📞

60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh: Tập trung thu hút nguồn lực để phát triển trong giai đoạn mới

Gia Thành 14:17 | 09/09/2023
Sau 60 năm, các công trình mới, mang dấu ấn đậm nét, đã thay đổi hoàn toàn diện mạo Quảng Ninh, tạo động lực cho tỉnh phát triển đi lên.
Nhờ đường cao tốc mới khánh thành ngày 1/9/2022, việc di chuyển từ Hà Nội đến Móng Cái (Quảng Ninh) chỉ còn 3 giờ, thay vì 6 giờ như trước đây. (Ảnh: Lã Nghĩa Hiếu)

Diện mạo thay đổi rõ nét

Xác định kết cấu hạ tầng đồng bộ là điểm tựa vững chắc, đòn bẩy thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, nhiều năm qua, cấp uỷ, chính quyền tỉnh đã tập trung nghiên cứu, huy động nguồn vốn xây dựng giao thông cảng biển, mạng lưới điện, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường; mở rộng các khu đô thị, công nghiệp, du lịch, kinh tế cửa khẩu và nhiều công trình văn hoá phúc lợi công cộng.

Sau 60 năm, các công trình mới, mang dấu ấn đậm nét, đã thay đổi hoàn toàn diện mạo Quảng Ninh, tạo động lực cho tỉnh phát triển đi lên.

Cụ thể, ngày 1/9/2022 là mốc thời gian quan trọng đánh dấu sự kiện Quảng Ninh hoàn thành trục cao tốc dọc tỉnh, nối địa đầu Tổ quốc - TP. Móng Cái với Hà Nội. Đây cũng là thời điểm, tỉnh chính thức sở hữu đa dạng hóa loại hình giao thông đồng bộ khi có cả sân bay, cảng tàu quốc tế và cao tốc dọc tỉnh, trở thành tỉnh phát triển hạ tầng giao thông nhanh nhất cả nước.

Điều ấn tượng, nguồn vốn để làm các công trình, có sự góp mặt phần lớn từ tư nhân. Qua đó góp phần quan trọng khơi thông kết nối liên kết vùng, rút ngắn về thời gian và khoảng cách, mở không gian phát triển mới cho cả vùng.

Đến nay, các dự án được Quảng Ninh đưa vào khai thác đã sớm phát huy hiệu quả sau đầu tư khi lượng khách du lịch đến địa đầu tổ quốc Móng Cái tăng kỷ lục vào thời điểm cao tốc hoàn thành, những chuyến bay quốc tế đến Quảng Ninh chỉ sau 5 tháng đưa vào khai thác và cảng tàu khách Hạ Long là nơi hội ngộ của những chuyến tàu du lịch đẳng cấp nhất thế giới.

Các dự án giao thông đã đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh sở hữu đa dạng, đồng bộ và nhanh nhất cả nước về phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông ở cả 3 loại hình là đường bộ, đường hàng không và đường biển.

Các công trình có sự kết nối, gắn kết đến các trung tâm kinh tế-văn hóa-du lịch của tỉnh, tạo thành chuỗi kết nối tổng thể, liền mạch, rút ngắn về khoảng cách và thời gian, mở rộng không gian phát triển; khơi thông và thúc đẩy tiềm năng các khu vực động lực, tạo nên một Quảng Ninh thịnh vượng, cực tăng trưởng quan trọng của khu vực phía Bắc Việt Nam.

Song song với việc hoàn thành tuyến giao thông trục chính là cao tốc, tỉnh đã triển khai nhiều công trình giao thông kết nối khác để hình thành chuỗi liên kết vùng như đường nối Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương và Hải Phòng... là những công trình hình thành trên cơ sở hợp tác, phối hợp cùng đầu tư để lan tỏa lợi ích.

Tỉnh sẵn sàng chia sẻ sân bay và cảng biển với Lạng Sơn, Bắc Giang bằng những tuyến đường kết nối mới, chia sẻ cao tốc với vùng đồng bằng Sông Hồng để đến thị trường hơn 1,4 tỷ dân Trung Quốc nhanh hơn. Những công trình của Quảng Ninh là điều kiện, tiền đề để Chính phủ kiến tạo lên hành lang giao thông động lực phía Bắc bằng liên kết trục cao tốc phía Đông.

