Ngày 18/12 vừa qua, Trung Quốc long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm cải cách và mở cửa. Đây là dịp đánh dấu cuộc đại cách mạng thay đổi vận mệnh của dân tộc Trung Quốc.
40 năm thay đổi vận mệnh
Chính sách cải cách, mở cửa dưới thời cựu Chủ tịch Trung Quốc Đặng Tiểu Bình được thông qua tại một Hội nghị của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào 18/12/1978, mở đường cho phép tư nhân hóa trong nhiều ngành công nghiệp. Đồng thời, các doanh nghiệp nước ngoài được tiếp cận nền kinh tế đã tạo bước đột phá đưa đất nước đông dân nhất thế giới thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, bước vào kỷ nguyên mới, với tăng trưởng kinh tế hàng năm hai con số, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm, đương kim Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ca ngợi cải cách và mở cửa là cuộc cách mạng vĩ đại trong lịch sử dân tộc Trung Quốc. Ông Tập nhấn mạnh, công cuộc cải cách và mở cửa 40 năm qua đã giúp 740 triệu người dân Trung Quốc thoát được đói nghèo. Trung Quốc cũng đã xây dựng hệ thống an sinh xã hội lớn nhất thế giới, với khoảng 900 triệu dân được hưởng lương hưu cơ bản và 1,3 tỷ dân có bảo hiểm y tế.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: Nytimes) |
Chủ tịch Tập nhấn mạnh sự ổn định xã hội được duy trì trong một thời gian dài, biến Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia an toàn nhất thế giới. Ông kêu gọi người dân Trung Quốc tiếp tục theo đuổi công cuộc cải cách, mở cửa, chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc để trẻ hóa diện mạo đất nước.
Tuy nhiên, cuộc thay đổi vận mệnh cũng là "mầm mống" cho rất nhiều vấn đề mà Trung Quốc ngày nay đang phải đối mặt. Khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2013, nhiều người hy vọng rằng ông sẽ đưa ra những chính sách cải cách như ông Đặng Tiểu Bình. Nhưng trong khi ông Đặng muốn đưa Trung Quốc trở nên giàu có bằng những cải cách dựa trên thị trường trong nước, ông Tập lại nỗ lực đưa đất nước trở thành một siêu cường chính trị và công nghệ. Phương Tây cho rằng, hướng đi này của ông Tập đã đảo ngược, với 8 trong 10 lĩnh vực trọng tâm không được cải cách.
Phương Tây cũng cáo buộc, Trung Quốc sẽ không thể có được những thành công này nếu không "đánh cắp" tài sản sở hữu trí tuệ, cũng như bảo hộ nền kinh tế và gây khó khăn cho doanh nghiệp nước ngoài. Còn giới phê bình phê phán, Bắc Kinh hưởng lợi nhiều từ việc gia nhập WTO năm 2001, nhưng không tuân theo các cam kết trong việc giảm sự kiểm soát của Chính phủ với nền kinh tế.
Giữ vững con đường cải cách?
Bài phát biểu của ông Tập càng được thế giới chú ý hơn trong bối cảnh phương Tây rốt ráo yêu cầu Trung Quốc giảm sự kiểm soát của Nhà nước với nền kinh tế. Việc Trung Quốc mở cửa hay không cũng sẽ gây ra những tác động đáng kể cho tương lai quan hệ thương mại Mỹ - Trung.
Tuy nhiên, ông Tập đã tỏ ra khá cứng rắn trước các áp lực từ phương Tây về những yêu cầu thay đổi lớn với nền kinh tế nước này trong thời gian tới. Ông nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Hội nghị rằng, "không ai có thể ra lệnh cho Trung Quốc nên làm gì", đồng thời kêu gọi Trung Quốc tiếp tục giữ vững con đường cải cách họ đang đi.
"Cải cách và cách thức cải cách phải phù hợp với mục tiêu bao trùm là cải thiện và phát triển hệ thống Chủ nghĩa Xã hội mang đặc điểm của Trung Quốc. Chúng tôi sẽ kiên quyết cải cách những gì nên làm và có thể làm, cũng như không làm bất cứ những gì không nên làm", ông Tập nhấn mạnh.
Tuy nhiên, hiện Trung Quốc lại đang đối mặt với “núi nợ”, “ô nhiễm khủng” và nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, với mức tăng trưởng đạt 6,9% trong năm ngoái và sẽ giảm xuống 6,5% trong năm nay theo dự kiến của Chính phủ.
Nền kinh tế thứ hai thế giới cũng đang bị cuốn sâu vào cuộc chiến thương mại với người khổng lồ Mỹ. Hai bên đã đạt thỏa thuận dừng đối đầu trong 90 ngày để tiến hành thương lượng nhằm tìm kiếm giải pháp. Nhưng những khác biệt và hàng loạt vấn đề mới nảy sinh cho thấy, “lành ít, dữ nhiều” trong tương lai mối quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo nhà phân tích Wu Qiang ở Bắc Kinh, cuộc chiến thương mại có thể là cơ hội để Trung Quốc bắt tay vào thực hiện công cuộc cải cách và mở cửa lần thứ hai. Giới doanh nhân, các cố vấn chính phủ và nhiều tổ chức của Trung Quốc kêu gọi Chính phủ đẩy nhanh cải cách kinh tế và giải phóng khu vực tư nhân lâu nay vẫn bị “kìm chân”, bởi những kiểm soát từ Nhà nước.
Trong bài phát biểu của mình, dù không nêu cụ thể, ông Tập cũng nhấn mạnh, Trung Quốc sẽ cải cách nhiều hơn. Tuy nhiên, trước đây, ông Tập cũng nhiều lần tuyên bố sẽ mở cửa nền kinh tế Trung Quốc cho các doanh nghiệp nước ngoài, dù Mỹ và các nước phương Tây luôn chưa bao giờ hài lòng.
Kinh tế gia Scott Rozelle thuộc Đại học Stanford thì cho rằng, "Trung Quốc thất bại trong việc đầu tư vào tài sản quan trọng nhất, đó là người dân". Với trình độ giáo dục rất thấp, chỉ có 30% lao động học xong trung học (số liệu năm 2015). Điều này dù không ngăn cản Trung Quốc trở thành một cường quốc trong lĩnh vực sản xuất, nhưng đó chính là yếu tố cản trở, khi tham vọng trở thành một nền kinh tế tiên tiến hơn và dựa trên tri thức.
42 lần - Từ giữa năm 1980 đến 2017, quy mô nền kinh tế Trung Quốc đã tăng lên gấp 42 lần, từ con số 305 tỷ USD lên đến 12,7 nghìn tỷ USD. 620 - Là số tỷ phú USD tại Trung Quốc - con số cao nhất trên thế giới. Jack Ma - Nhà sáng lập tập đoàn Alibaba đứng đầu danh sách này, với tài sản lên đến 39 tỷ USD. 10,2% - Là tỷ lệ tăng trưởng trung bình của nền kinh tế Trung Quốc trong giai đoạn từ năm 1980 đến 2016, đạt 10,2%. 5 lần – Từ năm 1980 đến 2014, do tốc độ tăng trưởng kinh tế phi thường, lượng khí thải CO2 đã tăng gấp 5 lần. Trung Quốc đang phải trả giá nặng nề cho những vấn đề liên quan đến môi trường. |