Tập thể Báo chụp ảnh kỷ niệm năm 1993. |
Tôi thường nghĩ, cuộc đời mình chắc phải có cơ duyên với báo chí lắm cho nên bỗng nhiên một ngày được chuyển sang làm báo ngoại giao và trở thành Tổng Biên tập đầu tiên của tờ báo Bộ Ngoại giao.
Tôi được cái may mắn có những năm tháng cọ xát tại một số đơn vị trọng điểm của Bộ như Vụ châu Mỹ, Chính sách đối ngoại, CP87 (giải pháp Campuchia), được rèn giũa bởi các vị lãnh đạo Bộ như các ông Nguyễn Cơ Thạch, Phan Hiền, Trần Quang Cơ, Lê Mai, Nguyễn Dy Niên… Lại đi nghiên cứu sinh bốn năm ở MGIMO (Liên Xô). Kiến thức học thuật và thực tiễn trong lĩnh vực chính trị quốc tế ngoại giao đã tạo cái nền để làm ở một tờ báo chuyên về các vấn đề quốc tế và chính sách đối ngoại. Thế rồi công việc nghiên cứu viết lách cứ đeo đẳng suốt hơn 40 năm qua như “nghề” và “nghiệp”. Đến tận bây giờ vẫn vậy, khi nhận thức luôn là một quá trình.
Thật nhiều bỡ ngỡ
Người sáng lập ra tờ báo là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT), Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, một chính khách và nhà ngoại giao để lại dấu ấn không phai mờ trong sự nghiệp cải cách, mở cửa của Việt Nam. Hai người trực tiếp hỗ trợ việc hình thành tạp chí Quan hệ Quốc tế là Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Hồng Phúc và Chánh Văn phòng Nguyễn Phú Bình. Người ký quyết định thành lập là Thứ trưởng Nguyễn Dy Niên. Lãnh đạo Bộ phụ trách tờ báo trong nhiều năm là Thứ trưởng Lê Mai, người giúp tờ báo hóa giải nhiều điều phiền phức, làm cho những cái phức tạp thành đơn giản, đi đúng luồng lạch mà vẫn giữ được phong cách độc đáo. Các anh Trần Đức Mậu, Nguyễn Quang Khai, Dương Danh Dy… là những cộng tác viên tận tụy với báo. Không có sự ủng hộ nâng đỡ của lãnh đạo Bộ và sự đóng góp chí thành của các đơn vị chức năng và cộng tác của các cây viết nghiệp dư trong và ngoài Bộ, tờ báo khó mà vượt qua những năm tháng khó khăn ban đầu.
Ý tưởng làm một tờ báo quốc tế có lẽ đã được Phó Chủ tịch HĐBT, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch nghĩ đến từ hồi đầu của thời kỳ Đổi mới. Nhưng khi ấy, thủ tục giấy tờ không thuận vì các tờ báo ngành chưa phát triển nhiều. Đến khi xác định được tiêu chí, mục đích và nhân sự, ý tưởng nhận được sự ủng hộ của Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương và ông Phan Hiền, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, là người ký cấp phép.
Thời điểm ấy, việc tìm nhân sự cho Tạp chí là cả vấn đề vì Bộ Ngoại giao hầu như không có ai làm báo và cũng chưa có mấy ai viết báo tiếng Việt. Vậy nên, nhóm làm báo của chúng tôi chỉ có năm người, đến từ các đơn vị khác nhau và sở hữu một căn phòng gần 10m2 ở gầm cầu thang vốn là của tổ Bảo vệ. Năm người gồm có tôi, các anh Đinh Hoàng Thắng, Nguyễn Hồng Thạch, Nguyễn Minh Đức và chị Trần Thanh Vân. Tiếp đó có thêm các anh Dự, Khải, Trung... Nhân sự dần được bổ sung, hoàn thiện…
Những năm 1989-1993 là thời điểm khó khăn nhất của báo. Thiếu thốn về cơ sở vật chất chỉ là chuyện nhỏ. Thiếu kinh nghiệm làm báo mới là chuyện lớn. Lo cho anh em có thêm khoản phụ cấp “còm” luôn là nỗi đau đầu. Vì đều mới tập sự làm báo nên chúng tôi phải học qua thực tiễn, tham quan một số tòa soạn trong và ngoài nước. Tôi đã đi thăm tòa soạn của New York Times, Tạp chí Kinh tế Viễn Đông, Bangkok Post, The Nation… Ngoài ra, báo Tuổi Trẻ cũng giúp đỡ rất nhiệt tình, đặc biệt Phó Tổng Biên tập Huỳnh Sơn Phước và Tổng Thư ký Tòa soạn Trần Ngọc Châu thường xuyên ra Hà Nội đào tạo làm báo. Giật tít, đặt sa-pô, tiểu tít, lập box… là một nghệ thuật.