Hiện tại, Quảng Ninh đang là một trong những địa phương dẫn đầu về tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại bảo đảm liên thông, tổng thể. Điều này góp phần thúc đẩy liên kết vùng, hợp tác hóa lãnh thổ, tạo những hành lang, không gian phát triển mới, được tính toán, cân nhắc với kiến tạo cảnh quan-kiến trúc công trình mang dấu ấn bản sắc địa phương.

Cảng biển Quảng Ninh. (Nguồn: Vietnamnet)

Xây dựng chiến lược dài hạn

Để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới, Quảng Ninh xác định nguồn lực xã hội vẫn sẽ là quan trọng, đột phá để phát triển.

Trên quan điểm đó, từ những kinh nghiệm và thành công đã tạo dựng được, tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới và có nhiều cách làm sáng tạo hơn nữa trong thu hút và sử dụng nguồn lực đầu tư, đảm bảo trọng tâm, trọng điểm và phát huy hiệu quả, để từng công trình, dự án được hoàn thành và đưa vào sử dụng để nâng cao đời sống của nhân dân. Đây cũng là động lực chính cho mục tiêu tăng trưởng và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Cao tốc Vân Đồn-Móng Cái là con đường của khát vọng và niềm tin bởi đã phá thế độc đạo về giao thông của tỉnh. Giờ Quảng Ninh có cao tốc, có đường ven biển, có sân bay".

Trong quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, Quảng Ninh tiếp tục coi trọng nguồn lực đầu tư nước ngoài (FDI), sẽ thực hiện nhiều giải pháp để đưa nguồn lực này trở thành động lực phát triển quan trọng của tỉnh.

Ông Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhiều lần khẳng định rằng: "Quảng Ninh tập trung thu hút đầu tư FDI thế hệ mới có trọng tâm, trọng điểm, tạo thế đan xen thu hút từ Đông Bắc Á. Từ đó, sẽ ưu tiên đối với các dự án FDI thế hệ mới sử dụng ít nguồn lực (ít đất, ít lao động, ít năng lượng, ít gây ô nhiễm); các dự án chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ sạch, có giá trị gia tăng lớn, quản trị hiện đại, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi cung ứng sản xuất và cung ứng toàn cầu..."

Từ định hướng đó, Quảng Ninh xác định tận dụng các cơ hội từ tiềm năng, lợi thế, quyết tâm thu hút được các tập đoàn đa quốc gia, đa ngành, có vai trò dẫn dắt vào những ngành nghề, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh vượt trội, tiềm năng khác biệt.

Trong đó có các ngành du lịch, dịch vụ tổng hợp hiện đại, công nghiệp chế biến - chế tạo, các ngành công nghệ cao, công nghệ thông minh, công nghiệp phụ trợ, kinh tế biển, logistics, năng lượng sạch…

KCN DEEP C Quảng Ninh. (Nguồn: Báo Đầu tư)

Để đẩy mạnh thu hút dòng vốn FDI, Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư, như: Chính sách hỗ trợ và ưu tiên đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) trên địa bàn tỉnh về kinh phí giải phóng mặt bằng, đầu tư hệ thống xử lý nước thải, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động tại các doanh nghiệp thứ cấp trong KCN, KKT, hỗ trợ các doanh nghiệp trong triển khai ứng dụng KHCN sản xuất kinh doanh, hỗ trợ về vốn tín dụng, nâng cao chất lượng dịch vụ công…

Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư năm 2023, trong đó tập trung nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư; xây dựng hình ảnh, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư; hỗ trợ hướng dẫn, tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư…

Về lâu dài, tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu; khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc về quốc phòng-an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế; GRDP bình quân hơn 15.000 USD/người/năm.

Đến năm 2045, sẽ là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế, một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là dịch vụ, du lịch, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, có sức cạnh tranh cao; người dân có mức thu nhập tương đương các nước phát triển; phát triển kinh tế hài hòa giữa các khu vực đô thị và nông thôn; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh.

Với mục tiêu, nhiệm vụ rõ ràng, nền tảng vững chắc sau 60 thành lập; kết hợp với tầm nhìn chiến lược dài hạn, sự quyết liệt, linh hoạt trong công tác chỉ đạo, điều hành của các thế hệ lãnh đạo; cùng những lợi thế so sánh mà thiên nhiên ban tặng, tin tưởng rằng, Quảng Ninh sẽ tiếp tục trở thành "thỏi nam châm" thu hút các nguồn lực để phát triển trong giai đoạn mới.