Thành phố Điện Biên Phủ rực rỡ cờ hoa chào mừng đại lễ 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - 7/5/1954-7/5/2024. (Ảnh: Đức Minh) |
Nỗ lực phát triển kinh tế, xã hội
Theo ông Nguyễn Xuân Thọ, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thống kê tỉnh Điện Biên, trong nhiều năm, tỉnh Điện Biên duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá. Riêng năm 2022, tỉnh tăng trưởng đứng thứ 2 trong số 14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.
Năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) theo giá so sánh năm 2010 ước đạt 14.912,39 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt khá so với các tỉnh trong khu vực. Quý I/2024, GDRP tỉnh Điện Biên ước tăng 6,07%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 5.813,21 tỷ đồng, tăng 15,63%; tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 777 tỷ đồng, tăng 1,48 lần so với kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn 25,68%, giảm 4,67% so với cùng kỳ năm trước.
Đa phần các ngành, các lĩnh vực duy trì được mức tăng trưởng khá và đều đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế địa phương. Tính theo giai đoạn, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 đạt 6,83%/năm; giai đoạn 2021-2023 đạt 9,33%/năm. GRDP bình quân đầu người tăng từ 39,61 triệu đồng/người/năm (tương đương 1684 USD/người/năm) lên 42,92 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng, giảm dần khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; tăng khu vực công nghiệp - xây dựng; dịch vụ, du lịch.
Điện Biên tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, quy hoạch khu, cụm công nghiệp, điểm tái định cư bảo đảm đồng bộ, hiệu quả; đồng thời coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược của tỉnh. Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn Điện Biên năm 2023 tăng trưởng tích cực, ước tính đạt 18.107,73 tỷ đồng, tăng 19,89% so với cùng kỳ năm trước. Bốn tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 1.067,18 tỷ đồng, tăng 4,35% so với cùng kỳ năm 2023.
Tin liên quan |
Ảnh ấn tượng (29/4-5/5): Đồn đoán mục đích Tổng thống Nga gặp riêng Thống đốc vùng Tula, Ukraine bắn lựu pháo ‘vua chiến trường’, Dải Gaza đổ nát |
Kinh tế không ngừng phát triển, tỉnh chú trọng công tác xoá đói giảm nghèo, an sinh xã hội. Hiện tỷ lệ hộ nghèo tại Điện Biên còn 26,03%, bình quân giảm 4%/năm. Tại các huyện nghèo, huyện 30a, tỷ lệ hộ nghèo giảm 5%/năm.
Theo ông Thọ, bước đột phá của Điện Biên những năm gần đây phải kể đến môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện rõ rệt, huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế tiếp tục tăng cao; thu hút đầu tư có chuyển biến rất tích cực.
Thời gian qua, Tỉnh tích cực kêu gọi, xúc tiến, thu hút đầu tư với sự hiện diện của nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp, trong đó phải kể đến các nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn mạnh hàng đầu cả nước như: VinGroup, Sun Group, FLC Flamingo, Hải Phát... rót vốn vào lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh như du lịch, dịch vụ, nông - lâm nghiệp, bất động sản.
Phát huy thế mạnh
Mảnh đất Điện Biên anh hùng vẫn được biết đến là vùng đất thiêng của Tổ quốc. Điện Biên là địa phương duy nhất có chung đường biên giới với 2 nước Trung Quốc và Lào; có đường hàng không đến Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và đã được Chính phủ cho phép mở đường bay quốc tế tới một số nước trong khu vực như: Lào, Campuchia, Myanmar.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, miền hoa ban hôm nay vẫn lưu giữ những dấu tích đáng nhớ của chiến dịch Điện Biên Phủ ngày nào, như Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, di tích Đồi A1... Đây cũng là một trong những yếu tố giúp tỉnh tập trung phát triển du lịch - một hình thức phát triển kinh tế mang tính mũi nhọn của địa phương.
Năm 2023, du lịch tỉnh Điện Biên đã đón trên 1 triệu lượt khách, doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 1.750 tỷ đồng, góp phần nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân.
Theo ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, Điện Biên có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, là nơi có các di tích quốc gia đặc biệt. Cùng đó là bản sắc văn hóa của 19 dân tộc, với nhiều nét độc đáo; danh lam thắng cảnh đẹp... Đây là những tiềm năng lớn để khai thác du lịch với 3 trụ cột chính là du lịch lịch sử, tâm linh; du lịch văn hóa, bản sắc các dân tộc và du lịch thể thao, nghỉ dưỡng, kết hợp danh lam thắng cảnh.