Tạp chí Quan hệ Quốc tế (nay là Báo Thế giới & Việt Nam) kỷ niệm 3 năm ngày ra số báo đầu tiên. |
Khoảng hai năm sau, Báo được chuyển sang “chiếm” tầng 4 tại số 7 Chu Văn An. Sau này, với sự ủng hộ của anh Lê Mai, xây được trụ sở ở số 6 Chu Văn An nhờ có anh Hồ Anh Tuấn. Thiếu tiền xây dựng, trong một chuyến tháp tùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm nước ngoài, tôi đã “kêu” và Thủ tướng nói với Bộ trưởng Đậu Ngọc Xuân cấp tiền cho Báo hoàn tất Trụ sở. Thật là “mang dao mổ trâu đi thịt gà!”
Đi tìm bản sắc
Bản sắc của một tờ báo là quan trọng nhất. Vào thời điểm báo thành lập, quan điểm về đổi mới hay việc mở cửa, cải cách trong nội bộ Việt Nam còn có nhiều trường phái khác nhau. Dần dà, tờ báo khẳng định được vị trí. Nội dung thì giới thiệu sâu các vấn đề quốc tế và chính sách đối ngoại. Văn phong gọn ghẽ, súc tích. Tính cầu toàn tạo ra những cây viết và biên tập viên “quằn quại văn chương”. Nhiều người nước ngoài cho biết đã dùng tờ báo để học tiếng Việt “chuẩn” về chính trị ngoại giao. Có thể nói, tạp chí Quan hệ Quốc tế đã dẫn đầu về tình hình quốc tế và chính sách đối ngoại.
Tờ báo cần tiếp tục phấn đấu để giữ vị trí là sản phẩm trí tuệ của công cuộc đổi mới, mở cửa của Việt Nam. Khi ấy chưa có Internet, thông tin quốc tế chỉ được truyền tải chủ yếu qua năm cơ quan báo chí cấp 1 là Nhân dân, Quân đội Nhân dân, TTXVN, Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam. Vì vậy, tạp chí Quan hệ Quốc tế ra đời đã đáp ứng được nhu cầu của người đọc và phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ của ngành Ngoại giao. Tôi còn nhớ trong một chuyến đi Mỹ, tôi đã mang về cuốn Làn sóng thứ ba (The Third Wave) và qua ngôn ngữ mượt mà của chị Tôn Nữ Thị Ninh, các bài giới thiệu ấn hành trong rất nhiều số. Đó là những ý tưởng hết sức mới mẻ về thế giới, được đông đảo độc giả yêu thích.
Đến đầu năm 1994, dù chuyển thành Tuần báo Quốc Tế, tờ báo vẫn gắn bó với tiêu chí, mục đích ban đầu, khai thác được thế mạnh về tình hình thế giới và chính sách đối ngoại.
