Hình ảnh mới nhất của Á hậu Hoàng Thùy trong thời gian chuẩn bị cho Miss Universe 2019. (Nguồn: Facebook nhân vật) |
Khởi động từ ngày 2/5, Cuộc thi "Tuyển chọn trang phục dân tộc cho đại diện Việt Nam tại Miss Universe 2019" do trang web Miss Universe Vietnam tổ chức đã thu hút đông đảo thí sinh tham gia, trong đó nhiều bài thi thể hiện sự sáng tạo, độc đáo, đồng thời tôn vinh nét đẹp văn hóa Việt Nam.
Chủ đề cuộc thi năm nay là Tinh hoa Việt Nam cùng với đề cử đại diện Việt Nam tại Miss Universe là Á hậu Hoàng Thùy.
Với bề dày văn hóa lịch sử lâu đời, cùng 54 dân tộc anh em trải dài trên khắp đất nước, Ban Tổ chức mong muốn Hoàng Thùy sẽ mang một bộ trang phục dân tộc đặc sắc, thể hiện tinh thần, vẻ đẹp Việt Nam thời đại mới, tiếp nối thành công của Nàng Mây, Hồn Việt và Bánh Mì.
Qua chủ đề "Tinh hoa Việt Nam", sự sáng tạo của các thí sinh sẽ được phát huy tối đa, mở rộng thêm nguồn cảm hứng ở những nét đẹp văn hóa mới, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
H'Hen Niê từng gây ấn tượng mạnh với trang phục truyền thống Bánh Mì tại Miss Universe 2018. (Nguồn: Youtube) |
Đến với cuộc thi năm nay, các thí sinh có sự phá cách và sáng tạo nổi bật. Đặc biệt, phần lớn các bài dự thi đều chú trọng đến yếu tố độc đáo và kỹ năng trình diễn trên sân khấu, tạo sự bất ngờ cho khán giả mà không còn đơn thuần là một bộ trang phục đẹp như trước.
Nếu như tại Miss Universe 2018, đại diện Việt Nam là H'Hen Niê đã gây ấn tượng mạnh với trang phục bánh mì, thì năm nay công chúng cũng chờ đợi sự xuất hiện mới mẻ của Á hậu Hoàng Thùy. Theo như chia sẻ của Á hậu Hoàn vũ Việt Nam, cô hy vọng bộ trang phục sẽ hội tụ các yếu tố về thẫm mĩ, độc đáo, sáng tạo nhưng phải thể hiện được văn hóa, bản sắc dân tộc Việt Nam.
Cùng ngắm một số thiết kế nổi bật tại Cuộc thi: (Nguồn: Miss Universe Vietnam)
Lấy cảm hứng từ loại phương tiện di chuyển truyền thống Việt Nam, bài thi "Xe Xích Lô" của Nguyễn Quốc Việt gợi lên hình ảnh một Việt Nam xưa cũ giữa sự phát triển ngày càng hiện đại của cuộc sống. Xích Lô từng là biểu tượng một thời ở các thành phố lớn Việt Nam, ngày nay đó là phương tiện được nhiều khách du lịch yêu thích vì ngồi trên xe có thể nhìn ngắm đường phố đúng chất Việt Nam nhất. |
Bài thi Chọi trâu của Nguyễn Đăng Tùng gây ấn tượng khi thể hiện cách điệu chiếc đầu trâu đặt ở phần ngực, kết hợp đôi boot cổ cao và tóc búi tròn với màu chủ đạo là đỏ vàng – màu cờ Việt Nam. Lấy ý tưởng từ lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn, Hải Phòng, một trong những lễ hội truyền thống lâu đời ở Việt Nam, bài thi mang đậm yếu tố tín ngưỡng, qua đó quảng bá một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Việt Nam. |
Chọn trang phục áo dài Nhật Bình được sử dụng cho bậc phi tần xưa làm cảm hứng chủ đạo, "Quốc sắc mẫu nghi" của Nguyễn Văn Toàn mang vẻ đẹp phá cách, thể hiện sự uy quyền của bậc mẫu nghi thiên hạ, nhưng vẫn mang hơi thở hiện đại, phóng khoáng. Chất liệu dân tộc quen thuộc như nón quai thao, áo dài… cũng góp phần khiến bài thi thêm nổi bật. |
