📞

35 năm Báo Thế giới và Việt Nam: 'Thuyền trưởng' đầu tiên và những ngày không quên...

Vy Anh 06:59 | 29/11/2024
Tròn 35 năm trước, Tạp chí Quan hệ Quốc tế - tiền thân của Báo Thế giới và Việt Nam với những nhà báo "không chuyên" hay "tay ngang" ra đời. Với Đại sứ, TS. Nguyễn Ngọc Trường (*), Tổng Biên tập đầu tiên, đó là những năm tháng nỗ lực ngày đêm, “vừa học vừa làm” với bao kỷ niệm không thể quên.

Giữa năm 1989, tôi được Lãnh đạo Bộ cử ra xây dựng tờ báo Ngoại giao. thăm dò một số cán bộ có tên tuổi nghiên cứu và làm tin cho Bộ, nhưng họ đều từ chối. Tờ báo đó là tờ báo gì? Lấy đâu ra người làm báo?

Chưa ai biết làm báo cả, kể cả tôi. Việc đầu tiên là tìm nhân sự. Tìm mãi được nhóm 5 người. Nơi làm việc là cái gầm cầu thang khoảng 15 m2 của Tổ bảo vệ nhường cho. Tôi dù sao cũng học nghiên cứu sinh lịch sử quan hệ quốc tế ở Trường MGIMO (Liên Xô), lại là người của Vụ Tổng hợp đối ngoại, nên xác định xây dựng tờ Tạp chí Quan hệ Quốc tế, ra hàng tháng. Gọi nôm na là “báo Quốc tế”. Nội dung là giới thiệu tình hình quốc tế và chính sách đối ngoại Việt Nam. Nhiệm vụ tự thân của nó là phục vụ công cuộc Đổi mới: Giới thiệu về chuyển động của thế giới, thể hiện tư duy cải cách và mở cửa của nước ta.

Trong xã hội ta hồi đó, không phải thiếu người thận trọng cải cách và mở cửa. Đây là một cuộc vận động mang tính cách mạng sâu sắc của đất nước do Đảng ta khời xướng và lãnh đạo. Con đường mới lạ, nhưng dù là người thận trọng và bảo lưu nhất cũng không thể không đi theo xu thế của dân tộc và thời đại tiến bộ ấy.

Cái gì không biết thì phải học. Anh em làm báo học cách viết bài từ các đồng nghiệp trong nam, ngoài bắc, nước ngoài. Tôi đi thăm mấy tờ báo ở Hong Kong, Bangkok… Nhưng các đồng nghiệp ở báo Tuổi trẻ là giúp đỡ tận tình nhất, anh Trần Ngọc Châu - Thư ký Toà soạn, anh Huỳnh Sơn Phước - Phó Tổng biên tập: Từ cách viết bài, giật tít, chọn đăng ảnh, dựng trang báo… Hoạ sĩ đầu tiên là anh Phạm Ngọc Dự vào báo Tuổi trẻ ở TP. Hồ Chí Minh học xây dựng (mi trang) báo...

Với sự nỗ lực ngày đêm, số Tạp chí đầu tiên ra kịp ngày 29/11/1989. Báo trông mộc mạc, chân chất, được chào đón. Có anh chị em ở Bộ ta mua đều đặn và xây dựng thành bộ sưu tập các bản phát hành của Tạp chí. Có số phát hành được 7 vạn số - một con số kỷ lục.

Các cây viết thì từ 4 nguồn: Các chuyên gia ở Bộ Ngoại giao viết các vấn đề thời sự quốc tế nóng hoặc lễ tân; biên dịch; các cộng tác viên bên ngoài cũng tham gia ngày càng đông đảo. Nhưng anh em trong toà soạn tự viết là chính. Tôi đảm nhiệm chuyên mục “Tiêu điểm”, nó như là xã luận vậy - cái bài này chỉ được phép 550 chữ, vừa đúng 1 trang Tạp chí. Các bài tôi viết thì chưa từng bị “thổi còi”, nhưng Tạp chí có vài lần sai phạm do sơ suất. Những lần ấy, may nhờ các vị Trần Quang Cơ, Lê Mai, Nguyễn Dy Niên “đỡ” hộ.

