📞

40 năm Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế Bộ Ngoại giao: Tăng cường hiệu quả vận dụng luật pháp quốc tế

07:04 | 25/01/2018
Luật pháp quốc tế được Nhà nước Việt Nam quan tâm ngay từ khi giành được độc lập. Ngày 7/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 47-CP quy định cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao, trong đó thành lập Phòng Luật pháp với nhiệm vụ “Nghiên cứu các vấn đề thuộc quốc tế công pháp và quốc tế tư pháp... giải thích các luật lệ quốc tế và các điều ước”.

Việc thành lập Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao ngày 12/01/1977 trên cơ sở Quyết định số 04/CP của Hội đồng Bộ trưởng do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Duy Trinh ký, tiếp tục thể hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước ta coi trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Trải qua hơn 40 năm, tập thể Vụ qua các thời kỳ đã không ngừng trưởng thành, với niềm say mê nghiên cứu luật pháp quốc tế và tinh thần đấu tranh pháp lý đầy nhiệt huyết được truyền qua các thế hệ, công tác vận dụng luật pháp quốc tế luôn được Vụ thúc đẩy gắn liền với nhiệm vụ trọng tâm của Bộ và cả nước trong từng thời kỳ, đóng góp vào thành tích rực rỡ của ngành Ngoại giao. Những đóng góp của Vụ qua các thời kỳ đã được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Ngoại giao và các cơ quan ghi nhận và trao tặng những danh hiệu cao quý như Huân chương Lao động Hạng nhất (2012), Hạng nhì (2007), Hạng ba (1998), nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và một số cơ quan.

Những gương mặt thuộc các thế hệ cán bộ gần đây của Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao. (Nguồn: Vụ LP&ĐƯQT)

Vận dụng luật pháp quốc tế bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc

Trong những đóng góp nổi bật về vận dụng luật pháp quốc tế phải kể đến việc Vụ đã chủ trì, phối hợp nghiên cứu lập luận pháp lý và chứng cứ lịch sử để xây dựng các đề án đàm phán về biên giới quốc gia trên bộ và ranh giới trên biển trình Lãnh đạo Đảng và Nhà nước; tham mưu cho Lãnh đạo Bộ chủ trì các cuộc đàm phán, đi đến ký kết các điều ước quốc tế về hoạch định biên giới quốc gia trên đất liền, phân định ranh giới trên biển với một số nước láng giềng. Vụ đã có những đóng góp quan trọng vào việc xây dựng nội dung ba cuốn sách trắng về Hoàng Sa, Trường Sa, xuất bản các năm 1979, 1981 và 1988, mà đến nay vẫn là những tài liệu có giá trị quan trọng về lịch sử và pháp lý quốc tế, là cơ sở vững chắc để khẳng định và đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo. 

Phát huy vai trò chủ động nghiên cứu, Vụ đã kịp thời đề xuất chủ trương, tiến hành đàm phán xử lý các vấn đề pháp lý sau chiến tranh, như giải quyết các vấn đề thừa kế tài sản quốc gia; tích cực tham gia các diễn đàn pháp lý đa phương, đóng góp vào pháp điển hóa, phát triển tiến bộ luật pháp quốc tế trên một số lĩnh vực mới như luật biển quốc tế; tham gia giải quyết tranh chấp kinh tế, thương mại, đầu tư liên quan đến nhà nước, doanh nghiệp của ta, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, uy tín và vị thế của nước ta.

Bên cạnh đó, những đóng góp tham gia đàm phán, cho ý kiến kiểm tra điều ước quốc tế, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương trong công tác điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, kịp thời kiến nghị trình Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ các biện pháp cần thiết để tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực này đã góp phần vào thành công của các chuyến thăm cấp cao, các hoạt động đối ngoại, tăng cường hiệu quả công tác điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, thúc đẩy hội nhập quốc tế nói chung.

Sự kiện Đại sứ, PGS. TS. Nguyễn Hồng Thao trúng cử vào Ủy ban luật pháp quốc tế của LHQ, cơ quan có vai trò hàng đầu trong pháp điển và phát triển tiến bộ luật pháp quốc tế không chỉ được đánh giá là 1 trong 10 sự kiện đối ngoại tiêu biểu của Việt Nam năm 2016 mà còn là niềm tự hào của các cán bộ, chuyên gia pháp lý quốc tế của Bộ Ngoại giao và của cả nước. Đóng góp vào sự kiện này có nỗ lực của Vụ trong việc chủ trì tham mưu đề cử, tổ chức vận động đạt được sự ủng hộ rất cao của các nước.

