Rất nhiều căn nhà tại nhiều thành phố của Trung Quốc rơi vào tình trạng "vườn không nhà trống" vì không có người sinh sống. (Nguồn: AFP) |
Hàng chục triệu căn nhà bỏ không
Liu Hong (36 tuổi) cùng cha mẹ mình hiện sở hữu bốn căn hộ ở nhiều thành phố trên khắp Trung Quốc. Đáng chú ý, có 3 căn nhà của gia đình cô đều không có người sinh sống.
Cách đây 13 năm, Liu Hong, hiện đang làm kiểm toán viên tại Thượng Hải mua một căn hộ ở quê nhà Cáp Nhĩ Tân, phía Bắc tỉnh Hắc Long Giang với giá 320.000 NDT (khoảng 47.500 USD). Căn hộ chỉ cách nơi ở của cha mẹ cô 2 dãy nhà, được phân cho cha cô khi ông là giáo viên tại một trường học.
“Cha mẹ cho rằng tôi nên có nhà riêng vì họ mong một ngày nào đó tôi sẽ quay lại sinh sống ở Cáp Nhĩ Tân hoặc tôi có thể sử dụng như một khoản tiền phòng thân trước khi lập gia đình. Tuy nhiên, đến giờ thì cả hai điều đó đều đã không xảy ra và cha mẹ tôi thậm chí giờ còn chuyển lên ở hẳn với tôi ở Thượng Hải sau khi nghỉ hưu”, Liu Hong chia sẻ.
Liu Hong đã tậu cho mình một căn hộ hai phòng ngủ ở Thượng Hải với giá 2,6 triệu NDT khi thị trường bất động sản đang ở thời điểm sôi động năm 2015, sau khi cô quyết định lập nghiệp và định cư lâu dài tại thành phố này.
Khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 4, khi cả Cáp Nhĩ Tân và Thượng Hải đều quá lạnh, cha mẹ cô lại chuyển đến sống tại Hải Khẩu thuộc tỉnh Hải Nam, miền Nam Trung Quốc, nơi họ đang sở hữu một căn nhà nghỉ dưỡng nhỏ.
“Không dễ dàng để tìm được người thuê hay mua nhà ở Cáp Nhĩ Tân nên chúng tôi đành để lại những căn hộ cũ ở đó, dù không có người ở. Như vậy, gia đình tôi hiện sở hữu đến 3 căn hộ không có người ở trong nhiều năm”, cô Liu Hong nói.
Theo cô Liu Hong, điều khiến cô lo ngại nhất là một ngày nào đó các căn hộ bỏ không có thể trở thành gánh nặng khi gia đình cô vẫn phải chi trả tiền thuế và phí bảo trì hàng năm.
Không riêng gì gia đình Liu Hong, ước tính Trung Quốc đang có hàng chục triệu căn hộ đang bị bỏ không như vậy.
Tình trạng này tiếp tục làm bộc lộ những vấn đề đau đầu của thị trường nhà ở Trung Quốc, vốn đang gặp khủng hoảng từ cuối năm ngoái. Một số lượng bất động sản bị bỏ không tồn đọng có nguy cơ làm giá nhà đất tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục giảm mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Trong nghiên cứu mới nhất của mình, Viện Nghiên cứu Beike (BRI), một tổ chức tư vấn bất động sản của Trung Quốc cảnh báo, thực tế Trung Quốc không thiếu nhà và tỷ lệ nhà trống như vậy là rất rủi ro.
Theo báo cáo của BRI được công bố vào đầu tháng này, tỷ lệ bất động sản trống trung bình ở Trung Quốc là 12,1%. Tỷ lệ này đang cao hơn Mỹ (11,1%), Australia (9,8%) và cao hơn nhiều so với Anh (0,9%).
Tỷ lệ này có nghĩa là có khoảng 50 triệu căn nhà trống, nếu dựa theo nghiên cứu năm 2021 của nhà kinh tế học Ren Zeping từ Trung tâm Nghiên cứu Phát triển.
