Đại sứ Anh Gareth Ward và diễn viên Bảo Thanh. |
Ngày 30/7, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam đã khởi động chiến dịch truyền thông về phòng, chống mua bán người trên một số tuyến xe buýt và nhà chờ xe buýt tại Thủ đô Hà Nội trong tháng 8/2019.
Nhân ngày Thế giới phòng, chống mua bán người 30/7, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam đã khởi động chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của nạn mua bán người và kêu gọi nhiều hơn nữa các hành động quốc tế để chống lại vấn nạn này.
Tham dự sự kiện có Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward, các cán bộ cao cấp của Bộ Nội Vụ Anh, diễn viên Bảo Thanh và cán bộ Đại sứ quán Anh.
Tại buổi lễ, Đại sứ Gareth Ward đã nhấn mạnh: “Mặc dù nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của mua bán người và nô lệ hiện đại đang tăng lên, nhưng chúng ta cần nỗ lực hơn nữa, cả trong phạm vi quốc gia và trong bối cảnh quốc tế để cùng đấu tranh chống lại vấn nạn này. Chúng ta cần người dân nhận thức được những rủi ro mà họ sẽ gặp phải, nếu bị dụ dỗ bởi các băng, nhóm tội phạm nghiêm trọng. Chúng ta cần các Chính phủ phải hành động để bắt giữ và khởi tố tội phạm, cũng như cần bảo vệ và hỗ trợ các nạn nhân.”
Với vai trò khách mời trong buổi lễ, nữ diễn viên "Về nhà đi con" Bảo Thanh cũng bày tỏ quan điểm “Vấn nạn mua bán người gây tổn thương những người có hoàn cảnh khó khăn và dễ bị tổn thương nhất. Họ được hứa hẹn có một cuộc sống tốt đẹp hơn nhưng thực tế lại rất khác. Đừng để những người thân của bạn rơi vào tay của các băng, nhóm tội phạm này”.
Chiếc xe buýt số 107 mang thông điệp phòng, chống nạn mua bán người. |
Với nội dung “Ai cũng có thể là nạn nhân mua bán người. Nếu nghi ngờ, hãy trình báo”, thông điệp này sẽ được treo trên một số tuyến xe buýt và nhà chờ xe buýt tại Thủ đô Hà Nội trong tháng 8/2019.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), ước tính hiện có ít nhất 21 triệu nạn nhân lao động cưỡng bức, trong đó có rất nhiều phụ nữ và trẻ em. Các nước Đông Nam Á và Việt Nam cũng nằm trong mục tiêu của các băng, nhóm tội phạm nghiêm trọng, có tổ chức.
Rất nhiều trong số các băng nhóm tội phạm này núp bóng dưới hình thức là các Trung tâm tuyển dụng và môi giới lao động trong khu vực Đông Nam Á và Việt Nam. Vì vậy, chính phủ các quốc gia cần tiếp tục đẩy mạnh quản lý nhà nước và tăng cường kiểm soát các đơn vị tuyển dụng lao động, nhằm ngăn chặn các hành vi phi đạo đức, đồng thời, cân nhắc ban hành các quy định nghiêm cấm các trung tâm này thu phí môi giới và tuyển dụng đối với người lao động.
Thuật ngữ “nô lệ hiện đại”, trong đó bao gồm “mua bán người” là khái niệm để chỉ một người bị kiểm soát và bóc lột làm việc mà họ không muốn. Nô lệ hiện đại đang trở thành loại hình tội phạm lớn thứ hai trên thế giới với nguồn thu 150 tỷ USD mỗi năm.
Cùng với các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, Chính phủ Anh là một trong những quốc gia đang hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam trong công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người và nô lệ hiện đại.
Vào ngày 19/9/2017, trong cuộc họp lần thứ 72, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã phát động Lời kêu gọi Hành động nhằm chấm dứt lao động cưỡng bức, nô lệ hiện đại và mua bán người. Hơn 80 quốc gia đã tham gia ký Lời kêu gọi hành động này.
Ngày 18/12/2013, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết A/RES/68/192, lấy ngày 30/7 là Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người. Ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định lấy ngày 30/7 là Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người. |