Cafe phin là hình thức pha chế café bình dân và đại chúng của Việt Nam. Trong đó, Cafe phin sữa đá là thức uống được chấp nhận bởi nhiều lứa tuổi, giới tính… và từ lâu đã thu hút sự quan tâm của bạn bè quốc tế. Đó là lý do mà Trần Nguyễn Minh Đức đến cuộc thi với mong muốn giới thiệu văn hóa uống cà phê của Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Bài thi đề cao yếu tố trình diễn với phần bật công tắc và rút dây xõa váy, tạo hiệu ứng giọt cà phê rơi xuống. |
Từ câu chuyện truyền thuyết "Thánh Gióng" quen thuộc của người dân Việt Nam, Trương Kiều Vi đã tái hiện thành bài thi Gióng với hình ảnh tre làm nòng cốt, phối giữa màu xanh và vàng. Vẻ đẹp nữ quyền được thể hiện rõ qua phần lưng có hai con ngựa trời khổng lồ, cùng chiếc gậy tre và phần váy choàng bằng tre. "Đâu chỉ có đàn ông mới trở thành anh hùng cứu nước, phụ nữ cũng có thể!" là thông điệp mà Kiều Vi muốn gửi gắm qua bài thi này. |
"Ngọc Ngà Sắc Việt" của Nguyễn Thị Yến Nhi là lăng kính thu nhỏ nét đẹp Việt Nam trên mọi miền tổ quốc, từ nét cổ kính bình dị qua khung dệt vải, ruộng bậc thang, chùa một cột đặc trưng của miền Bắc, đến sự hiện đại, sôi động, kiêu sa của miền Nam với những tòa nhà cao tầng như Landmark 81, Bitexco Financial Tower, chợ Bến Thành, nhà thờ Đức Bà. Chỉ gói gọn trên một bản vẽ nhưng tất cả những nét đẹp văn hóa Việt Nam đều được thể hiện một cách khéo léo và tỉ mĩ, xứng đáng để trở thành trang phục dân tộc cho đại diện Việt Nam tại Miss Universe 2019. |
"Hoa sen là loài hoa phổ biến và là Quốc hoa của Việt Nam. Vì thế, ý tưởng được lấy từ hoa sen cách điệu qua các thời kì khác nhau. Tạo nên sự phong phú của hoa sen và tôn vinh cái đẹp của người Việt Nam." |
Hình tượng “Tiên nữ cưỡi rồng” là một hình ảnh quen thuộc trong văn hóa Việt Nam nói chung và Đạo mẫu Việt Nam nói riêng, được sử dụng trong nhiều loại hình nghệ thuật như tạo hình nhân vật múa rối nước, hát hầu đồng, điêu khắc, kiến trúc, hội họa. Kết hợp biểu tượng rồng vàng thời Lý để tăng thêm sự uy quyền của nhân vật và nét đặc trưng của Việt Nam. |
Lấy cảm hứng thời Âu Lạc “Hùng Vương” để đem nguồn cảm hứng lên trang phục, được nhấn thêm chi tiết hoa văn thời hùng lên trang phục dân tộc, mỗi chi tiết nhỏ đến lớn đều mang một ý nghĩa câu chuyện để làm nên bộ trang phục “National Costume” hoàn chỉnh, tôn vinh sự mạnh mẽ hay linh hồn của con người Việt Nam trên đấu trường Quốc tế. |
Lụa không đơn thuần chỉ một loại vải, đó là tinh hoa của cả dân tộc Việt Nam, hàng ngàn năm tấm lụa ấy chiếm một vị trí không thể nào quên của một người con đất Việt. Tình yêu của tấm lụa gợi nhắc đến hình ảnh những cô gái Bắc với chiếc áo tứ thân, nón quai thao. Tuy vậy, những hình ảnh ấy đơn sơ, giản dị ấy đã đi vào tiềm thức và luôn lắng đọng trong lòng người Việt. |