📞

4 năm cầm quyền của Thủ tướng Abe

20:00 | 20/12/2016
Liên tiếp giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử ở Hạ viện và Thượng viện, nhận được sự ủng hộ rộng rãi của dân chúng, những dự đoán về khả năng cầm quyền nhiệm kỳ lần thứ 3 của Thủ tướng Abe là có cơ sở.

Bốn năm đã trôi qua kể từ khi Đảng Dân chủ Tự do của ông Shinzo Abe giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử đã được tổ chức tại Nhật Bản vào ngày 16/12/2012. Giai đoạn này chứng kiến ​​một cảnh quan chính trị hoàn toàn khác những năm trước.

Nền tảng quyền lực vững chắc

Chính quyền Thủ tướng Abe đã liên tục củng cố quyền lực thông qua chiến thắng cuộc bầu cử quốc gia liên tiếp. Cho đến nay, liên minh cầm quyền giữa đảng LDP Komeito chiếm ưu thế trong Hạ viện. Nhờ đó, nhiều dự luật còn gây tranh cãi được Thủ tướng Shinzo Abe ủng hộ vẫn được thông qua.

Tuy nhiên, các biện pháp của Thủ tướng Abe đưa ra nhằm phục hồi nền kinh tế và chấm dứt giảm phát đưa đến những kết quả chưa như kỳ vọng. Đây được xem là ưu tiên chính sách của ông khi ông Abe khi bước vào năm thứ năm trong vai trò Thủ tướng.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Nguồn: Reuters)

Đến thời điểm này, ông Abe trở thành Thủ tướng thứ tư tại nhiệm lâu nhất kể từ thời hậu chiến của Nhật Bản. Kết hợp với thời gian làm Thủ tướng ngắn ngủi trước đó (giai đoạn 2006-2007), thời gian nhiệm kỳ của ông đã vượt Thủ tướng Yasuhiro Nakasone (1982-1987) và Thủ tướng Junichiro Koizumi (2001-2006). Nếu những đề xuất thay đổi về nội quy đảng được LDP được chính thức hóa, ông Abe có thể tiếp tục nhiệm kỳ ba năm làm Chủ tịch của LDP vào năm 2018, giúp ông có thể giữ chức Thủ tướng đến năm 2021. Nếu điều này trở thành sự thật, ông Abe sẽ trở thành Thủ tướng phục vụ lâu nhất ở Nhật Bản trong lịch sử hiện đại. Điều này hoàn toàn trái ngược với thời điểm trước khi ông Abe nắm quyền. Trước đó, Nhật Bản có 6 Thủ tướng trong 5 năm, bởi thất bại trong bầu cử, sự chia rẽ trong Đảng hay không được sự tín nhiệm của Hạ viện.

Sau chiến thắng lớn trong bầu cử Hạ viện năm 2012, ông Abe tiếp tục giành chiến thắng trong bầu cử Thượng viện vào năm 2013. Trong năm 2014, ông Abe tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện. Chính ông Abe  cũng tuyên bố rằng chính quyền hiện tại có nền tảng quyền lực ổn định nhất kể từ thời hậu chiến.

Sức mạnh của Thủ tướng Abe đã được củng cố do sự yếu kém của các đảng đối lập. Các đảng đối lập hiện chiếm thiểu số và chia rẽ lẫn nhau, không có khả năng cạnh tranh với liên minh cầm quyền. Kể từ thất bại trong bầu cử năm 2012, Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) đã thay đổi lãnh đạo ba lần, liên kết với lực lượng đối lập khác và đổi tên thành Đảng Dân chủ. Tuy nhiên, đảng đối lập hàng đầu này vẫn chưa đạt được một sự thay đổi đáng kể về số lượng ghế trong Hạ viên để nắm quyền kiểm soát.

Sau 4 năm, Nội các của ông Abe vẫn giữ được sự ủng hộ rộng rãi. Các cuộc thăm dò gần đây của Kyodo News cho thấy, tỷ lệ ủng hộ chính quyền của ông Abe giữ ở mức trên 40% và tăng đến 60% trong tháng 11.

Abenomics vẫn còn gây tranh cãi

Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, cam kết của ông Abe hồi sinh nền kinh tế là ưu tiên hàng đầu của chính quyền vẫn còn dang dở. Chính sách Abenomics - đặc biệt là việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản nới lỏng tiền tệ “chưa từng có" thông qua việc mua tài sản khổng lồ của mình - đã dẫn đến giá trị đồng Yen giảm và giá cổ phiếu trên thị trường Tokyo biến động. Bên cạnh đó, chi tiêu tiêu dùng giảm, đặc biệt sau khi thuế tiêu thụ tăng vào tháng 4/2014, đã tạo ra sức ép lên nền kinh tế, khiến mức tăng trưởng vẫn chưa đều và còn mong manh.

Chính sách lãi suất âm của Nhật Bản khiến khách hàng của các ngân hàng lo ngại . (Nguồn: EPA)

Bên cạnh đó, thị trường việc làm đã dần được cải thiện nhưng việc tăng lương đã không đủ mạnh để duy trì sự phục hồi trong tiêu dùng cá nhân.

Có thể thấy, sau 4 năm cầm quyền, nền tảng chính trị của Thủ tướng Abe dường như mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Vấn đề còn lại là ông Abe sẽ sử dụng nguồn lực chính trị phong phú của mình như thế nào trong những năm tới để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hơn của Nhật Bản trên mọi phương diện.

 

(theo Japan Times)