AUKUS là điểm nhấn và cũng là cách làm khác biệt của chính quyền ông Joe Biden. (Nguồn: AP) |
Tuy nhiên, việc thành lập AUKUS thì hoàn toàn nghiêm túc, chẳng “lãng mạn” chút nào và là kết quả của những nỗ lực thương lượng không ngừng nghỉ trong nhiều tháng trước đó của quan chức cấp cao 3 nước.
Tạm thời có thể rút ra 10 nhận xét nhanh từ sự ra đời của AUKUS như sau:
Một là, liên minh, liên minh và liên minh. Đây là điểm nhấn và cũng là cách làm khác biệt của chính quyền ông Biden so với chính quyền của người tiền nhiệm Donald Trump. Từ sau khi lên cầm quyền, ông Biden đã lật ngược khá nhiều chính sách của người tiền nhiệm, tuy nhiên các thành tố của Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở thì hầu như được Chính quyền ông Biden giữ nguyên, chỉ có khác nhau về cách tiếp cận và cách thức thực hiện.
Nếu như cựu Tổng thống Trump tìm cách đơn phương đối đầu trực diện với Trung Quốc trên hầu hết các lĩnh vực, đồng thời tạo sức ép liên tục đối với các đồng minh thân cận như Nhật Bản và Hàn Quốc, thì Tổng thống Biden lại khéo léo xây dựng liên minh mới, củng cố liên minh cũ, thiết lập “cách chơi” là trật tự dựa trên luật lệ và luật pháp quốc tế. Mục tiêu của Mỹ là để “ràng buộc” không chỉ đối thủ, mà cả đồng minh lẫn đối tác, trong khi Mỹ đóng vai "người cầm cương”.
Hai là, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tiếp tục là ưu tiên an ninh, chiến lược và đối ngoại số một của Mỹ, vượt trên cả khu vực Trung Đông. Điều này được thể hiện rất rõ trong nội dung bài phát biểu của Tổng thống Biden, cũng như trong Tuyên bố chung của 3 nước đánh dấu sự ra đời của Hiệp định.
Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn. (Ảnh: PH) |
Sự ra đời của AUKUS chính là nhằm thực hiện các mục tiêu chính sách được đề ra trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ. Tổng thống Biden nhấn mạnh: 3 nước phải có đủ khả năng thích ứng với môi trường chiến lược khu vực hiện nay, cũng như các thay đổi trong tương lai.
Và tương lai của 3 nước, cũng như tương lai của thế giới, phụ thuộc vào sự trường tồn và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở trong những thập niên sắp tới.
Ba là, lần đầu tiên chính quyền Tổng thống Biden đề cập chính thức và ở cấp cao các thứ bậc ưu tiên trong quan hệ với các đồng minh, đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong chiến lược này, các liên minh hay quan hệ trong khuôn khổ đa phương được xếp ở hàng đầu, trong đó AUKUS vừa ra đời nhưng được xếp ngay vị trí đầu tiên, tiếp đó là ASEAN, sau đó đến nhóm Bộ tứ (Quad) gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.
Trong quan hệ song phương, 5 đồng minh quân sự lâu đời của Mỹ, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines và Australia được xếp ở vị trí đầu tiên, tiếp đó là các đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, sau đó mới đến quan hệ của Mỹ với các đồng minh và đối tác ở châu Âu và các khu vực khác trên thế giới, nhưng có lợi ích trong việc duy trì hòa bình an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Bốn là, AUKUS chính là liên minh quân sự chính thức và đa phương đầu tiên được hình thành ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong thế kỷ XXI. Các liên minh quân sự ra đời trước đó ở khu vực là Hiệp định quân sự Ngũ cường (Five Powers Defense Agreement), gồm Anh, Australia, Brunei, Malaysia và Singapore, ra đời năm 1971, cách đây 50 năm. Lần đầu tiên sau 67 năm kể từ khi tổ chức hiệp ước Đông Nam Á (SEATO) ra đời năm 1954, Mỹ mới khởi xướng và tham gia một liên minh quân sự đa phương mới ở khu vực.
Đây là bước đi đầu tiên và có thể khởi đầu cho sự ra đời tiếp theo, của các liên minh an ninh-quân sự bán chính thức, hoặc chính thức, ở khu vực trong tương lai. Tháng 8 vừa qua, chỉ một tháng trước khi AUKUS ra đời, các quan chức cấp cao của nhóm Bộ tứ đã lần đầu tiên họp và thảo luận về hợp tác an ninh biển. Điều này là chỉ dấu cho thấy hợp tác trong nhóm Bộ tứ đang có sự chuyển hướng, nhấn mạnh nhiều hơn đến các khía cạnh an ninh, đặc biệt là an ninh biển trong hợp tác của mình.
Năm là, an ninh biển là điểm nhấn, là ưu tiên quan trọng trong hợp tác giữa Mỹ và các nước khu vực, dù là trong khuôn khổ quan hệ song phương, hay đa phương.
