Back to E-magazine
e magazine
10:00 | 12/07/2020
25 năm quan hệ Việt - Mỹ: Khoảnh khắc nào quan trọng hơn?

10:00 | 12/07/2020

TGVN. Công tác tại Mỹ với các vai trò từ Trưởng văn phòng liên lạc, Đại biện lâm thời tới Đại sứ đầu tiên tại Mỹ (nhiệm kỳ 1995-2001), nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Lê Văn Bàng đã có mặt cùng quá trình đàm phán bình thường hóa đầy thăng trầm trong quan hệ Việt – Mỹ…
khoanh khac nao quan trong hon

Công tác tại Mỹ với các vai trò từ Trưởng văn phòng liên lạc, Đại biện lâm thời tới Đại sứ đầu tiên tại Mỹ (nhiệm kỳ 1995-2001), nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Lê Văn Bàng đã có mặt cùng quá trình đàm phán bình thường hóa đầy thăng trầm trong quan hệ Việt – Mỹ…

Có lẽ với nhiều người, thời điểm quan trọng nhất trong quan hệ Việt – Mỹ là việc hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1995, nhưng với ông Lê Văn Bàng, có một thời điểm đến bây giờ vẫn chẳng thể quên, đó là khi Mỹ quyết định bỏ bao vây, cấm vận Việt Nam.

25 nam quan he viet my khoanh khac nao quan trong hon

Trong suy nghĩ của nhà ngoại giao lão luyện, chứng kiến những khúc quanh co trong quan hệ giữa Việt Nam với cường quốc số một thế giới, quá trình đấu tranh để Mỹ có thể đi từng bước bỏ bao vây, cấm vận với Việt Nam là một hành trình đầy trăn trở của rất nhiều người.

Giai đoạn 1991-1992, khi Tổng thống George H.W. Bush sắp hết nhiệm kỳ, có những thời điểm Việt Nam hy vọng Mỹ dỡ bỏ bao vây, cấm vận trong sự hồi hộp, thậm chí còn đáp ứng những yêu cầu của phía Mỹ vượt cả khả năng, hạn chế về văn hóa của đất nước nhưng đều chưa thể thực hiện được mong muốn. Mãi tới năm 1994, khi ông Bàng được cử làm Đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc và phụ trách quan hệ Việt - Mỹ thì điều ông trông đợi bao lâu mới trở thành hiện thực…

khoanh khac nao quan trong hon

Đêm 11/7/1995 (theo giờ Mỹ) Tổng thống Mỹ William Jefferson Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. (Nguồn: The White House).

Vẫn vẹn nguyên niềm xúc động ngày nào, ông Bàng nhớ lại một ngày, một hành trình đặc biệt của ông ở New York – ngày 3/2/1994. Sáng hôm ấy, phía Bộ Ngoại giao Mỹ liên lạc với ông và “mời ông từ New York đi Washington, D.C., chúng tôi có một thông tin muốn cho ông biết để ông báo về Hà Nội”.

Dù chưa biết là chuyện gì nhưng trong dự cảm của vị Đại sứ luôn đau đáu về việc bỏ cấm vận, ông Bàng nghĩ điều tốt đẹp sẽ đến. “Chuyến đi từ New York lên Washington, D.C. chừng bốn tiếng, tôi đến nơi khoảng 11h30. Tôi tranh thủ gặp ăn trưa cùng một người bạn, Giáo sư đại học và là chuyên gia Việt Nam, từng làm tại Bộ Ngoại giao Mỹ… Đang dùng bữa, khoảng 12h trưa, tôi có cuộc điện thoại từ Bộ Ngoại giao thông báo rằng 1h chiều lên Bộ Ngoại giao gặp Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ. Đành bỏ bữa giữa chừng với ông bạn, tôi tức tốc tới trụ sở Bộ Ngoại giao. Tất cả như mong mỏi. Trợ lý Ngoại trưởng nói với tôi rằng Tổng thống Bill Clinton sẽ tuyên bố bỏ cấm vận với Việt Nam vào khoảng 3h chiều tại Nhà Trắng”, Đại sứ Bàng kể rành mạch về hồi ức vẫn còn mới nguyên...

