16 năm 'chèo lái' nước Đức của bà Angela Merkel qua những bức ảnh
Minh Nhật
10:57 | 26/09/2021
Sau 16 năm làm Thủ tướng nước Đức và ba thập niên tham gia chính trị, bà Angela Merkel đã 'chèo chống' đất nước vượt qua các cuộc khủng hoảng, được xem như là một 'tượng đài' của châu Âu.
Thủ tướng Angela Merkel sẽ chính thức nghỉ hưu sau Tổng tuyển cử Đức 2021. Trong ảnh, bà Angela Merkel bỏ phiếu tại một điểm bỏ phiếu ở Berlin trong cuộc bầu cử liên bang năm 2005. (Nguồn: EPA)
Bức chân dung của bà Merkel được treo trên tường của một quán rượu ở Berlin cùng với các cựu Thủ tướng (từ hàng trên, trái qua phải) Konrad Adenauer, Ludwig Erhard, Kurt Georg Kiesinger, Willy Brandt, Helmut Schmidt, Helmut Kohl và Gerhard Schroeder, năm 2005. (Nguồn: EPA)
Hình ảnh 4 lần tuyên thệ nhậm chức của bà Merkel. Bức ảnh trên cùng, bên trái, nữ Thủ tướng đầu tiên của Đức tuyên thệ nhậm chức, tháng 11/2005. Bức ảnh trên cùng, bên phải, bà Merkel tuyên thệ nhậm chức lần thứ 2, tháng 10/2009 và lần thứ ba vào tháng 12/2013 (ảnh góc dưới, bên trái). Hình ảnh cuối cùng, tháng 3/2018, bà Merkel tuyên thệ nhậm chức lần thứ 4. Tháng 10/2018, bà Merkel tuyên bố, nhiệm kỳ thứ 4 sẽ là nhiệm kỳ cuối cùng của bà. Quyết định này đánh dấu lần đầu tiên, kể từ năm 1949, một thủ tướng đương nhiệm không tái tranh cử. (Nguồn: Getty Images)
Hình ảnh bà Merkel bị quốc kỳ Đức bay vào mặt tại lễ đón Thủ tướng Slovenia Ivan Janša, năm 2006. (Nguồn: Reuters)
Thủ tướng Angela Merkel giao lưu với binh lính Đức, năm 2006. (Nguồn: AFP / Getty Images)
Với tư cách là chủ nhà nước chủ trì Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G8), năm 2007 được tổ chức tại khu nghỉ mát Heiligendamm bên bờ biển Baltic, bà Angela Merkel luôn tự tin giao thiệp cùng các đối tác. (Nguồn: Reuters)
Nữ Thủ tướng Đức tại Hội nghị thượng đỉnh G8, năm 2007. (Nguồn: AP)
Bà Merkel ngồi giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ George W. Bush tại Hội nghị thượng đỉnh G8, năm 2007. (Nguồn: Getty Images)
Hình ảnh Thủ tướng Đức với biểu tượng “Merkel-Raute”, hay “Merkel diamond” (Kim cương Merkel) trong tiếng Anh và “Merkel rhombus” trong tiếng Đức được chụp từ năm 2004-2021. Bà Merkel chạm các ngón tay vào nhau và tạo ra hình giống như viên kim cương. Cử chỉ này được cho là có ý nghĩa “Tương lai tươi đẹp của nước Đức trong tầm tay”. Trong chiến dịch tranh cử năm 2013, đảng của bà ghép hơn 2.000 bức ảnh chụp những người ủng hộ, với biểu tượng "Merkel Raute" lên tấm áp phích rộng 2400m2 và treo tại mặt tiền của Nhà ga Trung tâm Berlin. Họ tin rằng, đây là biểu tượng của sức mạnh và sự bình tĩnh. (Nguồn: Reuters)
Bà Merkel chào đón du khách vào "Ngày mở cửa" của chính phủ liên bang trong nhiệm kỳ đầu tiên, tại Berlin, năm 2008. (Ngày mở cửa diễn ra vào mùa Hè, khách tham quan có thể thăm trụ sở của Thủ tướng, Cơ quan báo chí của chính phủ và 14 Bộ, giúp du khách có thể hình dung hoạt động hàng ngày của các chính trị gia). (Nguồn: AP)
Thủ tướng Angela Merkel dự lễ khánh thành Nhà hát nhạc kịch quốc gia Oslo (Na Uy), năm 2008, với chiếc áo hở vai, cổ khoét sâu. Bức ảnh của bà trong trang phục táo bạo này trở thành chủ đề trên trang nhất cho báo chí Đức ngay ngày hôm sau. Có lẽ, chưa bao giờ người ta thấy bà Merkel trong trang phục gợi cảm đến thế. (Nguồn: Reuters)
Thủ tướng Angela Merkel ngồi với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tại Cung điện Hoàng gia Brussels khi cùng tham dự Hội nghị Á-Âu (ASEM), năm 2010. (Nguồn: AFP / Getty Images)
Bà Angela Merkel đến Hội đồng châu Âu ở Brussels tham dự Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo EU, năm 2010, diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng nợ công tấn công "lục địa già". (Nguồn: Reuters)
Một hình ảnh vui nhộn cho thấy sự "tone sur tone" giữa trang phục của nữ Thủ tướng với những chú chim ở Marlow, Anh, năm 2012. (Nguồn: AFP/ Getty Images)
Thủ tướng Angela Merkel và các bộ trang phục "đi cùng năm tháng". (Nguồn: Reuters)
Mặc dù vô cùng bận rộn với công việc quốc gia nhưng bà Merkel chưa bao giờ thiếu thời gian cho bóng đá, đặc biệt là các trận đấu của đội tuyển Đức. Năm 2014, sau chiến thắng ấn tượng 4-0 của Đức trước Bồ Đà Nha trong trận ra quân World Cup 2014, bà Merkel từ khán đài VIP đã tới thẳng phòng thay đồ để chúc mừng thầy trò HLV Joachim Low. (Nguồn: Rex)
