Back to E-magazine
e magazine
20:00 | 10/07/2020
25 năm quan hệ Việt Nam - Mỹ: Nhớ về quá khứ, tập trung vào tương lai

20:00 | 10/07/2020

TGVN. Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với Thế giới & Việt Nam, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael Marine đã kể lại những câu chuyện trong nhiệm kỳ của mình và đưa ra suy nghĩ của bản thân về tương lai quan hệ Việt Nam - Mỹ.
nho ve qua khu tap trung vao tuong lai

Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với Thế giới & Việt Nam, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael Marine đã kể lại những câu chuyện trong nhiệm kỳ của mình và đưa ra suy nghĩ của bản thân về tương lai quan hệ Việt Nam - Mỹ.

nho ve qua khu tap trung vao tuong lai

Khi được hỏi về chặng đường 25 năm quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ, ông Michael Marine - Đại sứ Mỹ tại Việt Nam nhiệm kỳ 2004-2007 đã bày tỏ niềm hạnh phúc và vui mừng khi được đóng góp phát triển mối quan hệ song phương. Đối với ông, các cột mốc đều quan trọng, nhưng ngày kỷ niệm thực tế cũng chỉ là một ngày bình thường trong một năm. Điều quan trọng chính là bức tranh toàn cảnh: Chuyện gì đang diễn ra trong quan hệ hai bên? Trong 25 năm qua, mối quan hệ này đã phát triển như nào? Ông rất hài lòng khi thấy mối quan hệ giữa nhân dân hai nước ngày càng bền chặt; sự tăng trưởng trong quan hệ thương mại và đầu tư; các cuộc thảo luận nghiêm túc, mang tính xây dựng về các vấn đề chung ngày một được cải thiện.

Cho dù vị cựu Đại sứ mới chỉ trở lại Việt Nam một lần sau khi kết thúc nhiệm kỳ, song ông khẳng định rằng nếu có cơ hội trở lại Hà Nội trong nay mai, ông sẽ rất ấn tượng bởi những thay đổi trong đó ông tin rằng quan hệ Việt - Mỹ có đóng góp tích cực cho những thay đổi lớn đó.

nho ve qua khu tap trung vao tuong lai
Ông Michael Marine (thứ hai từ phải) trò chuyện với Thiếu tá Jay Geistkemper của Tiểu đoàn Quân y 3, về các quy trình xử lý nha khoa tại Trạm Y tế Nại Hiển Đông tại Đà Nẵng, ngày 24/7/2007. (Ảnh: Hải quân Hoa Kỳ)

nho ve qua khu tap trung vao tuong lai

Chia sẻ tầm nhìn của mình về quan hệ Việt - Mỹ, Đại sứ Marine khẳng định, với tư cách là đại diện của chính phủ Mỹ, mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất của ông là thúc đẩy những lợi ích của Mỹ. Cách tốt nhất để làm điều đó là tìm cách mở rộng và củng cố quan hệ với Việt Nam, đưa nó vượt qua mức bình thường và trở thành mối quan hệ tăng trưởng thực chất, trong tất cả các lĩnh vực. Đây cũng chính là động lực của người dân hai nước. Do đó, ông tập trung vào xây dựng một môi trường, nơi sự tăng trưởng thực chất đó không còn bị giới hạn bởi quan hệ cá nhân, mà được thúc đẩy bởi nhu cầu và lợi ích của xã hội hai nước.

Nhận thấy còn nhiều việc phải làm để củng cố quan hệ song phương, cựu Đại sứ Marine tin tưởng những điều tích cực đang diễn ra và những thách thức từ đại dịch Covid-19 là tạm thời. Ví dụ, kể từ khi ông kết thúc nhiệm kỳ, số lượng du học sinh Việt Nam tại Mỹ đã và đang tăng lên đáng kể. Nhìn chung, chính nỗ lực của Đại sứ Marine và người kế nhiệm đã giúp xây dựng nền móng vững chắc cho sự tăng trưởng đó.

