📞

60 năm, Sverdlovsk vẫn nhớ Bác Hồ

07:05 | 24/08/2015
Mùa hè năm 1955, Bác Hồ đã đến thăm thành phố Sverdlovsk (Nga) và để lại nhiều ấn tượng cùng sự kính trọng cho người dân nơi đây.
Bác Hồ đến thăm nhà máy Uralmash.

Tổng lãnh sự Việt Nam tại Ekaterinburg Vũ Huy Mừng cho biết hằng năm, cứ đến sinh nhật Bác 19/5 hoặc những dịp lễ quan trọng như Quốc khánh 2/9, Tổng lãnh sự quán đều tổ chức kỷ niệm. Các cán bộ ngoại giao, bạn bè Nga thân thiết và cộng đồng người Việt trò chuyện, bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong số hàng trăm câu chuyện, tất nhiên các bạn Nga không quên nhắc lại ký ức được chứng kiến lần đầu tiên Bác đến thăm vùng đất xa xôi này, để rồi nhân dân Sverdlovsk dành tình cảm cho Bác, cho Việt Nam đến tận hôm nay.

Nơi “đất thì giàu, người thì giỏi”

Sau 33 năm từ khi lần đầu đến Liên Xô trong hành trình tìm đường cứu nước, tháng 7/1955, Bác sang thăm chính thức nước bạn trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chuyến thăm diễn ra năm năm sau khi Liên Xô thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (30/1/1950) và chỉ một năm sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc (1954), nhân dân ta tiếp tục chiến đấu để thống nhất đất nước. Lúc này, Hồ Chủ tịch tranh thủ vận động sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, trong đó có các nước anh em đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam.

Sau nhiều hoạt động ở Moscow, Người dừng chân một ngày (12/7/1955) ở thành phố Sverdlovsk, thủ phủ tỉnh Sverdlovsk, vùng Ural, miền Trung nước Nga ngày nay. Mùa hè Sverdlovsk trời hay đổ mưa. Hôm đó, trời cũng mưa rả rích nhưng không ngăn được người dân Sverdlovsk đổ ra đường với cờ hoa, nhiệt liệt chào đón vị nguyên thủ đầu tiên của nước Việt Nam độc lập đến thăm.

“Năm 2007, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Ekaterinburg được thành lập. Cơ quan đại diện đã nỗ lực làm tốt công tác lãnh sự, bảo hộ cộng đồng, thúc đẩy hợp tác song phương, góp phần vào tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Nga cũng như mong muốn của Bác Hồ khi đến thăm Sverdlovsk”. (Tổng lãnh sự Vũ Huy Mừng)

Xúc động trước tình cảm đó, khi vừa đặt chân đến sân bay Koltsovo, Bác đã gửi lời chào mừng thân thiết, lời chúc thắng lợi của nhân dân Việt Nam tới toàn thể nhân dân thành phố. Đó là thời điểm mà người dân Sverdlovsk hiểu rằng trong tim họ có chữ “Việt Nam – Hồ Chí Minh”.

Tại đây, Bác được các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Liên Xô và Sverdlovsk đón tiếp, đưa đi tham quan các nhà máy công nghiệp, nông nghiệp, các tổ hợp sản xuất để học hỏi mô hình quản lý, phát triển nền sản xuất non trẻ của Việt Nam. Những kỹ sư, công nhân nhà máy Uralmash không quên được dáng người thanh tao và đôi mắt tinh anh của Bác khi được kỹ sư trưởng hướng dẫn thăm những phân xưởng sản xuất chính như xưởng rèn, xưởng dập, xưởng chế tạo máy lớn…

Sau đó, Người đến thăm Viện Bảo tàng Địa chất Ural. Tại đây, Bác đã ghi lại ấn tượng của mình trong cuốn sổ lưu niệm. Dòng chữ thiêng liêng đến nay vẫn còn được lưu giữ: “Ural, đất thì giàu, người thì giỏi. Lấy của đất và sức người để xây dựng chủ nghĩa cộng sản”.

Chuyến thăm Liên Xô đã đạt được thành công to lớn. Về kinh tế, Liên Xô viện trợ cho Việt Nam 400 triệu Rúp, giúp khôi phục 25 xí nghiệp quan trọng. Về chính trị, Liên Xô ủng hộ đường lối đấu tranh thống nhất đất nước của dân tộc ta. Đó là một nhân tố quan trọng để Đảng ta và Bác lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi trong công cuộc giải phóng, thống nhất đất nước và tiến bước theo con đường xã hội chủ nghĩa.

60 năm qua, Sverdlovsk nói riêng và vùng Ural nói chung đã thay đổi nhanh chóng. Nếu trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô, nơi đây là hậu phương vững chắc chi viện cho tiền tuyến thì giờ đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nước Nga mới, vùng đất này cũng chuyển mình, mở cửa rộng rãi ra bên ngoài, giữ vững là một trong những vùng công nghiệp mạnh của nước Nga.