Điện Biên cũng chú trọng mời gọi đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng, cung cấp các sản phẩm mới về du lịch, nhất là khai thác tốt đường bay từ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến mở các đường bay mới từ các tỉnh đến Điện Biên, trong đó đặt mục tiêu trong năm 2024 sẽ mở được ít nhất một đường bay nội địa từ Đà Nẵng hoặc Khánh Hòa, tiến tới mở các đường bay thẳng từ quốc tế đến Điện Biên.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và các hoạt động của Năm Du lịch quốc gia, lượng du khách đổ về tỉnh Điện Biên đã tăng mạnh. Dù các hãng liên tục tăng tần suất khai thác nhưng các chuyến bay giữa Hà Nội - Điện Biên đã hết sạch vé, các chuyến bay từ TP Hồ Chí Minh còn rất ít vé một chiều.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Điện Biên đón khoảng gần 10.000 lượt du khách từ mọi miền đổ về. Riêng trong ngày dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, tại các điểm di tích có số lượng du khách tăng đột biến với khoảng 11.000 người.
Năm Du lịch quốc gia Điện Biên 2024 là sự kiện văn hóa - kinh tế - xã hội quy mô lớn, gắn với kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024). Điện Biên dự kiến đón 1,3 triệu lượt khách trong năm nay.
Cảng hàng không Điện Biên Phủ. (Nguồn: Báo Giao thông) |
3 đột phá, 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 xác định quan điểm: Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng trung du miền núi phía Bắc. Phát triển nhanh gắn liền với tăng trưởng xanh, hiệu quả và bền vững; nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số và tăng cường năng lực tiếp cận Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong sản xuất.
Tập trung đầu tư có trọng điểm vào những ngành, lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh với nông, lâm nghiệp là nền tảng; xây dựng là động lực và du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn dựa trên 3 trụ cột chính là du lịch lịch sử - văn hóa, du lịch sinh thái, khám phá cảnh quan thiên nhiên và du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đó tỉnh Điện Biên quyết tâm thực hiện 3 đột phá phát triển là: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội và ứng dụng khoa học - công nghệ; đổi mới sáng tạo gắn với phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”. Đồng thời, tỉnh tập trung triển khai thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:
Một là, tiếp tục tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.
Hai là, tập trung phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết các phân khu đô thị, quy hoạch nông thôn mới làm cơ sở để thu hút, mời gọi các nhà đầu tư đến với tỉnh.
Ba là, tiếp tục phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, dựa trên 3 trụ cột chính: Du lịch lịch sử, tâm linh; du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên; du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe.
Bốn là, tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng hoàn thiện các cơ chế, chính sách thông thoáng, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại… Tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ số hóa để phát triển kinh tế số, chính quyền số, xã hội số.
Năm là, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế; tập trung bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ…
Sáu là, tiếp tục đổi mới căn bản giáo dục - đào tạo để nâng cao chất lượng giáo dục.
Bảy là, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, tiếp tục rà soát, bổ sung và hoàn thiện chính sách tuyển dụng, thu hút, đãi ngộ đối với nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác tại tỉnh.
Tám là, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự địa phương. Xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh toàn diện; bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng chống các loại tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự.
Bức tranh kinh tế, văn hóa, xã hội của Điện Biên hôm nay mang những gam màu tươi sáng. Giấc mơ về một Điện Biên đổi mới, phát triển giàu mạnh đang đến thật gần.
| Chiến thắng Điện Biên Phủ: Ý chí, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh Cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cánh đồng Mường Thanh - chiến ... |
| Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Ba cựu binh Pháp xúc động quay lại chiến trường xưa Ba cựu binh đều đã ngoài 90 tuổi, ấn tượng với sự đón tiếp của người dân Điện Biên. Họ đã thăm Bảo tàng Chiến ... |
| Chuyện về kỷ vật của Bác Hồ tại chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm đã đi qua, nhưng Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn mãi mãi là một bản anh hùng ca về tinh thần, ý chí, ... |
| Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến dịch Điện Biên Phủ Trong lịch sử quân sự thế giới có lẽ hiếm có người nào xuất thân từ thầy giáo dạy sử, chưa từng kinh qua trường ... |
| Điện Biên Phủ tưng bừng cờ hoa đón đại lễ mừng 70 năm ngày chiến thắng Càng gần ngày kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, khắp phố phường Điện Biên được nhuộm màu cờ đỏ sao vàng, sắc ... |