4 thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ dưới chính quyền ông Joe Biden có thể giúp LHQ “hồi sinh” đúng vào thời điểm mà sự hợp tác quốc tế đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. (Nguồn: Getty) |
Dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Mỹ đã rút khỏi hoặc đe dọa rút khỏi một số thỏa thuận, tiến trình và các tổ chức đa phương có tầm quan trọng nhất tại Liên hợp quốc (LHQ) như thỏa thuận hạn nhân Iran, Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu 2015, Hội đồng Nhân quyền LHQ, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Trên thực tế, không phải chỉ có nước Mỹ rút khỏi chủ nghĩa đa phương. Nhiều quốc gia lớn và tầm trung trên toàn thế giới cũng đã xa rời các tổ chức đa phương và theo đuổi chủ nghĩa dân tộc của họ. Điều này làm gia tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa các nước, đồng thời khiến Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ gần như tê liệt. Chính vì vậy, một mình Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden sẽ không thể cứu vãn được chủ nghĩa đa phương.
Tuy nhiên, 4 thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ có thể sẽ giúp đem lại sức sống mới cho LHQ đúng vào thời điểm mà sự hợp tác quốc tế đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Hơn cả Hiệp định Paris
Ông Biden nhiều lần khẳng định, ông sẽ đưa nước Mỹ quay trở lại Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu và điều này cũng phù hợp với lời kêu gọi của ông về một cuộc cách mạng năng lượng sạch. Đây là bước đi quan trọng mà Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã gọi là ưu tiên hàng đầu của LHQ và cũng là vấn đề cấp thiết để các nước khác cùng có trách nhiệm thực hiện các cam kết của họ trong thỏa thuận.
Tuy nhiên, chính quyền của ông Biden nên làm nhiều hơn thế. Đó là thúc đẩy nhiều mục tiêu tham vọng hơn về chống biến đổi khí hậu, bắt đầu từ chính trong nước Mỹ. Thông qua việc kết hợp đưa những cam kết trong thỏa thuận Paris 2015 vào các chính sách đối ngoại và thương mại của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Chẳng hạn, bằng cách buộc những thủ phạm xả thải lớn phải đáp ứng những yêu cầu do Mỹ đặt ra nếu không sẽ bị áp thuế cao, ông Biden có thể khiến việc thực thi thỏa thuận này mang lại những hiệu quả thực chất.
Đồng thời, chính sách đó cũng sẽ phát đi thông điệp rằng, nước Mỹ sẵn sàng dùng ảnh hưởng quốc gia của mình để củng cố các cơ cấu đa phương, trao quyền cho các tổ chức quan trọng khác như WHO vốn đã bị suy yếu ít nhiều.
Tập trung giải quyết tình trạng bất bình đẳng
Những năm vừa qua, nước Mỹ đã chứng kiến nhiều phong trào nổi dậy kêu gọi bình đẳng xã hội, như phong trào MeToo, Black Lives Matter… Điều này phản ánh đúng những gì mà LHQ đã chỉ ra rằng, sự bất bình đẳng là nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng mất ổn định trên thế giới.
Ngoài việc đáp ứng đòi hỏi trong nước về một xã hội có công lý và hòa nhập sắc tộc, chính quyền của ông Biden cũng cần phải coi bình đẳng là nền tảng để Mỹ trở lại đúng vai trò của mình tại LHQ, thúc đẩy để LHQ tham gia nhiều hơn vào giải quyết những vấn đề như khoảng cách ngày càng lớn giữa người giàu và người nghèo hay những thiệt thòi mà phụ nữ và thanh niên đang phải gánh chịu.
