📞

10 cuốn sách biểu dương nữ quyền của Mỹ

15:46 | 07/03/2017
Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ, tờ The New York Times đã liệt kê 10 cuốn sách cho thấy phụ nữ Mỹ đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực quyền lực khác nhau.

“Kỷ nguyên đấu tranh: Quá trình phát triển của nữ quyền tại Mỹ” (1959) của tác giả Eleanor Flexner

Trong lịch sử của phong trào đòi quyền bầu cử cho phụ nữ, tác giả Flexner đã miêu tả lại tinh thần của làn sóng nữ quyền trong thập niên 1960 và thập niên 1970. Tác giả đã liệt kê những tên tuổi nổi bật trong quá trình đòi quyền bầu cử cho phụ nữ bao gồm Elizabeth Cady Stanton, Susan B. Anthony và chị em nhà Grimké. Quá trình này kéo dài từ sau năm 1920 khi Tu chính án thứ 19 về quyền bầu cử phụ nữ được phê chuẩn.

4 trong 10 cuốn sách biểu dương nữ quyền mà tờ The New York Times bình chọn. (Nguồn: The New York Times)

“Phụ nữ, chủng tộc và giai cấp” (1981) của tác giả Angela Y. Davis

Cuốn sách đề cập đến nạn phân biệt đối xử với phụ nữ, đồng thời mô tả lại quá trình phụ nữ da đen đấu tranh với nạn phân biệt giới tính, chủng tộc như thế nào, qua đó cổ vũ cho phong trào đấu tranh vì nữ quyền.

“Eleanor Roosevelt” phần 1, 2 và 3 (1992-2016) của tác giả Blanche Wiesen Cook

Cuốn tiểu sử ba phần về Đệ nhất Phu nhân nước Mỹ Roosevelt tái hiện lại cuộc đời, sự nghiệp và công cuộc giúp đỡ của bà trong việc tìm kiếm chỗ đứng xã hội và vai trò lãnh cho phụ nữ trong thời kỳ nước Mỹ vẫn còn nạn phân biệt chủng tộc và giới tính. Cuốn tiểu sử đã khắc họa một cách sống động bức tranh một người phụ nữ can trường và mạnh mẽ, đồng thời là vị Đệ nhất Phu nhân Mỹ được ngưỡng mộ nhất mọi thời đại qua các cuộc khảo sát.

“Sojourner Truth: Một cuộc đời, một biểu tượng” (1996) của tác giả Nell Irvin Painter

Sinh ra là một nô lệ và lớn lên tại New York, bà Sojourner Truth dành cả một đời để đấu tranh bình đẳng và đi đầu trong phong trào bãi nô. Với câu slogan tiêu biểu “Tôi không phải là một người phụ nữ hay sao?” cùng với hành động phanh ngực để chứng minh mình là phụ nữ, bài phát biểu được bà tuyên truyền trong Hội nghị về quyền phụ nữ của Ohio, Mỹ quốc thời bấy giờ đã gây một tiếng vang lớn trong xã hội thế kỷ 19. Trong cuốn sách, tác giả Nell Irvin Painter đã nhận định bà Sojourner Truth là một biểu tượng lớn của nền văn hóa Mỹ.

“Hồi ký cá nhân” (1997) của tác giả Katharine Graham

Là người quản lý của tờ báo The Washington Post, bà Katharine Graham đã được ví như một huyền thoại truyền thông sau sự kiện gây chấn động nước Mỹ - sự kiện Watergate năm 1972, khiến Tổng thống Richard Nixon phải từ chức.

Cuốn tự truyện mô tả về những biến cố trong cuộc đời của bà Katharine Graham, bao gồm tuổi thơ bất hạnh, hôn nhân gặp trắc trở và cú sốc từ vụ tự tử của chồng bà.

Nhận xét về cuốn tự truyện này, nữ biên kịch lừng danh Nora Ephron nói: “Bà Katharine Graham sống trong một thế giới bị hạn chế và sự thẳng thắn của bà đã làm thay đổi mọi thứ”.

“Abigail Adams” (2009) của tác giả Woody Holton

Cuốn sách là toàn bộ những bức thư trao đổi giữa hai nhân vật Abigail và John Adams trong thời kỳ Cách mạng Mỹ. Những bức thư này đã giúp người đọc hiểu thêm về mối gắn kết của một cuộc hôn nhân trong thời chiến. Qua nội dung thư, Abigail Adams đã thẳng thắn nói lên những suy nghĩ của mình về bất bình đẳng giới, quyền được giáo dục và quyền được mưu cầu hạnh phúc của phụ nữ.

