước đặc biệt kém phát triển, giúp các chính phủ có thể tránh vỡ nợ, cung cấp mạng lưới an toàn xã hội cho những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất, và tiếp tục đầu tư quan trọng vào phát triển bền vững.
Giá vàng hôm nay 13/4: Giá vàng bật tăng mạnh mẽ, lạm phát leo thang khó tin, Fed tiến thoái lưỡng nan; Vàng SJC còn tăng mạnh? Giá vàng hôm nay 13/4 bật tăng mạnh mẽ trên thị trường thế giới nhờ trợ lực từ báo cáo mới nhất về mức lạm ... |
| Nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu Kể từ khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine, hệ thống an ninh lương thực toàn cầu, vốn đang gánh chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực ... |