10 sự kiện quốc tế nổi bật 2018 do báo TG&VN bình chọn
15:46 | 27/12/2018
Năm 2018 đầy biến động sắp khép lại với những sự kiện khó lường đã tác động sâu sắc đến cục diện thế giới... Cùng xem 10 sự kiện quốc tế nổi bật 2018 do báo Thế Giới & Việt Nam bình chọn.
Thượng đỉnh Mỹ - Triều đầu tiên giữa Tổng thống Donald Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un, cùng với ba thượng đỉnh liên Triều, thể hiện sự chuyển biến mang tính bước ngoặt của các bên, từ xu thế đối đầu sang đối thoại nhằm tìm kiếm giải pháp cho vấn đề bán đảo Triều Tiên. Song, đây vẫn là quá trình phức tạp, đòi hỏi thời gian do còn nhiều mâu thuẫn và khác biệt khó dung hòa về lợi ích cơ bản của các bên.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng nổ, diễn biến phức tạp, với hàng loạt các biện pháp kinh tế, thương mại gây áp lực lẫn nhau, thậm chí không từ cả biện pháp nhằm vào doanh nghiệp, con người cụ thể; thể hiện sự gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, trong đó bước đầu đã có hệ lụy vượt ra khỏi khuôn khổ song phương mà tác động đến các khu vực như APEC, Ấn Độ - Thái Bình Dương, Đông Nam Á, eo biển Đài Loan, Biển Đông hay thậm chí cả châu Phi.
Trung Quốc sửa đổi Hiến pháp, kỷ niệm 40 năm cải cách và mở cửa. Lần đầu tiên, Trung Quốc xóa giới hạn hai nhiệm kỳ với chức danh Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch nước, mở đường cho những nhiệm kỳ và triển khai định hướng chính sách lâu dài hơn. Bốn thập kỷ cải cách và mở cửa tạo ra sự chuyển biến trên mọi phương diện, giúp Trung Quốc tự tin vào khả năng và bản lĩnh, bắt đầu công khai nhiều mục tiêu tham vọng và hành xử trên thế giới như một trung tâm quyền lực thực thụ.
Bạo động “áo vàng” tại Pháp, châu Âu bất ổn và chia rẽ. Bạo động “Áo vàng” tại Pháp đã khiến Chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron lung lay, có dấu hiệu “lây lan” sang nhiều nước. Tiến trình Brexit tiếp tục bế tắc, thách thức vị trí lãnh đạo của Thủ tướng Anh Theresa May. Ở Đức, đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) mất tín nhiệm, thay vị trí lãnh đạo đảng, Thủ tướng Angela Merkel buộc phải từ giã chính trường năm 2020. Đồng thời, Châu Âu chứng kiến sự lớn mạnh của chủ nghĩa dân túy, với các đảng cựu hữu như Sự lựa chọn khác cho nước Đức (AfD), đảng Tự do tại Áo (FPO), Liên đoàn Phương Bắc (NL) của Italy…
Mỹ tiếp tục rút khỏi nhiều cơ chế đa phương, nhưng chủ nghĩa đa phương vẫn tiếp tục đứng vững. Tổng thống Donald Trump tiếp tục đưa Mỹ rời bỏ hàng loạt hiệp định, tổ chức và thỏa thuận quốc tế như JCPOA, INF, UNHCR… Song, với những thành công trong việc đạt đồng thuận về triển khai Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu tại COP 24, ký kết Hiệp ước Di cư toàn cầu, Đại hội đồng thông qua Hiệp ước về tỵ nạn, Liên hợp quốc tiếp tục khẳng định được vai trò và vị thế, ảnh hưởng và năng lực mà không tổ chức nào có thể thay thế trong việc giải quyết những vấn đề của nhân loại.
Trung Đông và Nam Á trước bước chuyển mới: Quyết định rút khỏi Syria, rút dần khỏi Afghanistan và sa thải Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây chia rẽ sâu sắc trong nội bộ Mỹ, cũng như giữa Mỹ và các nước đồng minh, mở ra cho Nga khả năng khẳng định vai trò tại Syria và khu vực. Mỹ rút lui cũng thể hiện nhượng bộ dành cho Thổ Nhĩ Kỳ, dọn đường cho việc tiêu diệt tàn dư Nhà nước Hồi giáo (IS), mở chiến dịch nhắm vào Đảng Công nhân người Kurd (PKK), tiến tới chuyển biến căn bản trong cục diện tại Syria.
Vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại tại Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul khiến uy tín của Saudi Arabia suy giảm, quan hệ của nước này với Mỹ, phương Tây và Thổ Nhĩ Kỳ gặp khó khăn, đồng thời bộc lộ chia rẽ trong lòng nước Mỹ, mâu thuẫn giữa Mỹ với đồng minh trong quan hệ với Saudi Arabia. Thổ Nhĩ Kỳ đặc biệt tận dụng cơ hội là nơi diễn ra sự việc nghiêm trọng này để phát huy vai trò, tạo thuận lợi trong những dàn xếp với các đối tác cũng như tìm kiếm giải pháp cho những điểm nóng tại khu vực.
Nga và phương Tây tiếp tục căng thẳng, đặc biệt là quan hệ Nga – Mỹ. Thành quả hiếm hoi sau thượng đỉnh Trump-Putin bị lu mờ bởi những căng thẳng trong vụ hai bên trục xuất quan chức ngoại giao, Mỹ gia hạn trừng phạt kinh tế, cấm đồng minh mua bán vũ khí của Nga, cùng điểm nóng đối đầu tại Syria và Nga – Ukraine tại biển Azov. Trong khi đó, quan hệ Nga và một số nước phương Tây khác, đặc biệt là Đức, lại ít nhiều tiến triển sau dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Tuy nhiên, về cơ bản, Tây Âu vẫn thận trọng với Nga, tiếp tục duy trì cấm vận kinh tế Nga.
Bầu cử giữa kỳ tại Mỹ. Không khí bầu cử tác động đến hành xử của Mỹ và cá nhân Tổng thống Trump trong nhiều hồ sơ quốc tế. Giành lại đa số tại Hạ viện, đảng Dân chủ sẽ gây thêm khó khăn cho ông Trump trong triển khai đối nội và đối ngoại... Căng thẳng giữa Tổng thống và đảng Dân chủ về ngân sách cho bức tường biên giới Mỹ - Mexico là biểu hiện đầu tiên. Việc “đáp trả” của ông Trump bằng cách từ chối ký dự thảo ngân sách năm 2019 khiến Chính phủ Mỹ phải tạm thời đóng cửa, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và chính trị Mỹ.
Sự tiếp nối và trở lại của các nhà lãnh đạo kỳ cựu tại châu Á: Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 3, trở thành lãnh đạo cầm quyền lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản, qua đó duy trì sự ổn định về chiến lược Abenomics, chính sách “hướng Nam”, thúc đẩy việc gỡ bỏ điều 9 tại Hiến pháp và đưa Nhật Bản trở thành một “quốc gia bình thường”. Tại Malaysia, ông Mahathir Mohammed chiến thắng trong cuộc bầu cử và trở thành Thủ tướng cao tuổi nhất trên thế giới (92 tuổi), bắt đầu thực hiện điều chỉnh quan trọng về ngoại giao, trong đó có liên quan đến sáng kiến đang thu hút sự quan tâm đặc biệt tại khu vực.
Các ngành công nghiệp như nông nghiệp, giải trí và khách sạn...có thể là những ngành chịu tác động lớn nhất bởi lệnh trục xuất lao động nhập cư của ...
Thủ tướng Hungary Viktor Orbán ngày 22/11 lên tiếng chỉ trích Tòa án hình sự quốc tế (ICC) về việc phát lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Rạng sáng ngày 22/11, nhiều tỉnh của Ukraine đã đồng loạt phát báo động phòng không kéo dài nhiều giờ liên quan đến khả năng bị tấn công bằng tên lửa đạn đạo.
Sự trở lại của Tổng thống đắc cử Donald Trump mang nhiều hàm ý cho nước Mỹ và thế giới. Châu Á – Thái Bình Dương trong đó có tiểu vùng Mekong cũng không nằm ...
Còn 2 ngày nữa Nhà Trắng sẽ xác định được chủ nhân mới thay thế đương kim Tổng thống Joe Biden. Đó sẽ là ứng viên đảng Dân chủ Kamala Harris hoặc chủ cũ, ông ...