“Khi mọi thứ đổi thay: Hành trình ngoạn mục của phụ nữ Mỹ từ 1960 đến nay”, (2009) của tác giả Gail Collins

Gail Collins là một nhà báo Mỹ chuyên về xã luận của tờ New York Times, ngoài ra bà còn nổi tiếng với vai trò là tác giả của nhiều cuốn sách. Trong cuốn sách này, bà Collins đánh giá năm 1960 như là một cột mốc trong lịch sử nước Mỹ.

"Tất cả mọi thứ, từ hệ thống pháp luật của Mỹ cho đến các chương trình truyền hình, đều có một nhận thức rằng phụ nữ là phái yếu”, bà viết như vậy trong cuốn sách, đồng thời mô tả những đổi thay trong 5 thập kỷ tiếp theo, bao gồm những thành quả đáng nhớ của phong trào khẳng định nữ quyền.

“Những lựa chọn khó khăn” (2014) của tác giả Hillary Rodham Clinton

Giữa năm 2014, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã xuất bản hồi ký về 4 năm đảm nhiệm cương vị người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ. Đó là 4 năm khó khăn: nước Mỹ vật lộn với khủng hoảng kinh tế và nỗ lực tái cấu trúc lại chính sách đối ngoại. Trên cương vị Ngoại trưởng, bà Clinton đã làm một cuộc hành trình đến thăm 112 nước và đi gần 1,6 triệu km nhằm triển khai chính sách đối ngoại.

Cuốn hồi ký đã nêu bật các quyết định của bà Clinton trong tư cách là Ngoại trưởng và tìm hiểu những phương thức lãnh đạo của bà, đặc biệt trong đó là việc thúc đẩy các cơ hội cho phụ nữ.

Nhận định về bà Hillary Clinton qua cuốn hồi ký, ký giả Anne Gearan của báo Washington Post cho rằng: “Ngoại trưởng Clinton đã dành rất nhiều nỗ lực để nâng cao tiếng nói của phụ nữ trên khắp thế giới. Các phong trào phụ nữ trở nên sôi nổi nhờ uy tín của bà. Bà không những là một phụ nữ của Mỹ mà còn là của cả thế giới và đi đến đâu phụ nữ cũng nói bà ấy là phe ta”.

“Vì giới tính: Một điều luật, 10 trường hợp và 50 năm làm thay đổi đời sống công sở của phụ nữ” (2016) của tác giả Gillians Thomas

Án lệ VII của Luật Dân sự Mỹ năm 1946 là đạo luật cấm các nhà tuyển dụng phân biệt đối xử với nhân viên dựa trên giới tính, chủng tộc, màu da, nguồn gốc quốc gia và tôn giáo.

Đề cập đến sự phân biệt giới tính nơi công sở, tác giả Gillians Thomas đã kể nhiều câu chuyện như những mảnh ghép để ủng hộ quyền phụ nữ nơi công sở. Trong đó có chuyện về một người phụ nữ không xin được việc do đang có con trong độ tuổi mẫu giáo; một vụ kiện quấy rối tình dục tại thời kỳ thẩm phán có xu hướng xem những vụ lạm dụng tình dục là do sự thiếu khôn ngoan của nạn nhân...

3 nữ ứng cử viên Tổng thống Mỹ trong cuốn "Trần kính cao nhất" của Ellen Fitzpatrick. (Nguồn: AmReading)

“Trần kính cao nhất” (2016) của tác giả Ellen Fitzpatrick

Trong cuốn sách này, Ellen Fitzpatrick – Giáo sư Khoa Lịch sử, Đại học New Hampshire, đã phác họa chân dung của 3 nữ ứng cử viên Tổng thống Mỹ trong lịch sử: nhà môi giới chứng khoán thông minh Victoria Woodhull; Margaret Chase Smith, người phụ nữ đầu tiên làm việc ở Thượng viện và cũng là người phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm công tác tại Ủy ban Phân bổ Ngân sách Thượng viện và Ủy ban Quân sự Mỹ; và Shirley Chisholm, nữ nghị sĩ da đen đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ.

(theo The New York Times)