Ông Michael Marine cũng hồi tưởng lại quãng thời gian ông và nhân viên Đại sứ quán cùng với văn phòng Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), quân đội, các nhà khoa học, các nhà đàm phán kinh tế Mỹ... làm việc không biết mệt mỏi để từng bước góp phần phát triển quan hệ song phương. Ông nói: “Đó không phải là điều mà bạn có thể làm trong một ngày và nếu bạn không thực sự chăm chỉ, quan hệ hai bên có thể bị đẩy lùi hay thậm chí đi sai hướng. Nhưng chúng tôi đã nỗ lực hết sức để thúc đẩy mối quan hệ trên càng nhiều lĩnh vực có thể”.

Đối với ông, đóng góp quan trọng nhất trong nhiệm kỳ tại Việt Nam chính là tìm cách để thảo luận và có tiến triển thực chất về vấn đề chất độc màu da cam (dioxin). Ông đánh giá đây là vấn đề cần được giải quyết triệt để. Với sự giúp đỡ của nhân viên Đại sứ quán, các quan chức ở Washington và sự đóng góp lớn từ phía Việt Nam, ông đã thận trọng khơi gợi các cuộc thảo luận mở và hiệu quả, đến mức ngay cả trước khi mãn nhiệm, vấn đề vốn là rào cản cho sự phát triển của quan hệ Việt - Mỹ đã đạt được tiến bộ đáng kể.

nho ve qua khu tap trung vao tuong lai
Sáng 5/12/2019, lễ động thổ dự án xử lý ô nhiễm dioxin và ký thỏa thuận triển khai một dự án 65 triệu USD nhằm hỗ trợ người khuyết tật diễn ra tại sân bay Biên Hòa (Đồng Nai). (Nguồn: Zing.vn)

nho ve qua khu tap trung vao tuong lai

Đại sứ Marine sau đó đã đi vào chi tiết liên quan tới những nỗ lực của đội ngũ cán bộ Đại sứ quán trong giải quyết hậu quả chiến tranh.

Giai đoạn đầu tiên là việc sẵn sàng ngồi xuống và nói chuyện với những người có chính kiến mạnh mẽ về chất độc màu da cam. Có những ý kiến ở phía Việt Nam kiên quyết rằng, Mỹ có nghĩa vụ phải giải quyết vấn đề về môi trường và sức khỏe mà chất dioxin đã gây ra. Đội ngũ của ông đã lắng nghe, thấu hiểu những người Việt Nam trong vấn đề này. Ông tin rằng, Mỹ có trách nhiệm về mặt đạo đức để giải quyết hậu quả của việc rải và phun chất dioxin tại Việt Nam. Có những người ở Mỹ không đồng ý với quan điểm đó và ông phải tìm cách để thay đổi suy nghĩ và khiến họ tham gia vào vấn đề này. Quá trình này không một cá nhân, hay thậm chí Đại sứ quán Mỹ có thể tự giải quyết. Charles Bailey, đại diện của Ford Foundation tại Việt Nam, là một trong số đó.

nho ve qua khu tap trung vao tuong lai

“Tôi rất hài lòng về những tiến bộ và nỗ lực mà hai bên đã thực hiện để tạo ra những bước tiến đáng kể, nhất là trong vấn đề môi trường, khắc phục hậu quả cho việc lưu trữ và sử dụng dioxin tại nhiều nơi ở Việt Nam. Đó chính là cách mà chúng tôi tiếp cận vấn đề, dựa trên sự hợp tác chặt chẽ giữa Mỹ và Việt Nam”, ông Marine nói.