Để làm được như vậy, ông Biden sẽ phải có những bước đi cụ thể như ngừng đóng băng việc trợ cấp cho Quỹ Dân số LHQ, Tổ chức chuyên chăm sóc, cứu sống những phụ nữ yếu thế, bị tổn thương; tiếp tục ủng hộ Cơ quan cứu trợ của LHQ chuyên chăm sóc sức khỏe cơ bản, cứu trợ lương thực và cung cấp các dịch vụ thiết yếu khác cho hàng triệu người dân Palestine…
Hiện thế giới có quá nhiều đổi thay kể từ khi cựu Tổng thống Barack Obama rời Nhà Trắng. (Nguồn: Getty) |
Vượt qua tư duy từ thời Tổng thống Barack Obama
Hiện thế giới có quá nhiều đổi thay kể từ khi cựu Tổng thống Barack Obama rời Nhà Trắng. Về cơ bản, ông Biden có thể tiếp tục những chính sách thời ông Obama và hiện ông cũng đã công bố một số gương mặt quen thuộc cho nội các mới sắp tới. Điều này đáng hoan nghênh nhưng cũng tạo ra nguy cơ đưa nước Mỹ quay trở lại tư duy thời Tổng thống Obama, trong khi thế giới đang không ngừng biến đổi từng ngày.
Việc quay trở lại Thỏa thuận Hạt nhân Iran có lẽ là bước đi vừa khả thi vừa hữu ích trong bối cảnh hiện nay, nhưng chính quyền mới của Mỹ cũng cần thận trọng khi áp dụng những chính sách, đường hướng từ thời ông Obama vào những nơi bị chiến tranh, xung đột tàn phá đã lâu như Libya hay Afghanistan.
Sự bất đồng của ông Biden đối với quyết định của ông Obama tăng quân tới Afghanistan năm 2010 là dấu hiệu cho thấy ông Biden có thể sẽ tiếp tục chính sách rút quân khỏi Afghanistan.
Không giống Tổng thống Trump, ông Biden chắc chắn cảm nhận được sức ép lớn từ các đồng minh của Mỹ, khiến ông ít nhất sẽ phải điều chỉnh thỏa thuận, tránh để Afghanistan rơi vào tay lực lượng Taliban.
Về cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, ông Biden hiện kế thừa một chính phủ Mỹ có tầm ảnh hưởng ít hơn tại LHQ, trong khi tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh gia tăng đáng kể trong 4 năm qua, kể cả trong những lĩnh vực chủ chốt như gìn giữ hòa bình và an ninh.
Chính vì vậy, Mỹ sẽ phải khéo léo gạt bỏ những bất đồng mà vẫn đảm bảo duy trì quan điểm của mình trong vấn đề nhân quyền. Đồng thời, Mỹ cũng cần phải tìm ra tiếng nói chung với HĐBA để có thể tiếp thêm sức mạnh cho cơ quan này, vốn gần đây không có được những hành động hiệu quả trong một số vấn đề, từ can thiệp khủng hoảng cho đến kêu gọi ngừng bắn toàn cầu trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Hướng tới tư duy cùng lãnh đạo
Trên thực tế, Mỹ không phải là nước duy nhất phải chịu trách nhiệm về sức mạnh của HĐBA bởi Nga và Trung Quốc cũng muốn bảo vệ lợi ích của riêng mình.
Nếu chính quyền ông Biden có thể thúc đẩy để HĐBA giải quyết được những vấn đề như biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19, nhân quyền, sức khỏe giới tính, sinh sản và các quyền, thì điều đó cũng sẽ củng cố được sức mạnh của HĐBA.
Thay vì, nhất quyết đưa Mỹ trở lại vai trò dẫn dắt tại LHQ, chính quyền của ông Biden có thể tìm kiếm và hợp tác với nhiều nhóm tác nhân ở các cấp độ khác nhau để hỗ trợ cho các mục tiêu chính sách của Mỹ.
Nhìn chung, thách thức quan trọng nhất của ông Biden trong việc đem lại sức sống mới cho LHQ cũng giống như thách thức mà ông đang phải đối mặt ở trong nước Mỹ. Đó là thay đổi các cơ chế/các tổ chức để các cơ quan này có thể phụng sự người dân tốt hơn.