Nỗ lực từ hai phía

Ngày nay, thành phố Sverdlovsk đã được đổi tên thành Ekaterinburg, vẫn trực thuộc và là trung tâm hành chính – kinh tế của tỉnh Sverdlovsk. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà sử học nhiều lần đánh giá đây là nơi ghi dấu những hiện thực sống động về quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Lãnh đạo và người dân Ekaterinburg rất quan tâm đến việc phát triển quan hệ với các địa phương của Việt Nam.

Đúng 50 năm sau chuyến thăm của Bác, tháng 12/2005, đoàn đại biểu Ekaterinburg do Thị trưởng Arkadyi Mikhailovich Tchernetskyi dẫn đầu đã đến thăm TP. Hồ Chí Minh để tìm hiểu khả năng hợp tác trong các lĩnh vực như thương mại, du lịch, công nghệ cao, giáo dục, thiết bị y tế… Sau đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải (hiện là Bí thư Thành ủy) cũng đã dẫn đầu đoàn công tác đến Ekaterinburg để mở rộng hợp tác. Ngoài ra, cũng có thể kể đến các chuyến thăm lẫn nhau giữa lãnh đạo tỉnh Sverdlovsk với Hà Nội, Hà Tĩnh, Hà Nam... Tháng 4/2011, Tỉnh trưởng A.Misarin khẳng định ưu tiên thúc đẩy quan hệ giữa hai bên trong lĩnh vực kinh tế, giáo dục, lao động và xuất khẩu hàng hóa.

Ekaterinburg còn phối hợp chặt chẽ với phía Việt Nam trong công tác đào tạo nhân lực. Năm 2012, trường Đại học Tổng hợp liên bang Ural (UrFU- một trong mười trường đại học tốt nhất LB Nga) tiếp nhận đào tạo thạc sỹ cho mười lưu học sinh Việt Nam theo diện Hiệp định giữa hai nhà nước. Năm 2013, UrFU tiếp nhận 11 sinh viên đại học, trong đó có tám lưu học sinh chuyên ngành năng lượng hạt nhân (chuyên ngành Nga hầu như không đào tạo cho sinh viên nước ngoài). Đây là bước đi cụ thể nhằm chuẩn bị nhân lực cho dự án Nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận do Nga trợ giúp cả về vốn và kỹ thuật.

Người Việt tiếp tục giữ lửa

Sống ở nơi mà người dân bản địa lúc nào cũng dành tình cảm kính trọng cho Bác Hồ, cộng đồng người Việt tại Ekaterinburg luôn xem đó là động lực để phấn đấu và vun trồng tình hữu nghị mà Bác đã đặt nền móng.

So với các thành phố khác của Nga, cộng đồng người Việt tại Ekaterinburg hình thành khá muộn (khoảng từ năm 1993) vì trước đó, đây là thành phố quân sự nên người nước ngoài bị cấm hoàn toàn. Sau khi Liên Xô tan rã, những người Việt mới lần đầu tiên đặt chân đến đây (ông Bùi Nghiêm, Nguyễn Cao Kỳ, Vũ Văn Thạch, Hoàng Văn Vinh…). Ban đầu, hoạt động của cộng đồng tương đối vất vả với công việc chính là buôn bán tại khu chợ. Cộng đồng luôn chấp hành nghiêm luật pháp của Nga và dần dần xây dựng được vị thế vững chắc, được người dân bản địa tôn trọng.

Năm 2001, ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Sverdlovsk thành lập Công ty Rồng Vàng (Zolotoi Drakon), tạo tiền đề để đưa hoạt động của cộng đồng người Việt tại Ekaterinburg đi vào khuôn khổ. Công ty phối hợp với chính quyền sở tại để xây dựng tổ hợp trung tâm thương mại Tagansky Ryad và tổ chức cho bà con làm ăn hợp pháp, đầy đủ giấy tờ.

Giai đoạn 2010-2013, cộng đồng người Việt, lãnh đạo Ekaterinburg và Hội hữu nghị Nga-Việt đã quyên góp hàng chục nghìn USD để hỗ trợ người dân miền Trung trong nước khắc phục hậu quả thiên tai.

Đáp lại, kiều bào Việt Nam thường xuyên ủng hộ các bạn Nga trong hoàn cảnh khó khăn. Tháng 7/2012, cộng đồng đã quyên góp 5.000 USD cho tỉnh Krasnoda chịu tổn thất nặng nề sau trận lụt khủng khiếp. Tháng 9/2012, ông Hoàng Văn Vinh đã ủng hộ các cơ sở mẫu giáo ở hai quận của Ekaterinburg 250.000 Rúp (hơn 8.000 USD).

Bất cứ người Việt Nam nào muốn thực hiện một cuộc hành trình theo chân Bác, đừng quên Sverdlovsk-Ekaterinburg của nước Nga. Bởi đây không chỉ là nơi có hình bóng của Người mà còn chứng kiến mong muốn của Bác đang từng ngày trở thành hiện thực. Đó cũng là sự phát triển của cả vùng Ural, là tình cảm khăng khít giữa cộng đồng Việt Nam với nhân dân bản địa.

Nguyên Dũng (tổng hợp)