Về vấn đề ảnh hưởng sức khỏe của dioxin, Đại sứ Marine nói rằng, từ lâu Mỹ luôn sẵn sàng giúp đỡ những người khó khăn, bất kể nhu cầu của họ. Bản thân ông luôn cảm thấy rằng thế giới cần thêm những nghiên cứu về tác động vật lý của việc phơi nhiễm dioxin ở các giai đoạn khác nhau tới sức khỏe con người. Ông hy vọng rằng các nghiên cứu mới sẽ tiếp tục được tiến hành và tìm thêm câu trả lời cho những vấn đề trên, để có thể bảo vệ mọi người khỏi hậu quả đáng tiếc đó.

nho ve qua khu tap trung vao tuong laiKhi được hỏi về hoạt động của mình tại Việt Nam, nhà ngoại giao kỳ cựu chia sẻ: “Tôi không nghĩ rằng mình đã đi tới tất cả 64 tỉnh, thành ở Việt Nam nhưng con số chính xác có thể là 62. Như tôi đã đề cập từ trước, những chuyến đi đó là một phần nỗ lực để đẩy mạnh quan hệ và mở rộng đối thoại giữa hai bên. Bạn không thể làm điều đó bằng cách ngồi lỳ trong văn phòng hoặc chỉ làm việc với các quan chức ở thủ đô Hà Nội. Bạn cần phải ra ngoài, thăm thú đất nước, nói chuyện với người dân, hiểu họ nghĩ gì và khiến họ hiểu được quan điểm của Mỹ. Điều đó sẽ giúp các cuộc đối thoại dễ dàng hơn”.

Trên thực tế, có rất nhiều câu hỏi xung quanh vấn đề dioxin và rất khó xoay chuyển những người có quan điểm mạnh mẽ. Cách tốt nhất để thay đổi suy nghĩ của họ là khiến họ có thêm thông tin và kiến thức về vấn đề đó. Điều này cũng giúp ích ông rất nhiều. Nếu không được đi khắp Việt Nam, ông Marine đã không thể hiểu rõ và đem lòng quý mến đất nước và con người Việt Nam như bây giờ.

Trải qua 32 năm trong ngành ngoại giao, trong đó có 27 năm công tác ở nước ngoài, ông Marine đã làm việc ở rất nhiều nước, nhưng đối với ông, người Việt Nam rất đặc biệt: “Người Việt là những người chăm chỉ và thực tế nhất trong tất cả những nơi tôi từng đến. Tư tưởng thực tế đó là tư chất đáng khen ngợi của người dân Việt Nam. Sau khi kết thúc nhiệm kỳ, tôi từng nói với người Mỹ rằng Việt Nam đã sẵn sàng để làm bạn với Mỹ từ rất lâu, trước khi Mỹ sẵn sàng xây dựng quan hệ với Việt Nam. Chính chúng tôi mới là những người chậm thích ứng, bởi người Việt tuy không quên đi quá khứ, nhưng họ không sống trong quá khứ mà tập trung vào tương lai”.

nho ve qua khu tap trung vao tuong lai

Sau khi nghỉ hưu, ông Marine chuyển sang làm việc trong một lĩnh vực khác, điều hành một tổ chức nghiên cứu vaccine cho các căn bệnh nhiệt đới ít được biết tới. Vị cựu Đại sứ 73 tuổi vẫn theo dõi tin tức ở Việt Nam, gần đây nhất chính là thành quả ấn tượng của Chính phủ và người dân Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

Ông nhận thấy rằng, Việt Nam đang từng bước trở thành một quốc gia quan trọng tại Đông Nam Á, với nền kinh tế tăng trưởng ổn định, mạnh mẽ và mô hình phân phối của cải đang mang lại lợi ích cho tất cả người dân. Việt Nam đang trở thành đối tác thương mại ngày một quan trọng với Mỹ và có vai trò chủ chốt tại khu vực. Đồng thời, quan hệ với Mỹ tiếp tục được thúc đẩy, thể hiện qua các hoạt động hợp tác giữa quân đội cũng như các cơ quan khác giữa hai bên. Lợi ích thương mại và đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam cũng đã tăng lên; biến Việt Nam trở thành một sự thay thế khả thi cho các nhà sản xuất Mỹ muốn rời khỏi thị trường Trung Quốc. Đây đều là những tín hiệu tốt đẹp.

