Theo các chuyên gia, các nền kinh tế mới nổi tuy đang có sự tăng trưởng nhanh chóng nhưng thu nhập bình quân đầu người vẫn thấp hơn so với các nước phát triển.
Tại Malaysia trong những ngày qua đang ám ảnh những hồi ức đáng lo ngại về cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Đồng Ringgit của nước này đã mất giá 6% so với đồng USD kể từ đầu tháng 11 vừa qua khi ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Hiện đồng Ringgit đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1998, năm đen tối với các nước Đông Nam Á.
Đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi đang chứng kiến cảnh chảy máu vốn về Mỹ để tận dụng việc đồng USD có những triển vọng thu lợi nhiều hơn. (Nguồn: Getty Images) |
Chảy máu vốn
Malaysia không phải là trường hợp duy nhất. Đồng USD, được tiếp sức bởi những lời hứa về kế hoạch tái khởi động kinh tế của ông Donald Trump và việc bắt đầu chính sách tiền tệ cứng rắn tại Mỹ, đã lên giá ở mức cao nhất kể từ 14 năm nay. Do vậy, các đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi như đồng Lia của Thổ Nhĩ Kỳ, Nhân dân tệ của Trung Quốc hay Peso của Mexico đều mất giá. Đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi đang chứng kiến cảnh chảy máu vốn về Mỹ để tận dụng việc đồng USD có những triển vọng thu lợi nhiều hơn.
Sự nguy hiểm này không thể coi nhẹ bởi lẽ việc vay tiền dễ dàng trong những năm qua đã dẫn đến những món nợ quá lớn cho doanh nghiệp tại các nước mới nổi, đồng thời đe dọa sự ổn định của những nước này.
Nguy cơ phá sản tăng cao
Theo Reuters, nhà nước và doanh nghiệp của các nền kinh tế mới nổi năm 2017 sẽ phải trả nợ khoản tiền tương đương 300 tỷ USD, cao hơn 33% so với năm 2016. Nguy cơ phá sản tăng cao đang làm suy yếu các hệ thống ngân hàng các nước này vì có thể phải đối mặt với số nợ xấu tăng cao đột biến, nguy cơ rõ rệt nhất là Thổ Nhĩ Kỳ.
Nền kinh tế nước này đang lâm vào tình cảnh khó khăn do tình hình chính trị căng thẳng và thâm hụt ngân sách rất cao. Năm 2016, đồng Lia của Thổ Nhĩ Kỳ đã mất giá 17%, trượt giá tới mức đầu tháng 12 vừa qua Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã phải kêu gọi người dân có tiền USD thì hãy đến các ngân hàng đổi sang tiền địa phương.
Một vài điểm tích cực
Tuy nhiên, so với năm 2013, các nước mới nổi vẫn đang trên một hành trình tốt đẹp hơn. Vào năm 2013, tin đồn về khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ đóng lại dần dần việc rót tiền mặt đã làm hoảng loạn các thị trường từ châu Mỹ đến châu Phi và cả châu Á.
Nhìn chung, năm 2016 đang khép lại với diễn biến tích cực hơn hồi đầu năm, đặc biệt phải kể đến là các nước sản xuất nguyên liệu đang được hưởng giá dầu và giá kim loại tăng cao trở lại. Kinh tế Nga và Brazil sau 2 năm lún sâu vào khủng hoảng cuối cùng cũng đang thể hiện sự phục hồi dù còn khiêm tốn và đã tránh được sự ảnh hưởng bởi tăng trưởng Trung Quốc, điều mà mọi người rất lo sợ hồi đầu năm 2016.
Nguy cơ Trung Quốc sẽ có điều chỉnh “phũ phàng” đồng Nhân dân tệ vẫn luôn còn đó. (Nguồn: Scmp) |
Trung Quốc tiếp tục gây lo ngại
Dẫu vậy, mối rủi ro đến từ Trung Quốc không phải là đã hoàn toàn chấm dứt. Nước này rõ ràng đã thành công trong việc giảm đà tăng trưởng ở nhịp độ ổn định. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn là nhân tố gây hoảng loạn trên thị trường chứng khoán khi từng phá giá đồng Nhân dân tệ năm 2015.
Theo các nhà kinh tế, mô hình tăng trưởng của Trung Quốc dựa trên siêu nợ và những siêu khả năng về công nghiệp, đang ngày càng không đứng vững. Theo Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), khoản nợ của các doanh nghiệp Trung Quốc đã lên tới 166% GDP. Các giới chức Trung Quốc chưa giải quyết được các khó khăn mà hiện mới chỉ đẩy lùi lại cho ngày hôm sau. Nguy cơ Trung Quốc sẽ có điều chỉnh “phũ phàng” vẫn luôn còn đó.