Cả 3 thành viên AUKUS đều là các cường quốc biển, có lợi ích gắn bó với việc giao thương và đi lại tự do trên biển. Việc tăng cường hợp tác hải quân, một thành tố quan trọng của hợp tác an ninh biển, sẽ giúp cả ba nước tăng cường sức mạnh tập thể, để đối phó hiệu quả hơn với các thách thức đến từ biển.
Sáu là, theo AUKUS, Mỹ và Anh sẽ giúp Australia phát triển hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Vì tính chất nhạy cảm của công nghệ tàu ngầm hạt nhân, nên trên thế giới Mỹ mới chỉ chia sẻ công nghệ này cho Anh và giờ đây là Australia. Trước Anh và Australia, Mỹ chưa từng chia sẻ công nghệ tàu ngầm hạt nhân cho bất kỳ quốc gia nào khác, kể cả các đồng minh thân thiết trong khối liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO). Còn trên thế giới, các quốc gia muốn sở hữu công nghệ này thì phải tự mày mò nghiên cứu và phát triển.
Sự ra đời của AUKUS, nhìn từ góc độ thương mại, còn là một thương vụ làm ăn trị giá 66 tỷ USD. (Nguồn: AP) |
Bảy là, sự ra đời của AUKUS, nhìn từ góc độ thương mại, còn là một thương vụ làm ăn lớn trị giá 66 tỷ USD. Đây là số tiền dự kiến Mỹ và Anh sẽ thu được để đổi lấy việc bán công nghệ và hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử cho Australia.
Để có được thương vụ này, Australia đã hủy hợp đồng ký kết trước đó để mua tàu ngầm của Pháp. Như vậy, việc phát triển hạm đội tàu ngầm hiện đại cho Australia không chỉ là câu chuyện tin cậy giữa 2 đồng minh thân tín lâu đời Mỹ và Australia, mà còn là sự cạnh tranh giữa Mỹ với một đồng minh thân cận khác là Pháp, để phục vụ lợi ích quốc gia của Mỹ.
Tám là, bộ ba Mỹ, Anh và Australia cũng kỳ vọng, sự ra đời của AUKUS sẽ giúp 3 nước thành viên đối phó tốt hơn với các thách thức an ninh mới, cũng như đem lại hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng lâu dài cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của họ, sự ra đời của AUKUS có thể tạo ra các bất ổn mới trong khu vực. Chắc chắn, Trung Quốc sẽ theo dõi kỹ các hoạt động của AUKUS, cũng như nhóm Bộ tứ để có các phản ứng thích hợp. Việc Trung Quốc là tâm điểm của nhóm Bộ tứ, AUKUS, hay Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhưng lại không được các nước liên quan nêu đích danh, là việc làm có chủ ý.
Mỹ và các nước liên quan không muốn “khiêu khích”, kích động chủ nghĩa dân tộc của người Trung Quốc.
Hơn nữa, tuy quan hệ với Trung Quốc đang được đẩy nhiều hơn về phía cạnh tranh chiến lược, nhưng Mỹ và phương Tây vẫn rất cần thị trường Trung Quốc, cần sự hợp tác của Trung Quốc trong một loạt các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, chống khủng bố, ngăn chặn việc không phổ biến vũ khí hạt nhân và giết người hàng loạt, kiểm soát đại dịch Covid-19, khôi phục kinh tế thế giới sau đại dịch…
Chín là, sự ra đời của AUKUS cho thấy, hợp tác giữa Mỹ với các nước trong khu vực đang được đẩy rất mạnh theo hướng thể chế hóa, còn nội dung hợp tác thì thực chất hơn.
Về tính chất thể chế hóa, khác với các tổ chức khu vực khác ra đời trong thời gian gần đây, ngày ra đời của AUKUS đánh dấu bằng sự hiện diện của nguyên thủ quốc gia ba nước Mỹ, Anh và Australia, cùng với bản Tuyên bố chung về sự ra đời của Hiệp định đối tác ba bên.
Nội dung hợp tác trong AUKUS không dàn trải, mà chỉ tập trung vào một số lĩnh vực hợp tác họ cần thúc đẩy và có thể đem lại được kết quả trong thời gian ngắn, đó là hợp tác trong lĩnh vực an ninh biển, với trọng tâm là giúp Australia xây dựng được một đội tàu ngầm hạt nhân trong thời gian ngắn.
Mười là, với vị trí trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ASEAN không chỉ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự ra đời của AUKUS, sự tăng cường hợp tác của nhóm Bộ tứ, mà còn đóng vai trò quan trọng trong mức độ thành, bại của các chiến lược này.
Nhìn trên bản đồ khu vực, ASEAN nằm ở vị trí địa-chiến lược quan trọng, ở tâm điểm của AUKUS, nhóm Bộ tứ, cũng như chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Do đó, không ngạc nhiên khi ASEAN được nêu đậm nét trong cả 3 cấu trúc an ninh khu vực mới, đặc biệt là nhóm Bộ tứ và Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
*TS. Hoàng Anh Tuấn hiện là Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, từng là Phó Tổng Thư ký ASEAN, Đại sứ Việt Nam tại Indonesia. Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.