Nước mắt vốn là thứ ngôn ngữ của trái tim chẳng thể diễn tả thành lời. Khoảnh khắc những dòng nước mắt của hạnh phúc cứ trào ra không thể kìm lại ngày hôm ấy với Đại sứ Bàng cũng như vậy, ông chẳng thể diễn tả hết, chỉ biết rằng khi nghĩ lại, nó vẫn khiến trái tim ông thổn thức.

“Tôi vẫn nhớ như in, nước mắt tôi cứ trào ra khi ngồi cạnh chiếc vô tuyến nghe Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bỏ cấm vận Việt Nam. Điều tôi mong mỏi đến 20 năm đã trở thành hiện thực... Đó cũng là nỗi niềm của cả đất nước chứ không của riêng tôi, ngày hôm đó, đúng ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2/1994. Chuyến đi đó có lẽ cũng là chuyến đi mà tôi nhớ nhất”.

khoanh khac nao quan trong hon

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Lê Văn Bàng trình Quốc thư lên Tổng thống Mỹ William J. Clinton tại Nhà Trắng, tháng 5/1997. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ)

Theo Đại sứ Bàng, việc đấu tranh để Mỹ chấm dứt cấm vận kinh tế với Việt Nam đã dọn đường cho việc bình thường hóa quan hệ hai nước một năm sau đó, mở ra nhiều cơ hội quan trọng trong đời sống người dân và doanh nghiệp hai nước.

Trước thời điểm 3/2/1994 khoảng 1 tháng, ông Bàng có linh cảm chuyện này sẽ xảy ra, một người bạn Mỹ của ông là giáo sư đại học tại New York lại khăng khăng bảo rằng chưa được. Đến khi chính thức bỏ cấm vận, vị giáo sư này đã làm một bức tranh, trong đó đề dòng chữ “Cấm vận được dỡ bỏ ngày 3/2/1994, Đại sứ Lê Văn Bàng, ông đã thắng!” kẹp vào bên cạnh một tờ 5 USD, đóng vào khung và mang tặng ông Bàng. Đến giờ, ông Bàng vẫn giữ để ghi nhớ về một kỷ niệm sâu sắc và xúc động trong sự nghiệp ngoại giao của mình.

khoanh khac nao quan trong hon

Ở mỗi mốc quan trọng trong quan hệ Việt – Mỹ, dù tham gia hay chứng kiến, Đại sứ Bàng đều nhớ về những lãnh đạo cấp cao, các vị tiền bối trong ngành, những người đã “xắn tay áo” để từng bước làm nên những điều kỳ diệu trong quan hệ Việt – Mỹ.

Ông Bàng kể, năm 1991, ông dẫn một đoàn cựu binh Mỹ ở Washington, D.C. sang thăm Việt Nam. Nhóm cựu binh lần đầu tiên tới Việt Nam, không tin rằng mình sẽ được đón tiếp và vẫn mang trong lòng nỗi hận thù chiến tranh. Lúc đó, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã đón họ, ân cần hỏi họ tình hình sức khỏe, yêu cầu cả ông cựu binh Mỹ cởi áo để xem vết sẹo và động viên họ cùng cố gắng, hợp tác. Bác Mười còn đi từng bàn mời từng người hút thuốc lá, uống nước chè, bóc chuối cho họ ăn. Những cử chỉ ân cần đã khiến những cựu binh cảm động, thay đổi suy nghĩ về một kẻ thù, giúp họ hóa giải. Về nước, những cựu binh ấy nói về Việt Nam với sự thân thương, tình cảm…

Hay câu chuyện của Thủ tướng Võ Văn Kiệt năm 1991 khi đón đoàn gia đình quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA) sang Việt Nam. Bác Kiệt chân tình nói với đoàn: “Tôi rất thông cảm với mọi người, vợ con tôi cũng mất tích trong chiến tranh, tôi cũng không biết họ ở đâu”. Với cách trò chuyện tình cảm của vị lãnh đạo Việt Nam, đoàn gia đình MIA rất cảm động và thấu hiểu được sự chân thành.

khoanh khac nao quan trong hon

Trong Bộ Ngoại giao, với ông, công lớn trong quan hệ Việt – Mỹ phải kể đến những người đi trước như các cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, Thứ trưởng Trần Quang Cơ, Thứ trưởng Lê Mai…, những nhà ngoại giao tài ba từng trực tiếp đào tạo, giao nhiệm vụ cho ông.

