Dự án cải tạo các tuyến đường sẽ cải thiện khoảng 300km đường chưa được lát đá và những con đường khó đi tại sáu tỉnh miền núi... |
Khả năng tiếp cận thị trường, các dịch vụ về y tế, giáo dục cũng như các dịch vụ khác tại Việt Nam còn hạn chế là thách thức lớn đối với việc phát triển kinh tế xã hội ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam, nơi có khoảng 30% dân số sống trong cảnh nghèo khó.
Chính phủ đã xác định được việc thiếu cơ sở hạ tầng nông thôn ở khu vực này đang là trở ngại trong việc đạt được các mục tiêu giảm nghèo. Khoản cho vay này sẽ hỗ trợ những nỗ lực của Chính phủ cải thiện kết nối giữa các cộng đồng nông thôn miền núi và các tuyến quốc lộ chính của quốc gia và với hành lang Tiểu vùng Mê-kông Mở rộng.
Dự án cải tạo các tuyến đường sẽ cải thiện khoảng 300km đường chưa được lát đá và những con đường khó đi tại sáu tỉnh miền núi. Hầu hết các con đường thuộc dự án cải tạo đều nằm ở những khu vực dễ bị thiên tai như lở đất, lũ quét,… Dưới tác động của biến đổi khí hậu, những con đường này đều đang bị xuống cấp trầm trọng.
Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, ông Tomoyuki Kimura nhận định, việc rút ngắn khoảng cách phát triển và tăng cường khả năng tiếp cận tới thị trường và các dịch vụ xã hội, cải thiện sự kết nối với các cộng đồng dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa là rất cần thiết. Kết nối bằng các tuyến đường với chất lượng tốt hơn, an toàn hơn và nhanh hơn sẽ không chỉ làm giảm sự cô lập của các tỉnh này mà còn mang lại nhiều cơ hội thương mại và đầu tư, về cơ bản sẽ giúp giảm nghèo, hỗ trợ phát triển đồng đều và bền vững ở các tỉnh vẫn còn đang chịu nhiều thiệt thòi.
Dự án sẽ do Ủy ban Nhân dân tỉnh tại sáu tỉnh miền núi thực hiện, Bộ Giao thông vận tải đóng vai trò điều phối. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào tháng 12 năm 2016.
Ngoài ADB, Quỹ Phát triển Bắc Âu cũng cung cấp một khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 2 triệu euro nhằm xây dựng các biện pháp phòng chống thiên tai trong việc thiết kế cải tạo đường xá.
Lan Anh