Ảnh minh họa. (Nguồn: EAF) |
Kể từ khi bước sang thế kỷ 21, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã trở thành trọng tâm tư duy chiến lược của Ấn Độ. Chính sách "Hành động phía Đông" mà Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi công bố vào cuối năm 2014 đã củng cố cho mục tiêu này. Trong chuyến thăm gần đây đến Mông Cổ, Australia và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, ông Modi đã nhấn mạnh rằng, số phận của Ấn Độ được gắn liền với tương lai của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Phản ứng của phương Đông
Ấn Độ có thể sử dụng vị thế toàn cầu ngày càng tăng của mình để củng cố các mục tiêu kinh tế ở phía Đông. Ở đây, sự bành trướng sức mạnh quân sự của Trung Quốc cùng tiến trình tái cân bằng của Mỹ đang buộc các cường quốc khu vực như Australia và Nhật Bản phải xem xét lại, cũng như tái định hình các ưu tiên an ninh quốc gia. Với tốc độ tăng trưởng gần đây và sức mạnh trên biển của Ấn Độ, các nước như Nhật Bản, Philippines và Australia đã ủng hộ các ý định của New Delhi muốn tăng cường vai trò trong khu vực, dẫn đến việc Ấn Độ tăng cường các cam kết hàng hải với Nhật Bản, Australia và Indonesia trong năm 2015.
Sự nhiệt tình của Ấn Độ trong phát triển các mối quan hệ hải quân đã được củng cố bởi sự cạnh tranh chiến lược của Ấn Độ với Trung Quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh Bắc Kinh làm gia tăng sự bất ổn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tốc độ thực hiện chính sách kinh tế hướng Đông của New Delhi đã bị chậm lại đáng kể.
Nhật Bản và Australia, vốn đang đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng, sẵn sàng đón nhận Ấn Độ như một đối tác chiến lược trong khu vực. Cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd từng nói rằng, Ấn Độ có thể tham gia các tổ chức kinh tế chủ chốt ở khu vực như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Tương tự, các quốc gia Đông Á cũng mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế với Ấn Độ.
Thúc đẩy giao thương
Tuy nhiên, có một mối lo ngại là kể từ năm 2012, thị phần thương mại của Ấn Độ với các quốc gia nổi bật ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Nhật Bản, Australia và các nước ASEAN đã giảm đáng kể. Quan hệ đối tác thương mại của Ấn Độ với Australia, Việt Nam, Nhật Bản và những quốc gia khác trong khu vực vẫn còn chưa phát triển mạnh. Xuất khẩu của Nhật Bản vào Ấn Độ tiếp tục đối mặt với các rào cản thuế quan của nước này.
Việc phát triển cơ sở hạ tầng biên giới tại các cửa khẩu giao thương giữa Ấn Độ và Myanmar - cửa ngõ đưa Ấn Độ vào Đông Nam Á - sẽ giúp cải thiện quan hệ thương mại giữa Ấn Độ và các nước ASEAN. Tuy nhiên, sự phân bổ ngân sách của Ấn Độ nhằm phát triển cơ sở hạ tầng cho năm tài chính 2016-2017 đã bị cắt giảm hơn 30% so với năm tài chính trước đó có thể hạn chế nỗ lực này.
Nhiều khả năng trong thời gian tới, Ấn Độ sẽ tham gia các thỏa thuận an ninh hàng hải lớn hơn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời tăng cường quan hệ kinh tế với khu vực này. Thủ tướng Modi có thể yêu cầu chính phủ của ông hoàn tất thỏa thuận thương mại vốn đang bị trì hoãn với Australia trước khi diễn ra vòng đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (RCEP) lần thứ 12 ở thành phố Perth, miền Tây Australia, vào tháng Tư tới.
Với việc New Delhi đặt trọng tâm vào hợp tác kinh tế, Ngoại trưởng Ấn Độ cho rằng, việc kết nối và phát triển là rất quan trọng. Để cải thiện thương mại với các nước, New Delhi cần đẩy nhanh các dự án cầu cảng và giao thông đường bộ kết nối đến Myanmar và Thái Lan, đồng thời giải quyết các vấn đề về thuế quan.
Ấn Độ chắc chắn sẽ tìm kiếm vai trò chủ chốt trong khu vực. Khi trở thành một cường quốc khu vực hàng đầu cùng với Trung Quốc, New Delhi cần tận dụng tốt hơn các mối quan hệ ngày càng tăng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương để củng cố các mối liên kết kinh tế.