Những lãnh đạo Bộ đã vô cùng trăn trở, nghĩ ra đủ cách để đẩy Mỹ bỏ việc chỉ nói về MIA mà không nói về bỏ cấm vận, bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Lãnh đạo Bộ còn tìm cách đẩy doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam để thấy cơ hội hợp tác, trên cơ sở đó, họ đấu tranh với chính quyền bỏ cấm vận.

“Tôi nhớ, năm 1988, nguyên Thứ trưởng Trần Quang Cơ phụ trách trực tiếp về Mỹ, một lần tôi đưa đoàn Mỹ từ miền Bắc và miền Nam, ông ấy còn chạy theo ra sân bay, đưa cho tôi một bức thư để trao cho đoàn Mỹ, với nội dung Việt Nam đã rất cố gắng giải quyết vấn đề MIA, Việt Nam muốn mở một văn phòng ở Washington, D.C. và Mỹ mở một văn phòng ở Hà Nội để giải quyết vấn đề MIA. Nhưng thời gian đó Mỹ vẫn chưa chấp nhận”, ông Bàng kể.

Đọc thêm

Chữ ký tươi đặc biệt của Thủ tướng và 'mệnh lệnh dẫn đại bàng' sải cánh tới Việt Nam

Chữ ký tươi đặc biệt của Thủ tướng và 'mệnh lệnh dẫn đại bàng' sải cánh tới Việt Nam

Đại sứ Hoàng Anh Tuấn có mong muốn cháy bỏng đưa 'đại bàng' Mỹ tới Việt Nam để bứt tốc nền kinh tế.
Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Đỗ Sơn Hải: Một Việt Nam không toan tính, chỉ là trái tim đủ lớn để… cho đi

Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Đỗ Sơn Hải: Một Việt Nam không toan tính, chỉ là trái tim đủ lớn để… cho đi

Suốt cuộc trò chuyện, Đại sứ Đỗ Sơn Hải nhiều lần: Tôi nhấn mạnh, tôi khẳng định, tôi muốn nhắc lại… Đảng và Nhà nước khi cử hai đoàn cứu hộ sang giúp đỡ các bạn Thổ Nhĩ Kỳ sau thảm họa động đất hoàn toàn dựa trên tinh thần chia ngọt sẻ bùi mà không có bất kỳ một mục đích chính trị nào.
Cởi bỏ tâm lý đối phó, hãy viết câu chuyện hấp dẫn về Việt Nam!

Cởi bỏ tâm lý đối phó, hãy viết câu chuyện hấp dẫn về Việt Nam!

Một năm 2023 thành công của đối ngoại Việt Nam giúp Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cảm thấy an tâm về những thành quả của công tác thông tin đối ngoại. Tuy vậy, vẫn còn không ít bài toán cần tìm lời giải ở phía trước để những câu chuyện về Việt Nam đi sâu vào lòng người, chiếm trọn được trái tim của họ.
Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN và vấn đề quyền con người

Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN và vấn đề quyền con người

Cộng đồng ASEAN nói chung và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội nói riêng vừa là mục tiêu vừa là điều kiện thuận lợi giúp các nước ASEAN thúc đẩy tăng cường khả năng bảo vệ con người, nâng cao trình độ nhân quyền cho các công dân ASEAN, tạo ra bản sắc riêng của ASEAN: một Cộng đồng, một vận mệnh, thống nhất trong đa dạng.
Thế giới sẽ thế nào trong năm con rồng?

Thế giới sẽ thế nào trong năm con rồng?

Thế giới bước sang năm con rồng, với những thay đổi mang tính bước ngoặt có thể dự báo trước về địa chính trị và địa kinh tế. Những đột phá mới về khoa học - công nghệ cùng với quá trình toàn cầu hóa không thể đảo ngược sẽ giúp nền kinh tế thế giới vượt qua những “cơn gió ngược” và tiếp tục tạo động lực cho sự thay đổi tương quan quyền lực, đồng thời thúc đẩy sự chuyển dịch thế giới sang trật tự đa cực - đa trung tâm.
Lan toả mạnh mẽ hình ảnh một Việt Nam tiềm lực, vị thế và uy tín mới

Lan toả mạnh mẽ hình ảnh một Việt Nam tiềm lực, vị thế và uy tín mới

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới Hà Nội sáng 23/1, kết thúc rất tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos (WEF Davos 2024), thăm chính thức Hungary và Romania từ ngày 16-23/1/2024.