📞

Ẩm thực đường phố Việt Nam có gì đặc biệt?

05:00 | 18/07/2016
Hiểu sâu sắc ẩm thực đường phố Việt Nam, ngòi bút tinh tế của Jonathan DeHart đã hoàn toàn chinh phục độc giả khi bài viết của anh xuất bản trên trang The Diplomat.

Điều gì khiến ẩm thực đường phố trở nên một thứ vô cùng đặc biệt? Liệu ngồi ăn tối trên một chiếc ghế đẩu, bên chiếc bàn nhựa và trên bàn là các món canh bốc khói nghi ngút có đáng nhớ bằng một bữa tối tại một nhà hàng cao cấp được trao tặng ngôi sao Michelin?

Theo các du khách đã từng trải nghiệm ẩm thực đường phố trên khắp thế giới thì Đông Nam Á là một địa điểm không thể bỏ qua. Từ Jakarta đến Bangkok, khách du lịch chỉ cần bỏ ra vài USD là đủ để có một bữa ăn ngon miệng và đầy hấp dẫn.

Tại Đông Nam Á, còn có khá nhiều nơi lý tưởng cho việc thưởng thức ẩm thực đường phố, trong đó, Việt Nam là nơi rất đáng để trải nghiệm. Những thức ăn đường phố Việt Nam nhẹ nhàng, tươi ngon, đầy rau thơm sẽ đánh thức vị giác của những người lười ăn nhất.

Dưới đây sẽ là phần giới thiệu chung về nền ẩm thực Việt Nam, từ khẩu vị truyền thống của miền Bắc đến những điều mới lạ trong ẩm thực miền Nam.

Hương vị từ rau thơm

Cho dù là ở miền Bắc hay miền Nam, một điểm đặc trưng có thể giúp phân biệt giữa ẩm thực Việt Nam với ẩm thực các nước láng giềng chính là “việc sử dụng các loại rau thơm trong các món ăn”, theo lời của chuyên gia ẩm thực Graham Holliday, tác giả cuốn sách ẩm thực nổi tiếng “Eating Việt Nam”.

Món bánh tráng phơi sương cần từ 8-10 loại rau thơm. (Nguồn: Hotdeals)

“Có rất nhiều loại rau thơm được sử dụng trong ẩm thực Việt Nam. Một số loại đặc biệt đến nỗi chỉ có thể được tìm thấy tại một số địa phương nhất định mà không thể tìm thấy tại nơi nào khác. Rau thơm là thành phần quan trọng trong mỗi bữa ăn của người Việt” – ông nói.

Holliday giải thích rằng, ở miền Nam, các món ăn có nhiều rau thơm phổ biến hơn là ở miền Bắc. Ví dụ, món “bánh tráng phơi sương” tại tỉnh Tây Ninh được ăn kèm cùng với khoảng 8 đến 10 loại rau thơm khác nhau.

Ông Mark Lowerson chia sẻ trên trang Hanoi Street Food Tours rằng: “Việc sử dụng nhiều rau thơm mang lại cho các món ăn Việt Nam những hương vị mạnh mẽ nhưng cân bằng. Những loại rau thơm này xuất hiện theo mùa tại một số địa phương nhất định. Các món ăn Việt Nam sử dụng ít dầu và có nhiều hương vị độc đáo so với văn hóa ẩm thực các nước khác trong khu vực”.

Theo Lowerson, các vị mặn, ngọt, chua và cay là những hương vị chính trong ẩm thực của khu vực Đông Nam Á. “Nhưng tại Việt Nam, thực khách có thể tự mình nêm gia vị cho món ăn cho mình. Chẳng hạn, nếu muốn ăn cay thì khách tự cho ớt hoặc tương ớt vào món ăn của mình”.

Tính vùng miền

Những người chưa đến Việt Nam có thể nghĩ rằng đất nước này không lớn lắm. Nhưng suy nghĩ này là một sai lầm. Dải đất hình chữ S có xu hướng thu hẹp từ Đông sang Tây (chỉ rộng có 50km tại điểm hẹp nhất), nhưng lại kéo dài đến 1650km từ Bắc tới Nam.

Do đặc điểm địa lí trên, ẩm thực Việt Nam cực kì đa dạng và mang tính vùng miền cao. Theo cách nói chung, khẩu vị tại miền Bắc – mà trung tâm là Hà Nội – có xu hướng nghiêng về truyền thống, trong khi ở miền Nam, ẩm thực mang tính mới lạ và thử nghiệm hơn.

Holliday còn nhận xét người miền Nam “có một chút mạo hiểm hơn và có khẩu vị phức tạp hơn. Có lẽ, dường như ẩm thực tại thành phố Hồ Chí Minh phong phú hơn so với tại thủ đô Hà Nội. Trong khi đó, miền Trung lại có nét đặc trưng riêng biệt, đặc biệt là tại thành phố Huế. Có thể nói trong các phong cách ẩm thực Việt Nam, những món ăn Huế là khó nấu nhất”.

Hà Nội là quê hương của ẩm thực Việt Nam, đặc biệt là với món phở. (Nguồn: Noinaupho)

Càng hướng ra phía Bắc, khẩu vị của người dân Việt Nam càng khép kín hơn. Tại miền Bắc, các gia vị như đường, muối và rau thơm ít được sử dụng hơn. Holliday nói: “Người Hà Nội thường nói rằng, ẩm thực của họ là ẩm thực Việt ‘thật sự’ và Hà Nội là quê hương của ẩm thực Việt Nam, đặc biệt là với món phở”.