Đóng góp xây dựng pháp luật, xây dựng ngành

Vụ đã chủ trì, hoặc tham gia xây dựng nhiều văn bản pháp lý về các vùng biển của Việt Nam, trên cơ sở xu thế phát triển tiến bộ của luật biển quốc tế, phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, ngay từ khi Công ước đang được đàm phán, tạo cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo, lãnh thổ quốc gia của ta. Các văn bản quy phạm pháp luật khác được ban hành trong thời gian qua đều có sự tham gia đóng góp tích cực của Vụ, góp phần bảo đảm tuân thủ cam kết quốc tế của Việt Nam, nâng cao uy tín của nước ta trên trường quốc tế, phục vụ công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Việc xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật về điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế do Vụ chủ trì triển khai đóng góp tích cực cho việc tăng cường thống nhất quản lý nhà nước về đối ngoại, tạo cơ sở pháp lý thống nhất cho các cấp, các ngành triển khai ký kết, tổ chức thực hiện hàng ngàn điều ước quốc tế đa phương và song phương với các quốc gia, tổ chức quốc tế, và các thỏa thuận quốc tế của nhiều cấp, nhiều ngành, thuộc mọi lĩnh vực, phục vụ cho triển khai hội nhập quốc tế.

Từ năm 2004, được sự phân công của Lãnh đạo Bộ, Vụ đảm nhiệm thêm nhiệm vụ đầu mối công tác pháp chế, tham gia sâu vào việc xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật thuộc ngành Ngoại giao, góp phần tích cực xây dựng ngành Ngoại giao chuyên nghiệp và hiện đại. Kết quả điển hình là Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài năm 2009 và Luật sửa đổi một số điều của Luật này mới được Quốc hội thông qua tháng 11/ 2017.

Bên cạnh đó, Vụ đã phát huy vai trò là cái nôi của chuyên ngành luật pháp quốc tế ở Việt Nam, đào tạo được nhiều thế hệ chuyên gia, cán bộ pháp lý quốc tế giỏi và chuyên sâu, cung cấp nhiều cán bộ quản lý cho các đơn vị trong Bộ; đồng thời các thế hệ cán bộ của Vụ còn tham gia giảng dạy, truyền bá kiến thức luật pháp quốc tế cho thế hệ trẻ ở các đại học.

Kinh nghiệm nghiên cứu và vận dụng luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc và thúc đẩy hội nhập quốc tế đã tạo tiền đề vững chắc cho Vụ chủ trì thúc đẩy việc thành lập Hội Luật quốc tế Việt Nam (VSIL) tháng 9/2016.

Có được những thành tích nổi bật đó, bên cạnh nỗ lực hết mình, niềm say mê nghề nghiệp của tập thể Vụ được truyền qua các thế hệ cán bộ, điều thuận lợi cơ bản là Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Ngoại giao luôn coi trọng công tác pháp lý, Lãnh đạo Bộ luôn quan tâm chỉ đạo sát sao Vụ trong công tác chuyên môn, cũng như xây dựng đơn vị, Vụ cũng nhận được sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của các đơn vị trong Bộ và nhiều cơ quan.

Trong giai đoạn hội nhập sâu rộng và toàn diện hiện nay, mặc dù xu thế chung là các quốc gia tiếp tục đề cao tôn trọng luật pháp quốc tế, tuy nhiên quá trình này đã và sẽ đặt ra nhiều vấn đề pháp lý, trong đó thách thức lớn nhất là ứng xử, quan điểm của nhiều quốc gia về giải thích và vận dụng luật pháp quốc tế tiếp tục diễn biến khó lường, có những khác biệt, thậm chí trái ngược nhau không chỉ trong lĩnh vực mới mà cả trong lĩnh vực truyền thống đã được pháp điển trong điều ước quốc tế đa phương toàn cầu. Trong bối cảnh đó, việc tăng cường hiệu quả vận dụng luật pháp quốc tế là nhiệm vụ rất quan trọng và cũng hết sức nặng nề, đòi hỏi có đội ngũ chuyên gia pháp lý quốc tế chuyên sâu, liên quan đến nhiều ngành.

Tập thể Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế nhận thức rõ thách thức mới của thời cuộc và yêu cầu của đất nước, của ngành Ngoại giao, quyết tâm sẽ nỗ lực tiếp tục phát huy truyền thống và những thành quả đã đạt được, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Trong đó, một ưu tiên quan trọng là tiếp tục bồi dưỡng thường xuyên tại chỗ, kết hợp với đào tạo ngắn hạn và dài hạn, đẩy mạnh nghiên cứu sâu để ngày càng nhiều cán bộ của Vụ trở thành chuyên gia pháp lý chuyên sâu, trước hết là trong những lĩnh vực phụ trách của Vụ, đồng thời tranh thủ nguồn trí tuệ, kinh nghiệm của thế hệ đi trước.

Lê Thị Tuyết Mai

Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế