Lực lượng Ukraine tác chiến trong các hoạt động quân sự ở Malaya Loknya, tỉnh Kursk, Nga ngày 20/8. (Nguồn: Quân đội Ukraine/Reuters) |
Nóng cả thực địa và truyền thông
Ngày 6/8, bất chấp khó khăn trên mặt trận phòng phía Đông, Ukraine huy động khoảng 11.000 quân tinh nhuệ cùng nhiều vũ khí mới được phương Tây viện trợ, mở cuộc tiến công lớn nhất kể từ ngày xung đột bùng nổ, vào tỉnh biên giới Kursk của Nga.
Chiến dịch Kursk là “mũi tên nhắm nhiều đích”, buộc Nga phân tán đối phó, giảm áp lực tiến công của Moscow ở miền Đông Ukraine; chứng tỏ sức mạnh với Mỹ và phương Tây; trấn an quân đội và người dân; gây hoang mang trong xã hội Nga; chiếm giữ nhà máy điện hạt nhân ở thành phố Kurchatov làm “con bài” tạo sức ép và lợi thế trao đổi khi phải đàm phán…
Sau 2 tuần tiến công, Ukraine dường như không quá khó để tiến sâu khoảng 40- 50 km, chiếm giữ hơn 1.000 km2 lãnh thổ Nga, gây nhiều khó khăn, tổn thất cho Moscow. Nga tập trung lực lượng, vũ khí ở Kursk, giành lại một số khu vực, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa xoay chuyển được tình thế.
Cuộc chiến truyền thông ác liệt không kém, nhiều tranh cãi về ý đồ, mục đích và kết quả của hai đối thủ. Dư luận có phần bất ngờ với diễn biến chiến trường, cho rằng Ukraine đạt được một số mục tiêu. Ngược lại, nhiều chuyên gia nhìn nhận Kiev quá mạo hiểm, bởi chiếm khó hơn giữ, lại bộc lộ lực lượng, cách xa cơ sở bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, có nguy cơ bị bao vây, tiêu diệt lớn. Đặc biệt có thể kích thích Nga tung đòn đáp trả với nhiều loại vũ khí hiện đại.
Dư luận cũng chia rẽ khi đánh giá về Nga. Một số cho rằng Moscow bị động, bất ngờ, thất bại về tình báo, bộc lộ hạn chế phòng thủ biên giới, tổn thất cả binh lực và uy tín sức mạnh… Số khác nói Nga chủ động “giăng bẫy” để đánh đòn quyết định! Đến thời điểm này, loại ý kiến thứ hai chưa thật thuyết phục.
Mỹ và phương Tây tỏ ra vui mừng vì vũ khí hiện đại viện trợ phát huy tác dụng, khiến Nga gặp khó khăn, buộc phải tập trung nỗ lực phòng thủ, khôi phục vùng bị chiếm giữ, không dễ mở rộng tiến công vào lãnh thổ Ukraine, có thể bị sa lầy trên chiến trường.
Điện Kremlin cáo buộc Mỹ và phương Tây đứng sau cuộc tiến công của Ukraine, tuyên bố sẽ buộc họ phải gánh chịu hậu quả. Có điều chưa rõ Moscow đáp trả thế nào? Điều đó cũng khiến Washington và một số lãnh đạo phương Tây lo ngại, tỏ ý can ngăn Kiev sử dụng tên lửa tầm xa được viện trợ tiến công mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga.
Thuyết âm mưu và cuộc chiến thông tin làm cho việc đánh giá ý đồ chiến lược, kết quả cũng như tổn thất của hai bên và dự báo diễn biến tiếp theo khó khách quan, toàn diện. Có ý kiến cho rằng, tình thế hiện nay sẽ dẫn đến một đột biến, bước ngoặt, nghiêng về bên này hay bên kia.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đứng đầu Cộng hòa Chechnya Ramzan Kadyrov xem các loại vũ khí được cho là đã thu giữ được trong chiến dịch quân sự của Nga, tại Gudermes ngày 20/8. (Nguồn: Reuters) |
Những kịch bản - có thể và không thể
Sau những kết quả chậm mà chắc của Nga trong hơn 7 tháng đầu năm 2024, cục diện chiến trường hiện tại trở nên khó đoán định hơn. Có thể xảy ra một số kịch bản sau:
Một là, hai bên ở vào thế giằng co. Ukraine vừa cầm cự trên mặt trận phía Đông, vừa tiếp tục tiến công một số mục tiêu sâu trong đất Nga và quyết giữ vùng mới chiếm được, ít nhất đến khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngã ngũ vào tháng 11/2024.
Nga tiếp tục tiến công vào lãnh thổ Ukraine và phản công khôi phục các địa bàn bị chiếm giữ ở Kursk, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa tạo được đột biến đáng kể nào.
Điều này có thể giải thích được. Đằng sau Ukraine là sự chi viện, hỗ trợ, can dự của Mỹ và phương Tây về tài chính, vũ khí trang bị, chuyên gia quân sự, tin tức tình báo từ vũ trụ, trên không. Cùng với đó là đòn trừng phạt kinh tế, cô lập Nga về chính trị, ngoại giao.
Hai là, Ukraine chiếm giữ, kiểm soát phần lớn tỉnh Kursk, tiếp tục tiến công hỏa lực vào các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga và cơ bản duy trì thế trận phòng thủ ở miền Đông, buộc Nga phải chấp nhận đàm phán, trao đổi giữa Kursk với khu vực mới chiếm giữ ở phía Đông Ukraine. Kịch bản này rất khó có khả năng diễn ra.
Góc nhìn từ máy bay không người lái cho thấy những gì lực lượng Ukraine cho biết là các cuộc tấn công bằng tên lửa vào quân đội Nga tại Novozhelanne ở vùng Donetsk, miền Đông Ukraine vào ngày 21/8. (Nguồn: Reuters TV) |
Ba là, Nga tập trung lực lượng, với nhiều loại vũ khí hiện đại, có khả năng sát thương cao, gây tổn thất nặng nề, tạo ra cục diện chiến trường đột biến, buộc Ukraine rơi vào thế bất lợi, phải chấp nhận các điều kiện của Moscow.
Nga có thể tiến công theo ba phương án. Thứ nhất, lấy tiến công đường không mạnh mẽ vào nhiều mục tiêu trên các tỉnh, thành phố Ukraine và tiến công đường bộ trên địa bàn Donetsk, mở rộng vùng chiếm giữ ở miền Đông Ukraine làm mặt trận chính; ngăn chặn, kìm giữ, bao vây, tiêu diệt đối phương ở Kursk là mặt trận phối hợp.
Thứ hai, tiếp tục tấn công đường không, đường bộ vào lãnh thổ Ukraine để phối hợp với mặt trận chính, bao vây, tiêu diệt lớn lực lượng Ukraine ở Kursk. Thứ ba, tiến công lớn, đồng thời trên cả hai mặt trận, tạo cục diện đột biến, đẩy Ukraine vào thế bị động, chịu tổn thất nặng nề, buộc phải chấp nhận thất bại. Việc Belarus tăng cường lực lượng phòng thủ vừa bảo vệ biên giới vừa khiến Ukraine phải chú ý hơn đến động thái mới trên hướng Bắc.
Nhiều chuyên gia bỏ phiếu cho kịch bản ba. Nhưng với tình thế hiện nay, Điện Kremlin khó tập trung lực lượng đủ mạnh để mở cuộc tiến công lớn, đồng thời trên cả hai mặt trận và bảo đảm phòng thủ trên toàn bộ lãnh thổ của mình.
Không loại trừ Nga có thể triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược, chiến dịch và chiến thuật, nhằm răn đe phương Tây can dự sâu hơn và Ukraine có hành động liều lĩnh, ở thế đường cùng. Tuy nhiên, việc sử dụng vũ khí hạt nhân, bất kể ở cấp nào, cũng là vạn bất đắc dĩ, phương án cuối cùng. Bởi khi đó, xung đột có thể bùng phát, vượt tầm kiểm soát, gây hậu quả thảm khốc cho tất cả các bên và khu vực, thế giới.
Bốn là, hai bên chấp nhận đàm phán ngừng bắn. Cục diện giằng co kéo dài, hai bên gặp nhiều khó khăn hoặc diễn ra kịch bản thứ hai, thứ ba cùng với nỗ lực trung gian hòa giải của một số nước, đều có thể dẫn đến việc kết thúc xung đột bằng đàm phán. Đây là kịch bản khả dĩ nhất.
Nhiều kịch bản khác nhau, nên hình thức, điều kiện, thời gian và kết quả đàm phán cũng khác nhau. Trong đó, bên có ưu thế chiến trường sẽ giành lợi thế hơn trên bàn đàm phán. Tuy nhiên, khả năng và kết cục đàm phán còn phụ thuộc vào ý đồ chiến lược và mức độ can dự của Mỹ và phương Tây. Tùy theo tình thế, mà Nga cũng sẽ đặt điều kiện với Mỹ và phương Tây. Vì thế, diễn biến và kết cục sẽ khó đoán định. Hãy chờ xem.