Khi trao giải Nobel Văn học 2021, Ủy ban Nobel Văn học (thuộc Viện Hàn lâm Thụy Điển) đã ca ngợi các tác phẩm của Abdulrazak Gurnah là sự thâm nhập không khoan nhượng và nhân ái của ông đối với những ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân và số phận của những người tị nạn trong hố sâu ngăn cách giữa các nền văn hóa và lục địa....
Tiểu thuyết bao trùm chủ đề lưu vong
Lấy bối cảnh ở bờ biển Đông Phi, Memory of Departure - cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Abdulrazak Gurnah được viết năm 1988 kể về một chàng trai trẻ đang đấu tranh dưới chế độ độc tài trước khi được gửi đến sống với một người chú giàu có ở Kenya.
Nhà văn Abdulrazak Gurnah. (Nguồn: Getty Images) |
Tác phẩm được coi như một nghiên cứu hấp dẫn về cuộc đấu tranh của một người đàn ông để tìm ra mục đích cho cuộc đời mình và một bức chân dung đầy ám ảnh về một xã hội truyền thống đang sụp đổ dưới sức nặng của nghèo đói và sự thay đổi nhanh chóng.
Tiếp đó, Paradise ra đời năm 1994 được lọt vào danh sách rút gọn cho Giải thưởng Booker năm 1994. Cuốn tiểu thuyết này mở màn ở Đông Phi trước Thế chiến I theo chân cậu bé 12 tuổi Yusuf - người đã bị giao cho một thương gia giàu có làm đầy tớ. Xuyên suốt cuốn sách, Yusuf kể lại những chuyến du ngoạn xuyên lục địa cùng với cuộc sống tự nhiên, các bộ tộc khác và những mối đe dọa mà họ gặp phải.
Admiring Silence (1996) lại kể về một người đàn ông chạy trốn khỏi Zanzibar vào những năm 1960 để đến Anh - nơi anh ta phải lòng một phụ nữ Anh và bắt đầu một gia đình.
Khi chiến đấu với sự phân biệt chủng tộc, anh ấy cũng phải vật lộn với bản thân vì những nỗ lực của mình để hòa nhập. Ở đây, tác giả miêu tả khéo léo nỗi thống khổ của một người đàn ông bị mắc kẹt giữa hai nền văn hóa. Mỗi nền văn hóa sẽ khiến anh không có liên kết với nền văn hóa khác.
Những tác phẩm sau này của Abdulrazak Gurnah như By the Sea (2001), Desertion (2005), Gravel Heart (2017)... cũng bao trùm chủ đề về người tị nạn.
Đó là khi nhân vật tìm thấy nơi ẩn náu của riêng mình trong tình bạn đẹp, những câu chuyện tình yêu nghiệt ngã đan xen, hay những vết thương lòng khi gia đình tan vỡ...
Ngay cả những nhân vật phụ trong tiểu thuyết của ông cũng có những lịch sử với trí tưởng tượng giàu có, phản ánh những tương tác nhỏ nhất của họ cũng khiến thế giới trở nên đặc biệt.
Một nhà văn phi thường
Sinh năm 1948, lớn lên ở Zanzibar, Abdulrazak Gurnah đã trải qua cuộc cách mạng năm 1964 và buộc phải chạy trốn khỏi đất nước khi mới 18 tuổi.
Mặc dù tiếng Swahili là ngôn ngữ đầu tiên của ông ấy, nhưng tiếng Anh trở thành công cụ để ông sáng tác văn học. Sau này, ông đã trở thành giáo sư tiếng Anh và văn học hậu thuộc địa tại Đại học Kent, cho đến khi nghỉ hưu.
Như vậy, sau 35 năm, Abdulrazak Gurnah là người gốc Phi tiếp theo đoạt giải Nobel Văn học kể từ sau khi nhà văn Wole Soyinka (người Nigeria) được vinh danh năm 1986.
Dành nhiều lời khen ngợi cho tiểu thuyết gia gốc Phi, Chủ tịch Ủy ban Nobel Anders Olssonnói rằng ông rất vinh dự khi được trao giải thưởng này và cảm thấy “thật là choáng ngợp và vô cùng tự hào”.
Những tác phẩm của nhà văn Abdulrazak Gurnah. (Nguồn: Getty Images) |
Biên tập viên Alexandra Pringle tại Bloomsbury cũng nhận định chiến thắng của Abdulrazak Gurnah là “xứng đáng nhất” đối với một nhà văn trước đây chưa được công nhận xứng đáng.
Alexandra Pringle cho biết Abdulrazak Gurnah luôn viết về sự dịch chuyển, nhưng theo “những cách đẹp nhất và ám ảnh nhất về những gì mà con người nâng đỡ và thổi bay họ trên khắp các lục địa”.
Bà nói: “Ông ấy là một trong những nhà văn châu Phi vĩ đại nhất còn sống và chưa từng ai biết về ông ấy. Văn của ông ấy đặc biệt đẹp và nghiêm túc, đồng thời cũng hài hước, tử tế và nhạy cảm. Ông là một nhà văn phi thường viết về những điều thực sự quan trọng. Và thật tốt, giờ ông đã đoạt giải Nobel rồi”.
Chủ tịch Ủy ban Nobel Anders Olsson cũng cho rằng: “Trong vũ trụ văn học của Abdulrazak Gurnah, mọi thứ đều thay đổi từ ký ức, tên tuổi, danh tính... Sự khám phá không ngừng thúc đẩy bởi niềm đam mê trí tuệ hiện diện trong tất cả các cuốn sách của ông ấy”.