Giáo hoàng Francis của Nhà thờ Thiên chúa giáo và Đại giáo chủ Ayatollah Ali al-Sistani của đạo Hồi có cuộc gặp lịch sử ở thành phố thánh địa Naja hôm 6/3. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
| Giải mã 8 trọng tâm đối ngoại của Mỹ. Nửa định hướng, nửa ưu tiên |
Chuyến công du Iraq bốn ngày của Giáo hoàng Francis được nhìn nhận chung là sự kiện có ý nghĩa lịch sử đối với Nhà thờ Thiên chúa giáo.
Ở thời buổi cả thế giới bị ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra, những chuyến đi thăm trực tiếp như thế vô cùng hiếm hoi.
Công du nước ngoài không chỉ là chuyện đơn giản nữa đối với người đứng đầu Toà thánh Vatican năm nay đã 84 tuổi - vị Giáo hoàng thứ 266 của Nhà thờ Thiên chúa giáo - mà còn đầy nguy hiểm bởi Iraq hiện không những bị dịch bệnh tác oai tác quái mà còn đang là một điểm nóng của chiến tranh và khủng bố, của bạo lực và hỗn loạn.
Giáo hoàng Francis vẫn xuất giá đi Iraq bất chấp vất vả và gian nguy bởi chỉ có chấp nhận vất vả thì mới có được kết quả và chỉ có dấn thân vào gian nguy thì mới mong làm nên nghiệp lớn.
Trong những năm gần đây, Nhà thờ Thiên chúa giáo bị tai tiếng và bê bối không ít, bị sa sút ảnh hưởng trên thế giới và lòng tin của con chiên vào sự lãnh đạo của Toà thánh Vatican cũng bị mai một. Thực trạng ấy không phải do lỗi của Giáo hoàng Francis nhưng là vấn đề mà vị Giáo hoàng này giờ phải giải quyết cho Nhà thờ Thiên chúa giáo và Toà thánh Vatican.
Vị Giáo hoàng này muốn khôi phục và tăng cường danh tín và uy quyền của Nhà thờ Thiên chúa giáo và Toà thánh Vatican, chủ trương mở rộng phạm vi ảnh hưởng của đạo Thiên chúa trên thế giới và gây dựng vai trò kiến tạo hoà bình và hoà giải cho thế giới nói chung và các khu vực nói riêng.
Iraq hiện tại là một trong những nơi trên thế giới rất thích hợp để Giáo hoàng Francis thực hiện những dự định và mục tiêu ấy. Giáo hoàng Francis là người đứng đầu Nhà thờ Thiên chúa giáo đầu tiên tới thăm Iraq. Năm 2000, Giáo hoàng John Paul II đã hứa nhưng rồi không thực hiện lời hứa tới thăm Iraq. Ở Iraq vào năm 1987 có khoảng 1,4 triệu người theo đạo Thiên chúa, bây giờ ước tính chỉ còn từ 200.000 đến 300.000 người.
Giáo hoàng Francis xuất giá đi Iraq bất chấp vất vả và gian nguy bởi chỉ có chấp nhận vất vả thì mới có được kết quả và chỉ có dấn thân vào gian nguy thì mới mong làm nên nghiệp lớn. |
Giáo hoàng Francis dùng chuyến công du này để trấn an tinh thần và củng cố địa vị pháp lý cho số con chiên ấy của đạo Thiên chúa ở Iraq và ngăn chặn nguy cơ đạo Thiên chúa biến mất khỏi Iraq.
Iraq là quốc gia có đa số dân theo dòng Shiite của đạo Hồi và người được công nhận chung là thủ lĩnh tinh thần của dòng Shiite, Đại giáo chủ Ali al-Sistani, sống ở Iraq. Giáo hoàng Francis chủ trương hoà giải giữa đạo Thiên chúa và đạo Hồi cho nên giờ không thể không tới Iraq diện kiến vị Đại giáo chủ kia sau khi hồi năm 2019 đã gặp và có tuyên bố chung về hoà giải và hợp tác với Đại giáo chủ của dòng Sunni Ahmed al-Tayeb (sống ở Ai cập).
Iraq là nơi phát tích của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), là một biểu tượng hiện tại cho chiến tranh và khủng bố, cho xung khắc giữa các tôn giáo và cọ sát giữa các nền văn hoá.
Vị Giáo hoàng này phải xông pha nơi thực địa nếu muốn khích lệ con chiên của mọi tôn giáo tham gia đấu tranh chống chiến tranh và khủng bố, chống bạo lực và vì hoà bình, nếu muốn thôi thúc các bên liên quan trực tiếp cũng như gián tiếp tới hoà bình, an ninh, ổn định và phát triển ở Iraq phải cùng nhau tìm kiếm giải pháp chính trị hoà bình cho Iraq và nhanh chóng chấm dứt chiến tranh, bạo lực và ngừng theo đuổi lợi ích riêng ở Iraq.
Cùng ý này và lời ấy nhưng nếu được nói ra ở Iraq sẽ có hiệu ứng hoàn toàn khác so với chỉ bộc bạch ở Toà thánh Vatican.