Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine tích cực. (Nguồn: Reuters) |
Hãng tin AFP dẫn lời ông Scholz tại cuộc họp báo sau hội đàm với Tổng thống Moldova Maia Sandu ở Chisinau cho biết, Berlin đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến tiếp theo xung quanh vụ tấn công.
Nhà lãnh đạo Đức nói: “Ukraine đã chuẩn bị hoạt động quân sự ở khu vực Kursk một cách rất bí mật và không có sự trao đổi”. Đây là chiến dịch bị hạn chế về không gian và có lẽ cả về thời gian.
Trước đó, ông Scholz khẳng định, Berlin sẽ tiếp tục là quốc gia ủng hộ Kiev tích cực nhất ở châu Âu sau những tranh cãi về điều mà một số người gọi là “sự dao động” của Đức đối với Ukraine về vấn đề chính trị trong nước.
Liên minh cầm quyền của ông Scholz, vốn đang gặp khó khăn trong việc đạt được thống nhất về ngân sách, có kế hoạch giảm một nửa viện trợ vào năm tới, cho rằng “phần thiếu hụt” sẽ được bù đắp bằng kế hoạch của Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) cho Ukraine vay 50 tỷ USD.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Đức kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và hành động khí hậu Robert Habeck tuyên bố, kể cả khi ông Donald Trump thắng cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 và quyết định đình chỉ hỗ trợ quân sự cho Ukraine, Berlin vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ Kiev và không bỏ mặc họ "đơn độc”.
Liên quan xung đột Nga-Ukraine, cùng ngày, hãng tin Reuters dẫn lời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay, lực lượng vũ trang nước này hiểu được ý đồ mà Nga đang cố gắng thực hiện trên mặt trận Pokrovsk ở miền Đông Ukraine và Kiev đang tăng cường lực lượng của mình để đối phó.
Trong bài phát biểu trên truyền hình, ông Zelensky thúc giục các đối tác của Kiev tuân thủ thời gian biểu như đã thỏa thuận về việc cung cấp đạn dược cho quân đội Ukraine.
Nhà lãnh đạo Ukraine cũng lưu ý, cuộc tấn công mà Ukraine phát động nhằm vào khu vực Kursk vẫn tiếp diễn và lực lượng Ukraine đã kiểm soát một số khu vực.
Cũng trong ngày 21/8, phát biểu trước cộng đồng người Ấn ở Ba Lan hai ngày trước chuyến thăm Ukraine, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi một lần nữa khẳng định nước này ủng hộ hòa bình lâu dài ở châu Âu.
Ông Modi nhấn mạnh: "Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng - đây không phải là thời đại chiến tranh. Đây là lúc chúng ta cùng nhau chống lại những thách thức đe dọa nhân loại. Do đó, Ấn Độ tin tưởng vào ngoại giao và đối thoại".