📞

10 tiêu điểm thời sự quốc tế 2019 do báo TG&VN bình chọn

11:25 | 26/12/2019
TGVN. Năm 2019 đang dần khép lại với nhiều tiêu điểm thời sự đáng chú ý trên thế giới. Cùng xem 10 tiêu điểm thời sự quốc tế trong năm 2019 (báo Thế giới & Việt Nam bình chọn).
1.Cạnh tranh nước lớn leo thang căng thẳng: Cọ xát thương mại giữa các nước, đặc biệt là Mỹ – Trung Quốc, Nhật Bản - Hàn Quốc diễn biến phức tạp, mở rộng sang công nghệ, chính trị, an ninh, quân sự..., tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế, thương mại quốc tế, hợp tác, hòa bình khu vực và thế giới. Vai trò của Nga, Ấn Độ gia tăng tại một số khu vực.
2. Bất ổn chính trị, biểu tình nổ ra ở nhiều nơi, thể hiện phản kháng trước bất bình đẳng xã hội và vấn đề của toàn cầu hóa: Mỹ Latinh đối mặt thách thức chính trị - kinh tế, châu Phi xảy ra nhiều chính biến, biểu tình “áo vàng” tại Pháp, biểu tình tại Hong Kong (Trung Quốc) phức tạp và bạo lực hóa. Sự can thiệp từ bên ngoài làm gia tăng thêm mâu thuẫn nội tại.
3. Hạ viện Mỹ mở điều tra luận tội Tổng thống: Tổng thống Donald Trump trở thành Tổng thống thứ tư trong lịch sử Mỹ bị luận tội, ngay trước thềm bầu cử 2020. Việc xem xét bãi nhiệm Tổng thống Trump cho thấy chính trường Mỹ chia rẽ sâu sắc và phức tạp, tác động đến chính sách đối nội và triển khai đối ngoại của Mỹ.
4. Trung Đông tiếp tục chia rẽ, bất ổn: Căng thẳng vùng Vịnh gia tăng, Mỹ - Iran đứng trước bờ vực chiến tranh, Iran tiếp tục giảm cam kết trong JCPOA. Mỹ công nhận chủ quyền của Israel với cao nguyên Golan. Iraq và Afghanistan chìm sâu trong bất ổn. Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành Chiến dịch “Khởi nguồn Hòa bình” ở Syria, gia tăng can dự vào Libya...
5. ASEAN tiếp tục nỗ lực xây dựng Cộng đồng, thúc đẩy liên kết kinh tế và thương mại, tăng cường đoàn kết nội khối và bản sắc chung, xây dựng tiếng nói chung và đẩy mạnh quan hệ với các nước đối tác bên ngoài, nhất là với việc thông qua Tài liệu quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 34.

6. Brexit được thông qua, căng thẳng Nga - Ukraine có khai thông: Dự luật Thỏa thuận Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (WAB) được Quốc hội Anh thông qua mở đường cho Brexit, tác động tiêu cực đến triển khai chính sách kinh tế và đối ngoại của EU. Quan hệ Nga – Ukraine được thúc đẩy sau khi Kiev có lãnh đạo mới và Moscow cởi mở hơn, song đột phá là chưa nhiều.

7. Phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên tiến triển chậm và bấp bênh: Đối thoại Mỹ – Triều được thúc đẩy qua cuộc gặp Thượng đỉnh tại Hà Nội và tiếp xúc ngắn tại Bàn Môn Điếm, song đàm phán bế tắc và có nguy cơ đổ vỡ, tình hình bán đảo Triều Tiên có dấu hiệu căng thẳng trở lại, Triều Tiên phóng thử vũ khí lần thứ 13 kể từ đầu năm tới nay.
8. Tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp hơn với các động thái cứng rắn, sự can dự của các nước lớn và điều chỉnh chính sách, biện pháp của nhiều nước trong khu vực, khiến cục diện trên Biển Đông đang tiếp tục bước sang giai đoạn mới phức tạp hơn.

9. Thương mại quốc tế đứng vững trước sóng gió: Tiến trình liên kết kinh tế quốc tế đạt tiến triển, bất chấp thách thức từ chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Đàm phán RCEP cơ bản hoàn tất. EU thúc đẩy ký kết, phê chuẩn FTA với Việt Nam, Singapore; kết thúc đàm phán với MERCOSUR. Hiệp định Thương mại Tự do châu Phi (AfCFTA) có hiệu lực. Mỹ – Nhật đạt thỏa thuận mới về thương mại...

10. An ninh phi truyền thống trở nên thách thức hơn như biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, ô nhiễm môi trường... Hàng loạt vụ việc nghiêm trọng như khủng bố ở Sri Lanka; cháy rừng ở Đông Nam Á, Australia, châu Âu, rừng Amazon; thảm họa của Boeing... Vấn đề an toàn mạng, chống tin giả, bảo mật mạng 5G được quan tâm đặc biệt.