Bà Merkel cùng chồng Joachim Sauser (bên trái) đến lễ hội opera Bayreuth Wagner, năm 2014. Ông Joachim Sauser là người chồng thứ hai của bà Merkel. Họ chính thức kết hôn vào năm 1998 và không có con chung. Ông Sauser là một người kín tiếng, trầm lặng và luôn được báo giới Đức ca ngợi là điểm tựa vững chắc nhất cho bà Merkel. (Nguồn: AFP / Getty Images)
Khoảnh khắc thân thiết và vui vẻ giữa hai nhà lãnh đạo Đức và Mỹ bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Đức, năm 2015. Hình ảnh bà Merkel dang rộng vòng tay trên bãi cỏ xanh, trước mặt ông Barack Obama đã khiến nhiều người dùng Twitter liên tưởng với hình ảnh đẹp trong bộ phim ca nhạc kinh điển The Sound of Music. Thủ tướng Merkel trở thành một “đối tác quốc tế thân thiết nhất” của Tổng thống Obama trong suốt 8 năm ông lãnh đạo nước Mỹ. (Nguồn: EPA)
Khoảnh khắc Thủ tướng Angela Merkel kết thúc bài phát biểu trước các đại biểu tại đại hội đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) ở Essen, năm 2016. Theo báo chí phương Tây, trong bài phát biểu khi đó, bà Merkel dường như đang nỗ lực chứng tỏ bản thân là một người có thể đảm bảo ổn định trong một thế giới nhiều bất ổn như hiện nay. (Nguồn: AFP / Getty Images)
Thủ tướng Angela Merkel trò chuyện với một phụ nữ trẻ trong chuyến thăm trại tị nạn Nizip, Thổ Nhĩ Kỳ cùng lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), năm 2016. Chuyến thăm nằm trong khuôn khổ khởi động tiến trình đàm phán giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn đang ồ ạt tràn vào EU. (Nguồn: Reuters)
Nữ Thủ tướng nâng bia chúc mừng sau bài phát biểu tại lễ hội Trudering, ở Munich, năm 2017. (Nguồn: Getty Images)
Khoảnh khắc Thủ tướng Đức Merkel đảo mắt khi nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Đức, năm 2017. (Nguồn: AP)
Thủ tướng Merkel thăm đài tưởng niệm các nạn nhân trong vụ tấn công xe tải vào chợ Giáng sinh Breitscheidplatz, năm 2016. Vụ tấn công khiến 12 người chết, 48 người khác bị thương. (Nguồn: AFP / Getty Images)
Hình ảnh Thủ tướng Đức Merkel cùng các nhà lãnh đạo thế giới vây quanh Tổng thống Mỹ Donald Trump khoanh tay một mình ngồi đối diện với các nhà lãnh đạo G7 tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức ở Quebec, Canada, năm 2018. Bức ảnh trở thành biểu tượng của sự chia rẽ sâu sắc và giới phân tích chính sách ngoại giao đã ví là "G6+1". (Nguồn: AFP/ Getty Images)
Hình ảnh nữ Thủ tướng Merkel cùng "đệ nhất phu quân" tham dự lễ hội opera Bayreuth Wagner hằng năm. Lễ hội nổi tiếng này được xem là hình ảnh thu nhỏ của nền văn hóa tinh hoa của Đức. (Nguồn: Reuters)
Thủ tướng Anh Theresa May và Thủ tướng Đức Merkel tại cuộc họp của Hội đồng châu Âu về Brexit, năm 2019. (Nguồn: AFP / Getty Images)
Dường như nữ Thủ tướng Đức đang cố gắng kiềm chế cơn run bần bật không kiểm soát của mình tại buổi lễ bổ nhiệm Bộ trưởng Tư pháp nước này, năm 2019. Cách đó khoảng một tuần, tại lễ đón Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Phủ Thủ tướng, bà Merkel bỗng run bần bật và hơi lắc lư người, cơ thể không kiểm soát được. Theo giới báo chí nước này, chỉ trong vòng một tháng, bà Merkel đã có 3 lần run lên bần bật như vậy trước công chúng. (Nguồn: AFP/ Getty Images)
Hình ảnh 16 lần đọc bài phát biểu chúc mừng Năm mới của Thủ tướng Đức Merkel. (Nguồn: Reuters)
Tuân theo hướng dẫn phòng chống Covid-19, Thủ tướng Merkel đeo khẩu trang trong Hội nghị thượng đỉnh về hòa nhập của người di cư, năm 2020 (Nguồn: Reuters)
Thủ tướng Đức Merkel phát biểu trong họp báo sau khi thăm một thị trấn bị lũ lụt tàn phá nặng nề, ở North Rhine-Westphalia, năm 2021. Chỉ riêng tại bang North Rhine-Westphalia - một trong 2 bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất nước Đức đã có khoảng 135.000 hộ gia đình phải sống trong cảnh mất điện. (Nguồn: AFP / Getty Images)
Hình ảnh Thủ tướng Angela Merkel quay lưng rời đi sau cuộc tranh luận trước đợt bầu cử quốc gia, năm 2021. Sau 16 năm cầm quyền, bà Merkel không chỉ được coi là người đứng đầu nền kinh tế lớn thứ 4 và người phụ nữ quyền lực nhất thế giới, mà còn là một bệ đỡ cho sự ổn định trong thời kỳ khủng hoảng toàn cầu. (Nguồn: AP)