1. Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc Diễn ra từ ngày 18-24/10, không chỉ quan trọng đối với nội bộ Trung Quốc mà còn có ảnh hưởng đến cục diện chính trị quốc tế. Đại hội nhất trí đưa tư tưởng “Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới” vào Điều lệ Đảng; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình khẳng định vị trí “Lãnh đạo hạt nhân”. Đại hội cũng đưa ra chiến lược đến năm 2050, Trung Quốc trở thành cường quốc xã hội chủ nghĩa thịnh vượng, hùng mạnh, xác lập vai trò tại khu vực và thế giới. |
2. Năm sóng gió của ông Trump Trong năm cầm quyền đầu tiên, Tổng thống Donald Trump quyết liệt thực thi chính sách “Nước Mỹ trên hết” và đưa ra những điều chỉnh chính sách đối nội và đối ngoại mạnh mẽ như: ký sắc lệnh nhập cư; xây bức tường biên giới với Mexico; rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Paris về ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy sáng kiến Ấn Độ - Thái Bình Dương… Ông Trump cũng công bố Chiến lược An ninh quốc gia mới, đề cao việc bảo vệ đất nước và tăng cường ảnh hưởng trên thế giới. Ông Trump đã ghi điểm trong lĩnh vực kinh tế: tăng trưởng kinh tế Mỹ trong hai quý cuối năm đạt trên 3%, tỷ lệ thất nghiệp còn 4,1% vào tháng 11 - thấp nhất trong vòng 17 năm. Ngoài ra, qua các chuyến công du của ông Trump tới nhiều nước Á - Âu, trong đó có Việt Nam, Washington đã tăng cường quan hệ với các đồng minh và đối tác, đưa hàng tỷ USD cùng hàng triệu việc làm về nước. Tuy nhiên, mức tín nhiệm của người dân Mỹ đối với ông Trump giảm ở mức kỷ lục, còn 35%, theo kết quả thăm dò dư luận do CNN công bố ngày 19/12. |
3. Lò lửa Triều Tiên ngày càng nóng Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên leo thang khi Bình Nhưỡng liên tiếp 16 lần thử tên lửa, trong đó có tên lửa liên lục địa với khả năng vươn tới các vùng lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương. Đặc biệt, ngày 3/9, Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 trong năm 2017 với loại bom nhiệt hạch có sức công phá được cho là mạnh gấp 10 lần quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshima (Nhật Bản) trong Thế chiến II. Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua bốn nghị quyết tăng cường trừng phạt Triều Tiên. Tuy nhiên, việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên vẫn bế tắc. |
4. IS bị đánh bại ở Iraq và Syria Cuộc chiến khốc liệt kéo dài gần bốn năm chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria và Iraq, với sự can dự mạnh mẽ của Nga và Mỹ, thắng lợi vang dội. Tuy nhiên, chiến thắng này không đồng nghĩa với việc loại bỏ được mối đe dọa mà IS gây ra khi chúng đang tìm cách đặt các căn cứ mới, sử dụng các biện pháp tấn công khủng bố mới và tiếp tục truyền bá tư tưởng cực đoan. Thực tế, IS đã thực hiện hàng loạt vụ khủng bố đơn lẻ, đẫm máu bằng xe tải, nổ bom tự chế hay xả súng ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có các nước Mỹ, Anh, Pháp, Thụy Điển, Ai Cập… |
5. Ông Macron trở thành Tổng thống Pháp Giành chiến thắng áp đảo trước ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen, ông Emmanuel Macron, 39 tuổi, trở thành Tổng thống trẻ nhất trong lịch sử nước Pháp. Các chuyên gia nhận định, chiến thắng của ông Macron có ý nghĩa to lớn khi nó loại bỏ nguy cơ Pháp rời Liên minh châu Âu (EU), đồng thời ngăn chặn xu hướng dân tộc cực hữu ở lục địa già. Ông Macron cùng nhiều gương mặt lãnh đạo trẻ xuất hiện trên chính trường các nước thành viên EU như Thủ tướng Sebastian Kurz 31 tuổi của nước Áo, hay Thủ tướng Leo Varadkar 38 tuổi của Ireland, được hy vọng mang đến sức sống mới cho một châu Âu đang đối mặt với nhiều thách thức lớn về nhập cư, nạn thất nghiệp… |
6. Khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh Đây là cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn chưa từng có kể từ khi Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) được thành lập năm 1981, gây lo ngại về ổn định trong khu vực vốn có nhiều phức tạp về lịch sử, tôn giáo, tranh giành ảnh hưởng... Cáo buộc Qatar ủng hộ các tổ chức khủng bố, can thiệp vào công việc nội bộ gây mất an ninh và ổn định tại các nước trong khu vực, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, Ai Cập cùng một số quốc gia Arab cắt/hạ quan hệ ngoại giao, đồng thời thực thi các biện pháp phong tỏa kinh tế với Qatar. |
7. Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô Israel Quyết định ngày 6/12 của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem đánh dấu sự thay đổi chính sách của Washington sau gần 70 năm. Nhiều nhận định cho rằng đây là bước đi nguy hiểm của Mỹ, đe dọa hủy hoại tiến trình hòa đàm Trung Đông, làm dấy lên lo ngại làn sóng bạo lực mới tại khu vực có thể bị các tàn dư khủng bố al-Qaeda và IS lợi dụng để gieo rắc tư tưởng cực đoan và tuyển mộ chiến binh nhằm tấn công các mục tiêu thân Mỹ. Ngày 21/12, 128 nước thành viên LHQ đã bỏ phiếu ủng hộ Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ, kêu gọi Mỹ rút lại quyết định trên. |
8. Chính trường Đức chao đảo Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của bà Merkel tuy giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 9, nhưng sau đó lại bị chính những đảng phái từng ủng hộ “quay lưng” khiến cho việc thành lập Chính phủ liên minh đến nay vẫn là “nhiệm vụ bất khả thi”. Các chuyên gia cho rằng nhiều khả năng nước Đức sẽ phải tiến hành bầu cử lại vào đầu năm 2018. Khi đó, người ta lo ngại đảng cực hữu AfD vốn ủng hộ chủ nghĩa dân tộc cực đoan, sẽ có cơ hội củng cố vị thế và khiến sự chia rẽ trong EU ngày càng rõ hơn. |
9. Kinh tế toàn cầu khởi sắc Bất chấp những tác động không thuận như xu hướng bảo hộ, kinh tế thế giới tăng trưởng cao nhất trong 5 năm qua, đạt 3,6%; thương mại toàn cầu tăng 4,2%, mức kỷ lục trong 10 năm. Đà tăng trưởng này cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục trong năm 2018 (theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế là 3,7%). Các thị trường chứng khoán toàn cầu cũng khởi sắc, điển hình là thị trường chứng khoán Mỹ liên tục phá vỡ các kỷ lục, trong đó chỉ số Dow Jones lần đầu tiên trong lịch sử vượt đỉnh 24.000 điểm. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của khoa học – công nghệ, kinh tế số phát triển nhanh với việc nhiều quốc gia chuyển từ “xem nhẹ” sang chủ động tiếp cận và trở thành đầu tàu vận hành cuộc chơi mới để giành lợi thế. |