TS. Phạm Lan Dung, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao và các học trò trong ngày lễ tốt nghiệp Cử nhân. |
Thân thương như tiếng “Thầy ạ!”, “Cô ạ!”
Với những giảng viên Học viện Ngoại giao, ngày 20/11 năm nay có thêm phần đặc biệt bởi nó diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Học viện. Với TS. Phạm Lan Dung, Phó Giám đốc Học viện, đây là dịp để cô nhớ lại chặng đường hơn 2 thập kỷ gắn bó với cái “nôi đối ngoại”.
Gắn bó với Học viện suốt 22 năm, cũng là cả quá trình công tác từ khi tốt nghiệp Đại học Quan hệ Quốc tế Moscow (MGIMO) về nước, cô Lan Dung luôn tự hào và cảm thấy may mắn khi được đứng trong đội ngũ các thầy cô giáo Học viện Ngoại giao hơn nửa thập kỷ qua. “Nghề giáo là nghề thiêng liêng, đem đến cho người thầy những niềm vui không gì có thể so sánh được. Sau bao năm chở đò, giờ tóc đã điểm bạc, tôi mới càng cảm nhận rõ hơn hạnh phúc của người đứng trên giảng đường”, cô chia sẻ.
Cô Lan Dung chiêm nghiệm rằng, “kỷ niệm mà thầy cô giáo nào của Học viện Ngoại giao cũng gặp trong đời, đó là ở bất kỳ đâu, dù ở môi trường học thuật, sự kiện đối ngoại hay trong cuộc sống thường ngày, dù trong nước hay ở các phương trời xa lạ, chúng tôi luôn có thể nghe thấy những tiếng “Thầy ạ!”, “Cô ạ!” rất kính trọng, rất thân thương, đầy cảm xúc và hồ hởi”. Chỉ hai tiếng vậy thôi và gương mặt rạng rỡ của các bạn khi nhận ra thầy cô cũ của mình đã là niềm động viên không gì có thể sánh nổi với cô và đồng nghiệp.
Có lẽ, hạnh phúc muôn thuở của các thầy cô là khi thấy các thế hệ học trò của mình trưởng thành, là những người tốt, chân thành, tình cảm, có ích cho gia đình, xã hội và đất nước. Cô Lan Dung cảm động khi nhớ lại hình ảnh Nguyễn Thúy Hằng, bạn sinh viên K26 gầy gò năm nào, giờ là luật sư rất giỏi của một hãng luật nổi tiếng. Yêu Học viện và muốn cống hiến, đóng góp cho Học viện, nơi đã dạy dỗ, dìu dắt những bước đi đầu tiên cho mình, Hằng vẫn thường bay từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội chỉ để giảng bài cho các em sinh viên của Học viện một buổi rồi lại bay vào.
Niềm tự hào trong cô còn là khi những sinh viên như Phan Duy Hảo K26 trở thành một đồng nghiệp rất tài năng, nhà nghiên cứu giỏi về nhiều lĩnh vực của luật quốc tế, hay Nguyễn Ngọc Lan K30, nay là giảng viên “cứng” của Khoa Luật Quốc tế, Đại học Ultrecht tại Hà Lan.
Cũng có rất nhiều kỷ niệm khi cô là khách mời cho các chương trình truyền hình của VTV và VTC về đối ngoại và bảo vệ chủ quyền, biển đảo, cô lại được làm việc với các cựu sinh viên Học viện như Nguyễn Minh Hiếu K37 là biên tập viên và phóng viên của VTV4. Ấn tượng khi gần đây được nhìn bức ảnh các cán bộ của Bộ Ngoại giao tại phái đoàn ta ở Liên hợp quốc, chụp kỷ niệm thời điểm Việt Nam được bầu vào Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an với số phiếu kỷ lục 192/193 quốc gia, hầu hết các anh chị đều là cựu sinh viên Học viện các khóa. Với cô, cảm động nhất là tình yêu Học viện, gắn bó với Học viện của các cựu sinh viên đã quyết định ở lại công tác tại đây và giờ là các nghiên cứu viên, giảng viên tài năng mà cô không thể kể hết tên.
“Kỷ niệm thì nhiều, nhưng có lẽ, cảm xúc dâng trào nhất vẫn là khi các thầy cô và tất cả cán bộ Học viện được sống trong những tháng ngày vinh quang, khi mà các anh chị em đồng nghiệp mọi thế hệ, các nhà ngoại giao từ khắp mọi nơi trên thế giới và mọi thế hệ cựu sinh viên Học viện đều hướng về Lễ kỷ niệm 60 năm Học viện với những tình cảm yêu mến, động viên, cổ vũ chưa từng có! Cảm ơn những thế hệ đi trước của Học viện, cảm ơn nỗ lực của tất cả các anh chị em đồng nghiệp tại Học viện đã cho chúng tôi được sống trong những giờ phút thiêng liêng này!”, cô chia sẻ.
Tự hào khi đóng nhiều “vai” trong một
Điểm đặc biệt với mỗi thầy cô Học viện là phải đảm nhiệm rất nhiều “vai”. Ngoài giảng viên, họ còn là nhà nghiên cứu, nhà ngoại giao, nhà tổ chức sự kiện… Khi là nhà giáo, cô Lan Dung và đồng nghiệp hiểu được vai trò và tầm ảnh hưởng của người thầy trong việc định hướng con đường phát triển sự nghiệp cho sinh viên, dẫn dắt và nuôi dưỡng đam mê khám phá kho tri thức vô tận của bao thế hệ.
Khi là nhà nghiên cứu, các thầy cô cùng phát huy vai trò trên kênh 2, xây dựng mạng lưới và diễn đàn trong nước và quốc tế, giúp các học giả, các nhà nghiên cứu trao đổi và làm sáng rõ các vấn đề trong quan hệ quốc tế, luật pháp quốc tế… góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ lợi ích quốc gia.
Khi là cán bộ ngoại giao, các giảng viên có cơ hội tham gia và chủ trì các hội nghị quốc tế; thường xuyên tiếp xúc, trao đổi và chủ trì các sự kiện với các đại sứ, các nhà ngoại giao của các nước, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Đặc biệt, mọi người được làm việc và phối hợp chặt chẽ với các nhà ngoại giao kỳ cựu của Việt Nam, qua đó tiếp thu những tinh hoa và kinh nghiệm vô giá từ các đồng nghiệp. Được tham gia công tác hoạch định và triển khai chính sách cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại cho các Bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, các cán bộ có thể đóng vai trò cầu nối giữa đào tạo học thuật với thực tiễn nghề nghiệp ngoại giao, góp phần đề xuất và triển khai thành công nhiều chương trình đào tạo cho cán bộ của Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành, địa phương.
Với nhiều “vai” như vậy, cô và đồng nghiệp có được cái nhìn đa chiều hơn khi tiếp cận mỗi mảng công việc. Mạng lưới và kinh nghiệm trong các mảng công việc hỗ trợ và bổ sung hiệu quả cho nhau. Chương trình đào tạo, bồi dưỡng được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Giảng viên luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn cho sinh viên cũng như có nhiều cơ hội tham gia các sự kiện đối ngoại và hoạt động hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học quan trọng.
Với mạng lưới hợp tác quốc tế mạnh, sinh viên của Học viện được học không ít môn học do các nhà ngoại giao kỳ cựu, các chuyên gia gia quốc tế trực tiếp giảng dạy. Sinh viên, cán bộ ngoại giao lớp tiền công vụ được dự các buổi tọa đàm, tiếp xúc, trò chuyện với các Đại sứ, các giáo sư nổi tiếng, các chính khách trong nước và quốc tế.