Câu chuyện một người mẹ bắt con quỳ vì 7 năm là học sinh giỏi mà trường THPT dân lập cũng không nhận khiến dư luận nổi sóng những ngày qua... (Nguồn: VOV) |
Mới đây, dư luận sửng sốt, bất bình với hình ảnh một bà mẹ bắt con gái quỳ giữa sân trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội, chỉ vì con 7 năm học sinh giỏi mà trường THPT dân lập cũng không nhận.
Nhiều người đi đường khựng lại khi nghe tiếng quát lớn vọng ra từ ngôi trường dân lập trên phố Trần Quốc Hoàn (Cầu Giấy, Hà Nội): “Quỳ xuống, mày không quỳ tao đánh chết mày luôn”.
Một vài người lớn thấy vậy lao vào can ngăn.
Người phụ nữ hét lên: "Để yên cho tôi dạy con. 7 năm học sinh giỏi mà giờ đến trường tư người ta cũng không thèm nhận. Hôm nay, tao phải đánh cho mày chết thì thôi”.
Lý do người phụ nữ này có những hành động đó là do con đạt điểm thấp khi thi lớp 10 (32 điểm) trong khi điểm chuẩn vào trường THPT tư thục trên đường Trần Quốc Hoàn được công bố là 40 điểm.
Kỳ vọng quá nhiều nên thất vọng cao
Hành xử với con giữa thanh thiên bạch nhật, giữa chốn đông người như thế có thể thấy người mẹ đang vô cùng bức xúc, thất vọng vì bao ước mơ, hoài bão về con bất ngờ tan biến.
Sự kỳ vọng quá lớn đến khi không đạt được như ý thường làm cho con người ta hụt hẫng, thất vọng, thậm chí bị sốc sẽ dẫn đến mất bình tĩnh và hành xử không đúng.
7 năm con đều đạt học sinh giỏi nhưng điểm thi chỉ đạt 32 điểm (4 môn thi, trong đó có 2 môn nhân hệ số 2). Nghĩa là, mỗi môn thi cô bé chỉ đạt hơn 5 điểm còn chưa tới ngưỡng điểm đầu tiên của loại khá đủ thấy lực học thật sự của cô bé thế nào?
Vì luôn nghĩ rằng con mình có tới 7 năm đạt học sinh giỏi là thật sự giỏi. Nhưng học giỏi lại rớt trường công, đến trường tư cũng không thể vào được khiến người mẹ nổi cơn thịnh nộ.
Nếu như 7 năm học qua, cô bé chỉ là học sinh bình thường thì có lẽ người mẹ đã không thất vọng nhiều đến mức như vậy. Có lẽ đây cũng không phải trường hợp duy nhất khi phụ huynh sốc trước kết quả thi của con.
"Ngành giáo dục cũng cần khách quan nhìn lại một cách công tâm để xảy ra tình trạng học sinh giỏi 7 năm nhưng vào trường công không được, đến cả trường tư vẫn không đủ điểm. Phải chăng, việc đánh giá, xếp loại học sinh hiện nay đang bộc lộ nhiều vấn đề bất cập khi học sinh giỏi nhiều hơn học sinh trung bình, khi trong lớp ai ai cũng là học sinh giỏi?". |
Câu hỏi được đặt ra, vì sao điểm học và điểm thi lại vênh nhau như thế? Một thực tế ở nhiều trường học hiện nay, vì căn bệnh thành tích, vì nạn học thêm tràn lan nên điểm số của học sinh ở trường khá cao đôi khi lại không tỷ lệ thuận với chất lượng học tập.
Cứ vào đầu năm, nhà trường buộc giáo viên ký cam kết thi đua. Chỉ tiêu các môn học luôn đạt ngưỡng cao chót vót.
Bởi thế, giáo viên không thể cho học sinh điểm yếu. Kiểm tra lần 1 chưa đạt thì kiểm tra lần 2 cho đến khi nào đạt điểm trên trung bình mới thôi.
Bên cạnh đó, việc học thêm chủ yếu thầy cô giáo dạy học sinh của mình ở lớp chính khóa. Vì thế, chuyện nhá đề, mớm đề không thể nào tránh khỏi. Đây cũng là nguyên nhân khá nhiều kỳ thi bị lộ đề ngay tại lớp học thêm.
Báo động chất lượng ảo
Dư luận đã từng bức xúc, sục sôi trước hình ảnh gần như cả lớp nhận giấy khen (chỉ duy nhất một em không được) đăng trên mạng xã hội. Có những lớp mà 100% học sinh đều đạt loại giỏi.
Có người nói vui, đạt học sinh giỏi thì nhan nhản, đạt học sinh bình thường mới là điều khó. Phụ huynh thì cứ thấy con đạt loại giỏi là mặc định con mình thật sự giỏi, có biết đâu ai cũng giỏi như con mình.
Chất lượng thật chỉ bị bộc lộ khi học sinh tham gia các kỳ thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp. Minh chứng cụ thể là kỳ thi vào lớp 10 của nhiều tỉnh thành vừa qua, dù điểm tổng kết 3 môn thi của học sinh lớp 9 nhiều trường THCS không có học sinh dưới 5 điểm. Tuy nhiên, điểm chuẩn vào 10 có nhiều trường lấy chưa tới 10, thậm chí chỉ lấy 5 hoặc 6 điểm cho 3 môn thi sau khi đã nhân hệ số. Nghĩa là, mỗi môn thi học sinh chỉ cần 1 điểm, 2 điểm đã đỗ.
Trở lại câu chuyện trên, chúng ta thấy sự hành xử của người mẹ với con như thế là sai, là đáng bị lên án. Vì nóng nảy, người mẹ không nghĩ rằng mình buồn, thất vọng một thì con mình đau khổ và hụt hẫng tới 10. Lẽ ra, trong những lúc như thế, cô bé rất cần sự động viên, an ủi của người thân, hẳn là nỗi đau, sự buồn tủi cũng sẽ vơi đi ít nhiều.
Việc đánh giá học sinh chưa sát, chưa thật không chỉ gây nên sự ảo tưởng, hy vọng ảo cho mọi người mà còn kéo theo biết bao bi kịch xảy ra. Cứ sau mỗi mùa thi, có không ít sĩ tử rơi vào trầm cảm, có người còn tìm đến cái chết để giải thoát khỏi chuyện học.
Chắc hẳn không chỉ mỗi người mẹ này luôn đặt áp lực vào con quá cao để rồi thất vọng như thế. Vì thế, dư luận lên án, trách cứ người mẹ nhưng nhiều bậc phụ huynh khác cũng cần xem lại mình.
Cùng với đó, ngành giáo dục cũng cần khách quan nhìn lại một cách công tâm để xảy ra tình trạng học sinh giỏi 7 năm nhưng vào trường công không được, đến cả trường tư vẫn không đủ điểm. Phải chăng, việc đánh giá, xếp loại học sinh hiện nay đang bộc lộ nhiều vấn đề bất cập khi học sinh giỏi nhiều hơn học sinh trung bình, khi trong lớp ai ai cũng là học sinh giỏi?
Việc áp chỉ tiêu vào từng giáo viên cũng như việc dạy thêm học sinh chính khóa như hiện nay cũng là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng ảo trong ngành giáo dục luôn tồn tại.
*Giáo viên ở Bình Thuận. Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tòa soạn.