📞

6 tháng đầu năm: Vốn FDI vẫn 'chảy mạnh' vào công nghiệp chế biến, chế tạo

Phương Anh 14:11 | 01/07/2021
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng thu hút FDI vào Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm nay vẫn dẫn đầu, với tổng vốn đầu tư đạt 6,98 tỷ USD, chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Việc tăng vốn FDI vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo được xem là xu hướng tích cực của dòng vốn FDI vào Việt Nam thời gian qua. (Nguồn: Tạp chí Công Thương)

Tin vui từ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến thời điểm hiện tại, có 18 ngành thu hút được sự đầu tư lớn của các doanh nghiệp nước ngoài. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến và chế tạo dẫn đầu, với vốn đầu tư đạt 6,89 tỷ USD, chiếm 45,7%.

Thứ hai là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, với tổng vốn đầu tư 5,34 tỷ USD, chiếm khoảng 35% tổng số vốn đầu tư. Thứ ba là kinh doanh bất động sản, với vốn đăng ký đạt 1,15 tỷ USD.

Không chỉ tăng về tổng vốn đầu tư, nhiều dự án lớn trị giá tỷ USD của các doanh nghiệp nước ngoài cũng đã được cấp phép tại Việt Nam. Có thể kể đến như, dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II của nhà đầu tư Singapore, tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD. Dự án LG Display Hải Phòng của nhà đầu tư Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư 750 triệu USD. Dự án nhà máy Fukang Technology của nhà đầu tư Singapore vốn đầu tư đăng ký 293 triệu USD...

Một trong những nguyên nhân khiến vốn FDI tiếp tục “đổ mạnh” vào đầu tư nói chung và lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo những tháng đầu năm nói riêng, được chuyên gia nhận định, do Việt Nam rất thành công trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Chỉ riêng về các chính sách và quyết định đúng đắn trong kiểm soát dịch bệnh, doanh nghiệp đã có thể phát huy thế mạnh của mình, linh hoạt thay đổi chiến lược kinh doanh để phù hợp với trạng thái bình thường mới của kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành quyết định bãi bỏ 58 thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, nhằm gỡ vướng cho quá trình đầu tư tại Việt Nam. Bộ này cũng đồng thời vừa công bố 65 thủ tục hành chính mới ban hành trong lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam từ cấp Trung ương, cấp tỉnh và thủ tục do ban quản lý khu công nghiệp, chế xuất thực hiện.

Các thủ tục hành chính này nhằm mục đích tạo thuận lợi thông thoáng cho hoạt động đầu tư của người dân, doanh nghiệp, chủ đầu tư; giúp tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí lớn, khi cả nước mỗi năm có hàng nghìn dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài và trong nước.

Đáng nhấn mạnh, việc có thêm một số dự án quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, thuộc những lĩnh vực quan trọng như năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo là minh chứng cho sự ổn định và uy tín của Việt Nam trong hoạt động thu hút đầu tư toàn cầu.

Đẩy mạnh thu hút FDI có chọn lọc

Việc tăng vốn FDI vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo được xem là xu hướng tích cực của dòng vốn FDI vào Việt Nam thời gian qua khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các địa phương đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI theo hướng lựa chọn dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tạo giá trị gia tăng cao.

Đây cũng là tín hiệu vui cho Việt Nam, vì những dòng vốn này đổ vào các lĩnh vực cần thiết cho phát triển đất nước, thân thiện với môi trường, tạo giá trị gia tăng cao.

Ông Phạm Đình Thúy - Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê – cho hay: "Dòng vốn FDI vào lĩnh vực chế biến chế tạo, sản xuất và phân phối điện sẽ góp phần tạo động lực cho nền kinh tế trong tương lai".

Hiện vẫn có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, tin tưởng và có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam. Nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc đi lại của nhà đầu tư cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án đầu tư nước ngoài tiếp tục bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, tình hình thu hút dòng vốn FDI sẽ ngày càng gay gắt hơn. Dù có nhiều lợi thế khi xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc gia tăng nhưng nếu không có sự chuẩn bị đầy đủ để sẵn sàng "đón đại bàng", Việt Nam sẽ vuột mất cơ hội trở thành trung tâm sản xuất mới của Đông Nam Á.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, dịch bệnh đã làm thay đổi suy nghĩ của nhà đầu tư lớn về hình thành trung tâm sản xuất nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng, phân tán chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Điều này đã tác động lớn đến chính sách thu hút FDI của các nước.

Vì vậy, để đón được các tập đoàn lớn di chuyển chuỗi cung ứng, sản xuất sang Việt Nam, chuyên gia cho rằng, chúng ta cần có môi trường đầu tư công khai, minh bạch; có nguồn nhân lực chất lượng cao và chi phí hạ tầng logistics cạnh tranh; phải thay đổi cách làm, cần chú ý tới đẳng cấp của doanh nghiệp FDI thay vì chỉ chú ý đến thu hút dự án có quy mô vốn đầu tư lớn.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thể chế, khung pháp lý minh bạch, chất lượng lao động, cải thiện chất lượng hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông phải có chất lượng tốt…

“Chúng ta không thể tổ chức các cuộc roadshow, xúc tiến đầu tư ở nước ngoài kiểu truyền thống. Vậy làm thế nào để nhà đầu tư thậm chí không cần đến Việt Nam vẫn mạnh dạn đầu tư một lượng tiền lớn? Muốn vậy, phải tiếp tục có gói hỗ trợ thứ 2, đó là hỗ trợ chính sách, cơ chế”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Trong bối cảnh đại dịch còn diễn biến phức tạp, phía trước còn nhiều bất định… để thu hút đầu tư nói chung và lĩnh vực chế biến chế tạo nói riêng, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần có biện pháp kéo dài thời gian các gói hỗ trợ để doanh nghiệp đủ thời gian phục hồi sản xuất kinh doanh một cách bền vững, cũng như thông tin kịp thời để doanh nghiệp bắt kịp cơ hội tiếp cận và đưa ra chiến lược phát triển phù hợp.