Xây dựng thương hiệu
Thủ tướng Võ Văn Kiệt trả lời phỏng vấn Tạp chí Quan hệ Quốc tế năm 1994. |
Tôi có một kỷ niệm khó quên. Đó là một buổi chiều năm 1992, đang ở nhà thì Văn phòng Bộ báo lên ngay gặp Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Thủ tướng dành hai tiếng “phỏng vấn” tôi về các quan điểm quốc tế; Thủ tướng cho biết thường xuyên đọc Quan hệ Quốc tế, khen một số bài viết, nhắc đến một số bài của tôi, trong đó có bài về chính trị Campuchia “hậu giải pháp”. Anh Trần Quang Cơ từng cho ý kiến về bài ấy, nói rằng, cách tiếp cận trong bài đối với báo chí nước ngoài thì bình thường, nhưng đối với Việt Nam thì táo bạo. Cuối buổi, Thủ tướng giao cho tôi biên tập một bài trả lời phỏng vấn của báo Hàn Quốc về việc công và đời tư Thủ tướng; phải thực hiện ngay tại văn phòng Thủ tướng (hồi đó chưa trang bị máy vi tính). Tôi hiểu đây là một bài sát hạch. Tôi nhớ có một câu hỏi: “Trong thời gian rảnh rỗi, việc gì ưa thích đối với Ngài?” Cơ quan báo chí của Bộ Ngoại giao dự thảo một đoạn dài dài, đại khái là làm Thủ tướng bận lắm, ít có thời gian cho những việc mình ưa thích… Tôi nghĩ, trên thế giới, có người đứng đầu chính phủ nào lại không bận, nhưng cũng phải có cái gì riêng tư chứ? Tôi sửa thành sáu chữ: “Đánh tennis và đọc sách báo”.
Chiều hôm sau, Thủ tướng lại gọi tôi lên, cho biết bài trả lời phỏng vấn báo Hàn Quốc OK; rồi Thủ tướng trả lời phỏng vấn của Quan hệ Quốc tế. Cuối buổi, Thủ tướng đề nghị tôi thu xếp tháp tùng Thủ tướng thăm các nước. Thủ tướng muốn báo chí thể hiện được đột phá đối ngoại của Việt Nam trong thời kỳ mở đầu của công cuộc Đổi mới. Tôi tháp tùng phái đoàn Thủ tướng thăm 22 nước trong những năm 1992-1994. Như vậy, Quan hệ Quốc tế từ một tờ báo cấp 2 (báo ngành) được lên chuyên cơ cùng các báo cấp 1. Đó là một cuộc “đề bạt” đối với Báo, sau này trở thành tiền lệ tốt cho các báo cấp 2 khác, thậm chí là cấp 3, lên các chuyên cơ của các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta thăm nước ngoài.
Thế rồi, trong một chuyến đi Cuba, tôi trình bày với Thủ tướng ý tưởng hợp tác với một tập đoàn báo chí Thụy Sỹ để nâng cấp tờ tạp chí lên hiện đại. Thủ tướng đã nói với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Cầm và Bộ trưởng Đậu Ngọc Xuân cho nghiên cứu cấp phép cho dự án này, trên nguyên tắc giữ được phương hướng chính trị của báo. Bộ máy phải đào tạo lại. Có họa sĩ nước ngoài vào hướng dẫn dựng Báo bằng máy vi tính. Khoảng sáu tháng, Báo đã ra thử số in màu.
Với riêng tôi, đây là một sự kiện rất đặc biệt bởi ngày in thử số báo màu đầu tiên là ngày con gái tôi chào đời. Khi đang ở Bệnh viện C thì được đề nghị về Nhà in Tiến Bộ để chứng kiến việc in thử số màu đầu tiên. Đó là “đứa thứ hai” sinh ra vào một ngày đông sắp vào mùa Giáng sinh năm 1993. Nhiều tờ báo cấp 1, cấp 2 đã đến tham quan để chuẩn bị cho việc áp dụng kỹ thuật và công nghệ dựng báo màu trên vi tính.
Tạp chí Quan hệ Quốc tế, tiền thân của báo Thế giới & Việt Nam là một trong số ít tờ báo Việt Nam tiên phong trong công nghệ in màu. |
Nhìn lại thời kỳ này, tôi thường tự hỏi việc chuyển từ tạp chí hàng tháng sang báo tuần là quyết định đúng hay sai?
Ngẫm lại thì thấy, việc chuyển sang Tuần báo Quốc Tế là không thể tránh khỏi. Cuộc sống đổi mới có nhu cầu thông tin nhanh chóng kịp thời hơn. Cũng để phục vụ tốt hơn nhiệm vụ chính trị cho giai đoạn đất nước chuyển mình hội nhập sâu rộng vào đời sống chính trị, kinh tế thế giới.
* Nguyên Tổng Biên tập Báo