Các vấn đề như Biển Đông và quan hệ với Trung Quốc, vấn đề mới nổi tại Thái Lan… đã có tác động cụ thể đến vị thế của Việt Nam tại Đông Nam Á. Theo quan điểm của cựu Đại sứ Marine, Việt Nam đã và đang trở thành một nhân tố quan trọng tại Đông Nam Á nói riêng và toàn bộ châu Á nói chung và những xu hướng tích cực này sẽ tiếp tục được Việt Nam tận dụng nhằm nâng cao vị thế của mình.

Bài: Quân Lưu
Ảnh: Getty Images, Zing.vn, Hải quân Hoa Kỳ
Đồ họa: Minh Nhật

Đọc thêm

'Việt Nam thực chất đã vận hành như một nền kinh tế thị trường'

'Việt Nam thực chất đã vận hành như một nền kinh tế thị trường'

Việc Mỹ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ nhất quán, phù hợp với việc tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, cụ thể hóa các cam kết để mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người tiêu dùng của cả hai nước. Chính việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ giúp đẩy nhanh việc chuyển dịch chuỗi cung ứng, phù hợp với chiến lược friend-shoring của Mỹ để sắp xếp lại chuỗi cung ứng đến các quốc gia an toàn và đáng tin cậy.
Nước Nga - Những ký ức không xa và 'bản tình ca' theo năm tháng

Nước Nga - Những ký ức không xa và 'bản tình ca' theo năm tháng

Với Đại sứ Việt Nam tại Nga Ngô Đức Mạnh (nhiệm kỳ 2018-2021), bạn bè ông hay nhiều thế hệ người Việt từng đi qua những tháng năm chiến tranh rồi bỡ ngỡ bước chân vào hòa bình, Liên Xô, nước Nga, lý tưởng của người Nga đẹp đẽ vô cùng… “Tình yêu” ấy đến nay vẫn bỏng cháy và thiêng liêng.
OECD 2024: Nơi kết nối và giao lưu - Mở cơ hội phát triển

OECD 2024: Nơi kết nối và giao lưu - Mở cơ hội phát triển

Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) Mathias Cormann, từ ngày 2-3/5, tại thủ đô Paris, Pháp, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tham dự Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng OECD năm 2024 (MCM 2024).
Một ngày hoạt động đầy năng lượng của Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO tại Ninh Bình

Một ngày hoạt động đầy năng lượng của Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO tại Ninh Bình

Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 24-27/4, Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) Simona-Mirela Miculescu dành trọn một ngày tham gia nhiều hoạt động ở Ninh Bình.
Diễn đàn Tương lai ASEAN: Mở đầu cho những kế hoạch mới

Diễn đàn Tương lai ASEAN: Mở đầu cho những kế hoạch mới

ASEAN không phải dấu cộng của các cuộc họp, ASEAN là một hành trình. Diễn đàn Tương lai ASEAN (AFF) cũng không phải là tổng các phiên thảo luận, tiếp xúc mà là những ý tưởng vô tận với ý nghĩa đặc biệt “dành riêng cho ASEAN, của ASEAN, vì ASEAN và vì người dân ASEAN”.
Câu chuyện của người xây dựng AWEN - 'Ngôi nhà chung' cho nữ doanh nhân ASEAN

Câu chuyện của người xây dựng AWEN - 'Ngôi nhà chung' cho nữ doanh nhân ASEAN

AWEN - “ngôi nhà chung” cho doanh nhân nữ ASEAN, là dấu ấn đẹp của Việt Nam trong việc tạo dựng một mạng lưới hỗ trợ các doanh nhân nữ trong khu vực, đồng thời khơi dậy tiềm năng của họ cho sự tiến bộ và phát triển toàn diện trong ASEAN.