Viết nhiều, thành quen, đến tuổi gác bút, tôi đã viết khoảng ngàn bài, cho Báo Quốc tế và các báo trong nước, cũng có bài cho báo nước ngoài. Tôi hình thành một thói quen: Viết trong đầu trước khi viết ra giấy hoặc trên màn hình máy tính. Đọc hết, tìm hiểu hết vấn đề, sự kiện theo khả năng có thể, rồi hình thành ý tưởng và sườn bài trong đầu; khi ngồi vào máy tính, mới thể hiện ra ý tứ, câu cú. Cũng có lúc thăng hoa… Sau này, khi viết các bản nghiên cứu hay viết sách, tôi vẫn giữ thói quen đó.

"Tờ báo xuất hiện mấy vị sáng giá, như Đinh Hoàng Thắng, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Hồng Thạch, Hồ Anh Thái, Vũ Sơn Thủy, Bùi Hồng Phúc... Có sự đóng góp của anh Nguyễn Minh Đức, chị Trần Thị Thanh Vân… Có các vị cộng tác viên đóng góp nhiều bài vở như Hoàng Trọng Nhu, Nguyễn Tiến Thông, Tôn Nữ Thị Ninh, Nguyễn Quang Khai, Trần Đức Mậu, Đinh Xuân Lưu và nhiều vị khác... Bên ngoài, có nhà văn Nguyễn Khắc Phục đóng góp quan trọng".

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng đọc Báo Quốc tế. Tôi nhớ, có hai lần được Thủ tướng Võ Văn Kiệt gọi lên, hỏi về công việc của báo, khen một số bài viết tốt. Ở buổi gặp thứ hai, Thủ tướng mời tôi tháp tùng các chuyến thăm nước ngoài. Vậy là, người của Báo Quốc tế - tờ báo cấp II – lần đầu tiên lên chuyên cơ của lãnh đạo, cùng 5 phóng viên báo cấp I. Tôi tháp tùng Thủ tướng thăm 22 nước, viết một loạt bài nói về các hoạt động mở đường đối ngoại của nhà nước ta thời kỳ đổi mới.

Thời tôi làm Tổng Biên tập, Báo được các vị Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, Nguyễn Mạnh Cầm, cùng các vị Lãnh đạo Bộ quan tâm chỉ đạo. Những bài về vấn đề nhạy cảm, nhờ các vị xem giúp. Tôi nhớ, có lần viết bình luận về Campuchia thời hậu bầu cử 1993, bác Trần Quang Cơ xem xong, nhận xét, ở nước ngoài, những phân tích này là bình thường, nhưng ở ta, viết như vậy là tư duy mới. Chính bài ấy được Thủ tướng Võ Văn Kiệt khen. Ngày nay nhìn lại, nhiều nhận xét vẫn đúng.

Lễ hòa mạng Tuần báo Quốc tế, ngày 29/11/2000. (Ảnh tư liệu Báo TGVN)

Thưa Đại sứ, bước ngoặt từ Tạp chí thành Tuần báo Quốc tế diễn ra như thế nào?

Đến năm 1993-1994, nhu cầu thông tin đối ngoại và số lượng báo chí trong nước nở rộ. Tạp chí hàng tháng không theo kịp dòng thời sự. Viết cho báo tháng đòi hỏi tính tổng hợp và hệ thống cao, các cây viết như vậy không nhiều, độc giả cũng hạn chế. Tạp chí chuyển thành Tuần báo Quốc tế, mở ra cơ hội hợp tác với một tập đoàn báo chí Thụy Sỹ, là một trong 4-5 tờ báo đầu tiên ở Việt Nam in màu. Báo nhờ hợp tác mà sớm hiện đại hoá hệ thống vận hành, dựng trang, viết bài… Thời ấy, báo in toàn đen trắng, thì tờ báo màu có thể xem là một “bước ngoặt”, đóng góp vào sự phát triển báo chí Việt Nam.

