5 điều cần biết về biến thể lai Deltacron |
Hiện tại, các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu về các đặc điểm của biến thể lai và khẳng định chưa thấy có những mối đe dọa tiềm tàng nào.
Dưới đây là 5 điều chúng ta cần biết về biến thể lai Deltacron:
Deltacron là biến thể như thế nào?
Deltacron là sự kết hợp hoặc “tái tổ hợp” của hai biến thể phổ biến hiện nay là Delta và Omicron.
Các nhà khoa học cho biết, việc xuất hiện virus tái tổ hợp này là bình thường và không có gì đáng ngạc nhiên.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lý giải, quá trình tái tổ hợp xảy ra khi hai loại virus lây nhiễm sang người hoặc động vật giống nhau, dẫn đến trao đổi thông tin di truyền, từ đó tạo nên một biến thể mới.
Khi nhiều biến thể xuất hiện đồng thời và trên quy mô rộng, giống như Delta và Omicron, thì việc tái tổ hợp không có gì là lạ lẫm với căn bệnh Covid-19.
WHO cho biết, tổ chức này cũng đã biết đến thể tái tổ hợp, kết hợp giữa chủng Delta AY.4 và Omicron BA.1 nhưng hiện vẫn chưa thông qua tên chính thức cho biến thể mới này.
Amesh Adalja, học giả cấp cao tại Trung tâm An ninh y tế Johns Hopkins chia sẻ: "Hiện nay, vẫn chưa có đủ thông tin về mặt virus học để biết Delta/Omicron tái tổ hợp sở hữu những đặc điểm gì bởi các dạng biến thể này thường khác nhau trong quá trình tái tổ hợp”.
Deltacron lần đầu xuất hiện ở đâu?
Quá trình tái tổ hợp của hai biến thể Delta và Omicron được các nhà nghiên cứu tại Cyprus phát hiện lần đầu vào tháng 1/2022. Tin tức về một “siêu biến thể” sau đó đã được lan truyền nhanh chóng.
Tuy nhiên, nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học tại Cyprus sau đó đã bị nhiều nhà khoa học khác phủ nhận. Nhiều người cho rằng, Deltacron hoàn toàn không phải là một biến thể mới mà chỉ đơn giản là kết quả của việc nhiễm khuẩn trong phòng thí nghiệm.
Một thành viên của nhóm kỹ thuật Covid-19 thuộc WHO khi đó từng tweet trên trang cá nhân: “Không có cái gọi là #Deltacron”, đồng thời giải thích nó rất có khả năng là một “mẫu vật được giải trình tự gene” sau khi các mẫu biến thể Omicron bị lẫn vào Delta.
Thời gian qua, một số trường hợp nhiễm biến thể Deltacron tiếp tục được phát hiện, rải rác từ châu Âu đến châu Mỹ. Tuần này, tại Brazil, chính quyền hai bang phía Bắc nước này thông báo, họ đã tìm thấy các ca đầu tiên nhiễm biến thể Deltacron.
Theo Nhóm Sáng kiến toàn cầu chia sẻ dữ liệu về virus cúm (GISAID), hiện biến thể lai này đã xuất hiện ở Pháp, Đan Mạch, Đức, Hà Lan và Bỉ. Tính đến tuần này, Pháp có số trường hợp mắc Deltacron cao nhất, 38, tiếp theo là Đan Mạch, với 8 trường hợp.
Một bài báo trên trang medRxiv, một trang web xuất bản các bài báo y tế được kiểm duyệt cho thấy, ít nhất 2 trường hợp nhiễm Deltacron đã được tìm thấy ở Mỹ. Hiện tại, vẫn chưa có ca nhiễm biến thể lai nào được ghi nhận ở châu Á.
Deltacron có đáng lo ngại?
Không, ít nhất là cho tới thời điểm hiện tại.
Mặc dù WHO đã từng cảnh báo Omicron là “biến thể cần quan tâm”, cho thấy khả năng lây truyền nhanh chóng, độc lực cao hay giảm hiệu quả của vaccine, tổ chức này vẫn coi biến thể lai Deltacron là “biến thể đang được theo dõi”.
Theo WHO, những thay đổi di truyền “được nghi ngờ là ảnh hưởng đến các đặc tính của virus và có một số dấu hiệu cho thấy có thể gây rủi ro trong tương lai nhưng bằng chứng về tác động dịch tễ học chưa rõ ràng”.
Nhà khoa học Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO nhấn mạnh trong một cuộc họp ngày 9/3 rằng, biến thể mới chỉ được phát hiện ở “mức độ rất thấp”.
