Việc NATO triển khai máy bay không người lái tại Ukraine được dự báo sẽ đẩy xung đột Nga-Ukraine lên đỉnh điểm. Ảnh minh họa: Máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ được ví như 'sát thủ' tấn công. (Nguồn: Expats) |
Nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Nga và phương Tây ngày càng tăng cao trong bối cảnh NATO đang thảo luận về khả năng chuyển giao các khí tài hạng nặng và viện trợ quân sự cho Ukraine trong một vài tuần hoặc vài tháng tới.
Hậu quả khó lường
Nếu các máy bay không người lái, như "sát thủ" tấn công Reaper, được triển khai ở Ukraine sẽ đánh dấu một bước leo thang mới trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, nơi mà Mỹ và đồng minh phương Tây ngày càng muốn can dự sâu và trực tiếp, khiến khả năng đối đầu với Moscow có thể bị đẩy lên cao trào.
Trước mắt, Mỹ và Pháp vẫn chưa đề cập việc triển khai các máy bay không người lái tới Ukraine, kịch bản mà nhiều chuyên gia dự báo nếu diễn ra, sẽ tạo ra bước ngoặt cho cuộc chiến này.
Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng các máy bay tấn công không người lái có thể được NATO triển khai từ bên ngoài lãnh thổ Ukraine. Với kỹ thuật hiện đại, không khó để các máy bay tấn công không người lái được triển khai từ phạm vi ở rất xa so với mục tiêu, trong khi phi công điều khiển thiết bị chỉ cần ngồi tại trung tâm chỉ huy đặt ở một nước thành viên của NATO.
Mặc dù vậy, các lực lượng của NATO không thể triển khai máy bay chiến đấu và phi công trên không phận Ukraine một cách chính thức vì điều này đồng nghĩa với đối đầu trực tiếp với Nga.
Và nước đi này nhiều khả năng sẽ đẩy cuộc xung đột tới ngưỡng cửa của Thế chiến III.
Lường trước điều này, Moscow đã nhiều lần cảnh báo NATO về các hành động quân sự của khối liên quan tới vấn đề Ukraine.
Việc gửi các máy bay không người lái tấn công Reaper và phi công vận hành tại một căn cứ quân sự của Mỹ ở nước ngoài, ví dụ như căn cứ Ramstein ở Đức, sẽ gửi đi thông điệp rằng Washington trực tiếp muốn tham gia vào cuộc xung đột tại Ukraine, đồng thời mở ra viễn cảnh đối đầu quân sự trực tiếp giữa hai bên đối địch trong Chiến tranh Lạnh.
NATO liệu có triển khai máy bay không người lái ở Ukraine?
Theo trang Politico, các binh sĩ Ukraine, đặc biệt là các phi công, không có nhiều kỹ năng điều khiển các máy bay không người lái vì họ chưa được huấn luyện công nghệ này.
Cảnh báo về kịch bản gia tăng xung đột, Politico nhấn mạnh: “Việc bán các máy bay không người lái Grey Eagles, trong đó có phiên bản quân sự được biết đến nhiều nhất là Reaper, sẽ là một chương mới trong việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine và có thể mở đường cho Kiev khả năng tiếp nhận các trang thiết bị quân sự tân tiến hơn”.
Trong khi đó, trang Defense Zone cho biết, Pháp đang đào tạo phi công điều khiển các máy bay chiến đấu không người lái, trong đó có Reaper.
Cụ thể, kể từ thời điểm tiếp nhận máy bay MQ-9 Reaper, không quân Pháp đã tuyển dụng các phi công điều khiển loại máy bay này.
Để đáp ứng được nhu cầu, một đơn vị chịu trách nhiệm huấn luyện phi công điều khiển các máy bay không người lái đã được thành lập vào năm 2019 tại căn cứ không quân 709 Cognac.
Pháp cũng đã sử dụng máy bay không người lái trong các hoạt đông quân sự thuộc chiến dịch Barkhane tại châu Phi.
Ngoài ra, tạp chí L’Express chỉ ra rằng, căn cứ Ramstein của Mỹ tại Đức là trung tâm công nghệ của chương trình máy bay không người lái do Washington vận hành. Đáng chú ý, Đức cũng là một thành viên của NATO.
Theo đó, rất nhiều phi công Mỹ đang được triển khai tại căn cứ Ramstein, đã từng điều khiển máy bay không người lái thực hiện các nhiệm vụ quân sự tại Somalia, Yemen và Afghanistan.
Căn cứ Ramstein, được hoàn thành vào năm 2013, là một trong những căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ được triển khai bên ngoài lãnh thổ nước này.
“Về mặt địa lý, vị trí của căn cứ Ramstein rất lý tưởng để đảm bảo chuyển tiếp tín hiệu từ Mỹ tới mục tiêu. Ramstein thực sự là một trung tâm chỉ huy đầu não của Mỹ vận hành các máy bay không người lái", tạp chí Pháp đánh giá.
Lực lượng lính dù Mỹ tại căn cứ không quân Ramstein, Đức. (Nguồn: U.S Air National Guard) |
Tháng 11/2019, Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ (AFRICOM) thông báo, cùng với Djibouti, Agadez thuộc Niger đã trở thành một căn cứ mới của các máy bay tấn công không người lái. Điều này cho thấy khả năng cơ động cao của Washington trong việc sử dụng máy bay không người lái cho các hoạt động quân sự trên toàn cầu.
Ngay trước Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO diễn ra vào ngày 15-16/6 vừa qua tại Brussels (Bỉ), ông Mykhaïlo Podoliak, Cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine, kêu gọi viện trợ “các vũ khí hạng nặng để kết thúc xung đột”.
Cụ thể, quan chức này kêu gọi các nước phương Tây hỗ trợ 1.000 máy bay không người lái, 1.000 súng cối cỡ nòng 155 mm, 300 MLRS (hệ thống phóng đa tên lửa), 500 xe tăng, 2.000 xe bọc thép.
Politico dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách về chính sách Colin Kahl tại một sự kiện do Trung tâm An ninh mới của Mỹ (CNAS) tổ chức cho biết, 4 hệ thống pháo-tên lửa phòng không có tính cơ động cao đã được gửi đến Ukraine.
Trong khi đó, Anh cũng hứa sẽ gửi 3 bệ phóng tên lửa đa năng M270 cho Kiev.
Ông David Deptula, Chủ nhiệm khoa thuộc Viện Nghiên cứu hàng không vũ trụ Mitchell, đồng thời là Tướng ba sao của Lực lượng không quân Mỹ đã nghỉ hưu, khẳng định rằng, Mỹ hiện sở hữu hơn 200 MQ-1 (máy bay không người lái tấn công) và có thể gửi đến Ukraine.
Theo một quan chức Mỹ, về lý thuyết, các máy bay không người lái có thể được vận hành từ bên ngoài lãnh thổ Ukraine nếu nó được hỗ trợ liên lạc từ vệ tinh.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, NATO cần cân nhắc kỹ trước quyết định triển khai các máy bay không người lái tới Ukraine để tránh kịch bản xảy ra xung đột trực tiếp giữa Mỹ và Nga, thậm chí là gây ra Thế chiến III.
| Xe đạp tre 'chở' tình hữu nghị Australia-Indonesia Trong chuyến thăm Indonesia vừa qua, Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã nhận được một lời mời đặc biệt từ Tổng thống Indonesia Joko Widodo, ... |
| Thu xếp phòng khách danh dự đón, tiễn khách cấp cao nước ngoài tại sân bay Điều 25 Nghị định số 18/2022/NĐ-CP về nghi lễ đối ngoại quy định việc thu xếp phòng khách danh dự đón, tiễn khách cấp cao ... |