Capital Economics, một công ty nghiên cứu và tư vấn có trụ sở tại London cũng đưa ra con số ca hơn. Theo ước tính năm 2021, Trung Quốc có khoảng 30 triệu bất động sản chưa bán được, trong khi khoảng 100 triệu bất động sản khác dù đã được bán nhưng lại trong tình trạng bỏ không.
Đây có thể là tin xấu đối với Liu Hong và nhiều người sở hữu nhiều bất động sản bỏ không như gia đình cô. Việc tìm người thuê và mua căn hộ có thể sẽ ngày càng khó khăn hơn khi nguồn cung thị trường nhà đất trong tình trạng “khủng hoảng thừa”.
Anh Sunshine Li, một đại lý bất động sản ở Nanchang, thủ phủ của tỉnh Giang Tây lý giải: “Tình trạng bất động sản bỏ không là dư âm của thời kỳ phát triển quá nóng từ năm 2016 đến 2018 khi người người ùn ùn đổ xô đi mua nhà để đầu tư”.
Một số thành phố lớn, đơn cử như Nam Xương có đến 1/5 quỹ nhà ở bỏ không, hiện đang đứng top đầu trong số 28 thành phố có nhiều bất động sản trống, theo danh sách của BRI. Bảng xếp hạng của BRI sau khi được công bố đã gây ra cuộc tranh luận gay gắt trên mạng xã hội Trung Quốc.
Nhiều cư dân sinh sống tại thành phố Nam Xương nghi ngờ về những con số mà BRI cung cấp và Viện này buộc phải xin lỗi trên tài khoản WeChat, đồng thời cam kết sẽ kiểm tra lại các số liệu để đưa ra báo cáo chính xác hơn.
Dù chưa biết độ chính xác đến đâu nhưng việc đang có hàng triệu ngôi nhà bỏ không trên khắp Trung Quốc là hiện thực không thể chối bỏ.
Feng He, 26 tuổi, một giáo viên cấp hai, cho biết gia đình cô đang sở hữu một ngôi nhà ba tầng, liền kề ở Kunshan, một thành phố thuộc tỉnh Giang Tô. Dù hiện tại ngôi nhà đang để không nhưng Feng He cho biết, đây vẫn là một tài sản đáng giá và nếu có bất trắc gì về tài chính xảy ra trong tương lai, gia đình cô có thể bán ngôi nhà để chi trả.
Vì là con một nên Feng He tin rằng, sớm hay muộn, cô sẽ được thừa kế tất cả 4 bất động sản, bao gồm cả ngôi nhà sang trọng trị giá 4 triệu NDT vẫn đang bỏ không ở Côn Sơn.
Trong thời kỳ bùng nổ đầu tư bất động sản, gia đình của Liu Hong và Feng He cho rằng, việc mua thêm một căn nhà ở thành phố khác cũng không quá ảnh hưởng, dù phần đông đều không có nhu cầu ở cấp thiết.
Giờ đây, khi thời kỳ hoàng kim qua đi, nhiều người lại gặp khó khăn trong việc bán lại các tài sản này.
S&P Global Ratings dự đoán doanh số bán bất động sản của Trung Quốc sẽ giảm 1/3 so với năm ngoái xuống từ 12 nghìn tỷ đến 13 nghìn tỷ NDT vào năm 2022, trong khi giá nhà trung bình có thể giảm 7%.
Ngành bất động sản Trung Quốc đang rơi vào tình trạng ảm đạm nhất trong nhiều thập niên. Năm ngoái, có đến 21 nhà phát triển bất động sản đã rơi vào tình cảnh vỡ nợ, đáng chú ý nhất là “đại gia” China Evergrande Group.
Niềm tin của người dân vào lĩnh vực này đang suy giảm mạnh mẽ do chính quyền vẫn chưa đưa ra những biện pháp hiệu quả và cụ thể nhằm ổn định thị trường nhà ở.