Bà cho hay: “Chúng tôi không thấy bất kỳ sự thay đổi nào trong dịch tễ học với thể tái tổ hợp này. Chúng tôi cũng không thấy bất kỳ sự thay đổi nào về mức độ nghiêm trọng, nhưng có rất nhiều nghiên cứu đang được tiến hành”.
Theo quan chức y tế Anh, biến thể mới "không được quan tâm đặc biệt" và Omicron vẫn là biến thể đang phổ biến tại quốc gia này.
Tại Philippines, nơi số ca nhiễm Covid-19 đã giảm mạnh, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Rontgene Solante cho biết, thông tin liên quan đến Deltaron vẫn chưa thực sự rộng rãi, nhưng sự kết hợp hai biến thể phổ biến của virus SARS-CoV-2 sẽ không ảnh hưởng nhiều và không làm tăng độc lực của virus.
Các chuyên gia y tế khẳng định, còn nhiều điều cần tìm hiểu về biến thể lai Deltacron và bệnh Covid-19 vẫn là mối nguy hiểm với sức khỏe người dân.
Soumya Swaminathan, nhà khoa học hàng đầu tại WHO nói: “Chúng tôi đã biết rằng các sự kiện tái tổ hợp có thể xảy ra, ở người hoặc động vật, với nhiều biến thể lưu hành của virus SARS-CoV-2. Cần phải có thêm các thí nghiệm để xác định đặc tính của loại virus này”.
Vaccine có có tác dụng với Deltacron?
Với rất ít trường hợp được ghi nhận, hiện vẫn chưa rõ hiệu quả của vaccine đối với biến thể lai Deltacron.
Theo ông Thomas Peacock, một cộng sự nghiên cứu tại Đại học Imperial College London (Anh), vaccine Covid-19 hiện hoạt động chủ yếu bằng cách tạo ra phản ứng kháng thể chống lại protein đột biến của virus.
Ông lý giải: “Trong tất cả những lần tái tổ hợp gần đây, hầu như phần tăng đột biến được lấy từ một loại virus duy nhất, vì vậy, sẽ không có sự khác biệt nhiều so với chủng virus gốc”.
Hiện vẫn chưa rõ hiệu quả của vaccine đối với biến thể lai Deltacron. (Nguồn: Reuters) |
Nhà khoa học Amesh Adalja kỳ vọng vaccine Covid-19 sẽ có hiệu quả với biến thể Deltacron giống như với Omicron.
Chuyên gia này nhận định, nếu chẳng may mắc Deltacron, những người chưa tiêm chủng hoặc chỉ tiêm một liều sẽ có nguy cơ diễn biến nghiêm trọng hoặc tử vong cao hơn những người được tiêm chủng đầy đủ. Vì vậy, người lớn tuổi, hoặc những người có bệnh nền rất nên tham gia tiêm chủng.
Theo hãng Pfizer, để tăng sức đề kháng và khả năng chống chọi với các biến thể mới, liều vaccine thứ 4 sẽ là cần thiết.
Trả lời phỏng vấn trên một kênh truyền hình mới đây, CEO của Pfizer Albert Bourla cho biết, hãng này cũng đang nghiên cứu một loại vaccine có thể bảo vệ chống lại “tất cả các biến thể”, bao gồm Omicron và vẫn có hiệu lực trong ít nhất một năm.
Có cần thiết phải áp dụng lệnh phong tỏa?
Tại thời điểm này, các nhà khoa học và các chính phủ không tính đến việc áp dụng các lệnh phong tỏa để ứng phó với biến thể mới.
Chuyên gia y tế Van Kerkhove của WHO cam kết: “Chúng tôi sẽ không cho phép dịch bệnh lây lan ở mức độ dữ dội như vậy”.
Tuy nhiên, với biến thể mới, các quốc gia kiên định với chiến lược "Zero Covid", đơn cử như Trung Quốc, vẫn có thể sẽ tiếp tục chiến lược của mình. Hiện quốc gia đông dân nhất thế giới đang áp dụng các biện pháp phong tỏa, hạn chế tại một số thành phố như Thượng Hải, Thâm Quyến, Trường Xuân để hạn chế dịch bệnh lây lan.
Các nhà khoa học cho rằng, không nên thổi phồng các biến thể của virus, gây sợ hãi cho người dân mà điều quan trọng là tiếp tục theo dõi sự phát triển của các biến thể.
WHO khẳng định, cần có một hệ thống giám sát rất mạnh trên toàn thế giới đối với dịch bệnh nhằm chống lại các mối đe dọa đang nổi lên.