📞

AI và CMCN 4.0 là “con đường” ngắn nhất để phát triển đất nước

13:26 | 25/07/2018
Trí tuệ nhân tạo (AI) và Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) là cơ hội, nếu không nắm bắt được thì Việt Nam sẽ tụt hậu, tranh thủ được thành tựu của CMCN 4.0 và ứng dụng AI là “con đường” ngắn nhất để phát triển đất nước.

Đó là phát biểu của ông Lê Mạnh Quang - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị Vietnam CEO Summit 2018 với chủ đề “Kỷ nguyên Kinh tế trí tuệ nhân tạo: Bài học từ các điển cứu Harvard và tinh hoa thế giới” diễn ra sáng 25/7, tại Hà Nội.

Hội nghị do Vietnam Report tổ chức nhằm cung cấp cho lãnh đạo các doanh nghiệp lớn Việt Nam cái nhìn toàn cảnh về xu hướng công nghệ mới đang diễn ra, những cách thức quản lý và quản trị để tận dụng được cơ hội do trí tuệ nhân tạo mang lại.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Lê Mạnh Quang phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: DL)

Hội nghị có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin & Truyền thông, GS. Jason Furman - Trường Harvard Kennedy về thực hành chính sách Kinh tế - Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế cho cựu Tổng thống Mỹ Obama, ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Viện Michael Dukakis về Lãnh đạo và Sáng tạo (MDI), TS. Kazuo Yano - Nhà tư tưởng tiên phong về Trí tuệ nhân tạo của Nhật Bản - Kĩ sư trưởng tập đoàn Hitachi, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp lớn của Việt Nam và giới truyền thông.

Tại sự kiện, các diễn giả và chuyên gia về kinh tế trí tuệ nhân tạo đã chia sẻ kinh nghiệm và những đề xuất cho doanh nghiệp Việt Nam, những cơ hội, thách thức đặt ra và chiến lược cho các doanh nghiệp Việt Nam trong kỷ nguyên CMCN 4.0 và AI.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Mạnh Quang cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ đánh giá lại các tác động và đưa ra chính sách để tận dụng cơ hội mà CMCN 4.0 mang lại, coi công nghệ sáng tạo là cơ hội và thách thức, tập trung những điều kiện tốt nhất để tạo ra môi trường tốt nhất cho phát triển công nghệ.

“Cần thay đổi cách nhìn nhận về trí tuệ nhân tạo và CMCN 4.0, coi đây là giải pháp chủ đạo để cải cách và phát triển kinh tế đất nước” - ông Lê Mạnh Quang nhấn mạnh.

Đề cập đến việc các doanh nghiệp lớn Việt Nam đang ứng phó thế nào với kỷ nguyên số, công nghệ AI và CMCN 4.0, một khảo sát nhanh của Vietnam Report cho biết có 62.5% trong tổng số doanh nghiệp cho biết đang thực hiện thay đổi từng bước từ công nghệ này sang công nghệ khác.

TS. Kazuo Yano - Nhà tư tưởng tiên phong về Trí tuệ nhân tạo của Nhật Bản - Kĩ sư trưởng tập đoàn Hitachi trình bày tại hội nghị. (Ảnh: DL)

Trong Top 5 ứng dụng công nghệ mà doanh nghiệp Việt Nam ưu tiên lựa chọn để đầu tư, đa số hướng đến Big Data và Điện toán đám mây. Riêng về việc nghiên cứu áp dụng các ứng dụng AI, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam đều mong đợi AI sẽ giúp giảm thiểu chi phí vận hành; tăng năng suất và tạo ra những sản phẩm/dịch vụ được cá nhân hóa và có chất lượng cao hơn. Tuy vậy, mới chỉ có 13.6% doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report cho biết là đã đầu tư vào AI trong một số hoạt động của doanh nghiệp.

Với góc nhìn từ Việt Nam trước những cơ hội và thách thức từ tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng mà mở đầu là cuộc CMCN 4.0 và các ứng dụng của AI, nhiều giải pháp chiến lược đã được các diễn giả phân tích trong Hội nghị. Việt Nam hiện nay đang có những tiền đề rất tốt để tiếp cận với công nghệ cao, tri thức mới và cơ hội phát triển vượt bậc; đó là: dân số trẻ, nhiều người có hứng thú với công nghệ mới, có tư duy cởi mở, có điều kiện về nền tảng học vấn cao hơn so với các thế hệ trước...

Bên cạnh đó, công nghệ thông tin, viễn thông và truyền thông ở Việt Nam được đánh giá là phát triển mạnh mẽ trong những năm qua, tạo điền kiện ổn định hạ tầng viễn thông và mạng lưới Internet, bước đầu tạo vị thế cho quốc gia trên trường quốc tế. Với những điều kiện như vậy, các lãnh đạo doanh nghiệp là những người tiên phong cần thay đổi khả năng thích ứng, làm sao để tận dụng được tiềm lực sẵn có và phá vỡ mọi rào cản trong tổ chức.

Một trong những giải pháp được GS. Jason Furman gợi ý là Việt Nam nên nghiên cứu xây dựng và phát triển Chính phủ AI. Chính phủ AI siêu việt hơn Chính phủ điện tử bằng cách áp dụng AI để hỗ trợ việc ra quyết định cho tất cả các chức năng của các lĩnh vực công chính yếu.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Anh Tuấn cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một khu Văn hóa Thời đại AI kết hợp với Chính phủ AI do Việt Nam làm chủ, thu hút trí tuệ tinh hoa và hỗ trợ tài chính từ các quỹ, tập đoàn lớn trên thế giới, từng bước tạo ra một Khu Sáng tạo AI cung cấp sản phẩm, dịch vụ tiên tiến về trí tuệ nhân tạo mang thương hiệu Việt Nam đến với thế giới, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước tiên tiến và tiên phong trong AI.

Trong khuôn khổ hội nghị, các chuyên gia cũng đề xuất nên phát triển các sản phẩm, dịch vụ trên nền AI và ứng dụng nó trong các ngành kinh tế Việt Nam, các tổ chức xã hội nhằm tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao sức cạnh tranh, nhất là đầu tư giáo dục nguồn nhân lực cho chiến lược phát triển bền vững.