Theo đúng phong cách, “món phở ở miền Nam được ăn kèm cùng với rất nhiều rau thơm và đồ gia vị kèm theo, trong khi tại Hà Nội, phong cách ăn uống này được xem như không được ‘nhã’ cho lắm”.

Nói chung, những tác nhân định hình khẩu vị của các vùng miền ở Việt Nam có thể là khí hậu và thổ nhưỡng của từng địa phương. Những nguyên liệu sẵn có đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình phong cách của người địa phương về hương vị của mỗi món ăn.

Một ví dụ chứng minh cho điều này là việc người dân Hà Nội sử dụng cá nước ngọt để nấu món bún cá Hà Nội (Hà Nội là một vùng đất đồng bằng nằm sâu trong đất liền và không giáp biển). Trong khi đó, cá biển là sự lựa chọn tự nhiên của người dân tại thành phố Nha Trang - tọa lạc trên bờ biển miền Trung Việt Nam. Và tất nhiên, những rau củ quả và rau thơm sẽ được sử dụng tùy theo từng vùng và mỗi vùng sẽ có sự khác nhau trong cách sử dụng các nguyên liệu để chế biến món ăn.

Mối liên hệ với ẩm thực Pháp?

Cho dù không gần gũi về mặt địa lí, ẩm thực Pháp vẫn có những ảnh hưởng nhất định lên nền ẩm thực Việt. Nhiều người vẫn còn tranh cãi về việc phong cách ẩm thực Pháp đã ảnh hưởng đến ẩm thực Việt nhiều như thế nào, nhưng có lẽ nhiều người sẽ đồng ý với nguyên nhân của mối liên hệ này: Thời kì đô hộ của thực dân Pháp tại Việt Nam. Ta có thể kể tên những món ăn màu sắc ẩm thực Pháp tại Việt Nam như: bánh mì baguettes, cà phê và các loại bánh ngọt kiểu Pháp. Ngoài ra, một số loại rau củ được sử dụng tại nhà như cà rốt, bông cải, đậu cove... chỉ xuất hiện sau khi người Pháp tới Việt Nam”.

Món bánh mì pate được cho là sự kết hợp của văn hóa ẩm thực Việt - Pháp. (Nguồn: Mediacdn)

Một trong những ví dụ quan trọng về ảnh hưởng của ẩm thực Pháp là món bánh mì với nhân bao gồm các nguyên liệu như thịt nướng, dưa chua, rau ngò thơm, pate, “một hỗn hợp của phong cách Việt Nam với nhiều rau thơm và phong cách Pháp với thịt và pate”.

“Người ta vẫn đang tranh luận về ảnh hưởng của ẩm thực Pháp đến món phở của Việt Nam, trong đó có việc sử dụng thịt bò trong nước súp – nhưng tôi không nghĩ là sẽ có những chứng cứ kết luận cuối cùng cho tranh luận này”, Lowerson nói. “Mọi người cần phải nhớ rằng, trên hết phở là một loại súp kết hợp với sợi phở Việt Nam”.

Một tô phở điển hình là một hỗn hợp của nước hầm xương ngọt thanh, thịt bò và sợi phở. Phở thường được dùng làm bữa sáng và nó quan trọng với văn hóa ẩm thực Việt đến nỗi món ăn này trở thành một biểu tượng của lòng tự hào dân tộc. Nhà thơ Tú Mỡ đã từng ca ngợi món ăn này trong tác phẩm “Phở Đức tụng” của mình. Nói tóm lại, món phở không phải là đứa con tinh thần của người Pháp.

“Tôi nghĩ rằng nhiều người đang cường điệu về ảnh hưởng của nền ẩm thực Pháp lên ẩm thực Việt. Ẩm thực Việt Nam đã phát triển rất phong phú và đầy sáng tạo trước khi thực dân Pháp tới đây xâm lược và sự sáng tạo này vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay” - Holliday nói.

Món ăn đường phố

Trong khi nhiều người đã quen với những món ăn như phở và bánh mì, thật sự là ẩm thực đường phố của Việt Nam vô cùng đa dạng, phong phú và phức tạp.

Chuyên gia ẩm thực Anthony Bourdain thưởng thức món cơm hến bên hè phố Huế. (Nguồn: CNN)

Một số ví dụ như: món chả cá và bánh cuốn. Chả cá là một món ăn làm từ cá kết hợp với một ít nghệ và chỉ phổ biến tại Hà Nội. Món bánh cuốn là một món ăn làm từ bột gạo được nhồi với thịt lợn xay. Còn món “cơm tấm” nổi tiếng của Sài Gòn thì được ăn kèm với sườn nướng và lạp xưởng…

Bạn nên học theo người địa phương để tìm được món ăn ngon. “Nếu có nhiều người cùng ăn tại một quán ăn, rất có thể thức ăn ở đó rất ngon”, Holliday nói. “Hãy từ bỏ sự nghi ngại và e dè bởi vì bạn sẽ bỏ lỡ những món ăn ngon nhất tại đất nước này nếu như bạn không ăn những món đường phố. Những món như bún mắm, bánh xèo và hủ tíu đều rất ngon tại miền Nam. Còn bún chả thì lại ngon nhất tại miền Bắc”.

(theo The Diplomat)