Việc lồng ghép các yếu tố văn hóa trong dạy học tiếng Anh cần được các NXB quan tâm trong biên soạn chương trình sách giáo khoa tiếng Anh mới. |
Còn gần hai tháng nữa năm học 2020-2021 mới bắt đầu; tuy nhiên, là năm học đầu tiên thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới (CTGDPT) nên từ cuối năm học 2019-2020, chương trình sách giáo khoa (SGK) mới, đặc biệt là môn tiếng Anh, được nhiều người quan tâm.
Bộ GD&ĐT đã thẩm định và cấp phép cho 7 đầu SGK tiếng Anh được sử dụng theo CTGDPT mới. 2 trong 7 đầu sách này do người Việt biên soạn, còn lại 5 đầu sách là nhượng quyền của các nhà xuất bản (NXB) nước ngoài.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn rằng nên cho học sinh tiếp cận với phông văn hóa nào khi học tiếng Anh? Liệu học tiếng Anh để Tây hóa hay các em vẫn chỉ là người Việt Nam nói tiếng Anh?
Trên các diễn đàn, có chuyên gia cho rằng học tiếng Anh nên chỉ tập trung vào kiến thức ngôn ngữ và kiến thức thế giới để mở rộng tầm mắt cho học sinh; còn các yếu tố văn hóa Việt Nam thì học sinh đã được học ở những bộ môn khác. Quan điểm này có vẻ không được nhiều nhà sư phạm ủng hộ vì những lý do sau.
Thứ nhất, văn hóa là một khía cạnh không thể tách rời với ngôn ngữ. Khi sử dụng một ngoại ngữ nào đó với mục đích giao tiếp nhưng các giá trị biểu đạt trong đó là của chủ thể, thể hiện năng lực, phẩm chất, đặc điểm, phông văn hóa của chính người đó. Do đó, nếu cho rằng dạy học tiếng Anh không cần liên hệ các giá trị văn hóa của ngôn ngữ gốc (tiếng Việt) là một quan điểm phiến diện.
Nhiều bạn trẻ được sinh sống và học tập ở nước ngoài từ nhỏ có năng lực tiếng Anh như người bản ngữ. Tuy nhiên, khi về Việt Nam, các em lại bỡ ngỡ với những điều tưởng như rất đơn giản trong cuộc sống của người Việt. Nhiều em không phân biệt được củ hành với củ tỏi, củ gừng với củ nghệ, con ngan với con vịt….
Thâm chí ngay ở Việt Nam, nếu SGK không đề cập những khái niệm này thì chắc chắc học sinh sẽ không diễn đạt được bằng tiếng Anh vì các em không có vốn từ vựng. Nên chăng, SGK tiếng Anh cần có chủ đề giới thiệu những điều gần gũi, thân thiết trong cuộc sống hàng ngày của học sinh.
Thứ hai, ngoài mục đích sử dụng dạy học, SGK có thể còn là một kênh tham khảo hữu ích cho nhiều học giả, chuyên gia nước ngoài khi nghiên cứu ở nước sở tại. Theo họ, SGK là nguồn cung cấp thông tin chính thống, chính xác và đáng tin cậy.
Thứ ba, việc lồng ghép các giá trị văn hóa, truyền thống, lịch sử… có ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức của người học, để rồi từ đó xây dựng thế giới quan, nhân sinh quan, tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc… cho người học.
Nếu chúng ta thiếu chiến lược đem các giá trị văn hóa, truyền thống vào SGK tiếng Anh có thể làm mất cơ hội quảng bá về quê hương, đất nước, con người.
Việc lồng ghép các yếu tố văn hóa trong dạy học tiếng Anh cần được các NXB quan tâm trong biên soạn chương trình SGK tiếng Anh mới, nhất là đối với các lớp ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Bên cạnh lồng ghép những yếu tố tích cực trong văn hóa Việt vào SGK tiếng Anh, chúng ta cũng cần phải định hướng cho học sinh hạn chế sử dụng những yếu tố tiêu cực của thói quen, văn hóa địa phương trong giao tiếp với người nước ngoài. Ví dụ như tính tò mò, hiếu kỳ của người Việt (hỏi tuổi tác, hỏi về thu nhập….) nhằm giúp cho học sinh tự tin, chững chạc hơn trong giao tiếp với người nước ngoài.
Mỗi dân tộc đều có các giá trị văn hóa, truyền thống riêng. Tiếng Anh là phương tiện giúp chúng ta đem các giá trị văn hóa, truyền thống của mình hòa nhập với cộng đồng quốc tế chứ không hòa tan, không đánh mất mình trong dòng chảy của toàn cầu hóa.
Vì vậy, bên cạnh học tiếng Anh và văn hóa của các nước nói tiếng Anh nói chung, chúng ta nên trang bị cho học sinh các giá trị văn hóa Việt Nam để qua tiếng Anh, học sinh Việt Nam có thể trở thành các đại sứ văn hóa giới thiệu với bạn bè thế giới về quê hương, đất nước, con người Việt Nam.