Tôi nhớ hôm ra bản in thử ở Nhà in Tiến bộ vào buổi sáng cô con gái “rượu” của chúng tôi chào đời. Tôi có mặt ở nhà in (đáng ra phải có mặt ở Bệnh viện Phụ sản), chứng kiến sự ra đời “đứa con thứ hai” của mình.

Báo nhờ có sự vận động hành lang của anh Hồ Anh Tuấn, Trưởng ban Trị sự, được Thứ trưởng Lê Mai can thiệp, mà xây dựng được cái trụ sở ở 6 Chu Văn An. Một đêm bay từ Cuba về nước, Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Cầm và Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Đậu Ngọc Xuân tạo điều kiện cho Báo hợp tác quốc tế và xây dựng trụ sở. Báo ra được mấy năm, có thành tựu, được cấp một tầng 300 m2 ở 7 Chu Văn An. Nhưng cơ quan báo báo chí làm việc cạnh các cơ quan hành chính sự nghiệp cũng bất tiện. Khi xây được trụ sở, một sự đổi đời cho sự nghiệp.

Đến đầu năm 1996, tôi từ biệt Báo, trở lại Bộ Ngoại giao, đi công tác nước ngoài.

Đại sứ Nguyễn Ngọc Trường tặng sách cho Tổng Biên tập Báo Thế giới và Việt Nam Nguyễn Trường Sơn nhân dịp gặp mặt đầu Xuân năm 2024. (Ảnh: Tuấn Anh)

Nhìn lại các bước trưởng thành của Báo suốt hơn ba thập kỷ qua, Đại sứ kỳ vọng như thế nào về sự phát triển của Báo Thế giới và Việt Nam trong làng báo hiện đại?

Bây giờ là thời đại báo mạng lên ngôi. Tuần báo có bước trưởng thành vượt bậc. Đội ngũ làm báo được đào tạo tốt các kiến thức chung và các vấn đề quốc tế và ngoại giao. Báo hoàn thành chức năng nhiệm vụ, hội nhập nhanh với trào lưu báo chí trong nước và thế giới. Báo mạng có hàng vạn độc giả.

Việt Nam là một đất nước cởi mở. Trình độ dân trí cao. Nếu có ít vốn ngoại ngữ, thì lên mạng, với vài cái gõ bàn phím là ra đủ loại tin tức. Không chỉ nhà báo mới làm báo, mà người người có thể làm báo, viết lên mạng đủ loại bình luận về các vấn đề trong nước và quốc tế. Mình viết không sâu sắc là mình thua ngay sân nhà.

Báo Thế giới và Việt Nam, phần thế giới thì được, nhưng phần Việt Nam cần đầu tư hơn nữa. Ta không viết về mọi thứ, nhưng cái quan trọng thì không thể không viết. Viết vấn đề trong nước mới khó, cần cộng tác viên. Nhưng nhuận bút còm thì cũng khó có bài viết tốt. Lo cho anh chị em trong toà soạn có thêm thu nhập là một thách thức ngay từ những ngày đầu.

“Làng báo” hiện đại viết không thiếu thứ gì. Nhưng độc giả vẫn xem trọng chất lượng. Báo Thế giới và Việt Nam cần các cộng tác viên và những cây viết chuyên nghiệp của mình. Chất lượng và chất lượng! Phải cạnh tranh định hướng dư luận. Đó là vấn đề "To be or not to be"!

Xin cảm ơn Đại sứ!


(*) Đại sứ, TS. Nguyễn Ngọc Trường, nguyên Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ quốc tế (CSSD), Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm Phần Lan (2002-2006), Trưởng ban Nghiên cứu Lịch sử Ngoại giao, Bộ Ngoại giao (2000-2002), Đại sứ Việt Nam tại Mexico kiêm nhiệm Peru, Panama (1996-1999), Tổng Biên tập Tạp chí Quan hệ Quốc tếTuần báo Quốc tế (1989-1996) - nay là Báo Thế giới và Việt Nam.

Đón đọc các bài viết về chặng đường 35 năm hình thành và phát triển của Báo Thế giới và Việt Nam tại đây.

Báo Thế giới và Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận bài viết chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc, đánh giá... của quý bạn đọc với Báo theo địa chỉ email: baoquocte2016@gmail.com.

Trân trọng cảm ơn!