📞
KỶ NIỆM 53 NĂM THÀNH LẬP ASEAN

Ấn Độ-ASEAN: Quan hệ đối tác đang phát triển

Pranay Verma 18:30 | 07/08/2020
TGVN. Mối quan hệ đa dạng giữa ASEAN và Ấn Độ phát triển vững chắc từ khi Ấn Độ trở thành đối tác đối thoại theo lĩnh vực của ASEAN năm 1992.
Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma. (Nguồn: TTXVN)

Tháng 12/1995, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 5 tại Bangkok đã có một quyết định lịch sử khi nhất trí để Việt Nam tham gia là thành viên chính thức. Từ đó tới nay, Việt Nam trở thành một trong những nhân tố vững mạnh nhất của ASEAN, có đóng góp nổi bật vào ý tưởng xây dựng Cộng đồng ASEAN, đưa ra các sáng kiến thành lập các cơ chế mới do ASEAN dẫn dắt.

Hội nghị Cấp cao tại Bangkok cũng có một ý nghĩa đặc biệt đối với Ấn Độ. Để ghi nhận đóng góp quan trọng của Ấn Độ vào sự phát triển của ASEAN, một tổ chức khu vực quan trọng, trong những năm mới hình thành, ASEAN đã mời Ấn Độ trở thành Đối tác Đối thoại đầy đủ. Điều này đã tạo điều kiện xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa ASEAN và Ấn Độ.

Tiếp theo đó, Ấn Độ trở thành thành viên của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) năm 1996; các Hội nghị cấp cao hàng năm giữa ASEAN và Ấn Độ được bắt đầu từ 2002; và Ấn Độ bắt đầu tham gia các cơ chế khác do ASEAN dẫn dắt như Cấp cao Đông Á (EAS) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng mở rộng (ADMM+). ASEAN và Ấn Độ đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược năm 2012 như một tiến trình tự nhiên trong mối quan hệ hợp tác chặt chẽ của hai bên.

Quan hệ hợp tác thiết thực

Chính sách của Ấn Độ đối với ASEAN là rõ ràng, nhất quán và toàn diện. Ấn Độ coi ASEAN như một tổ chức khu vực tạo ra một môi trường hòa bình, thịnh vượng và tăng trưởng trong hơn 5 thập kỷ qua. Ghi nhận tầm quan trọng của ASEAN, các cấp lãnh đạo của Ấn Độ luôn dành ưu tiên cao nhất cho sự tham gia của Ấn Độ với khu vực thông qua việc tham dự các Hội nghị Cấp cao và các hội nghị liên quan thường niên, đồng thời đưa ra các sáng kiến mới trong những lĩnh vực hai bên cùng có lợi.

Mối quan hệ đa dạng giữa ASEAN và Ấn Độ phát triển vững chắc từ khi Ấn Độ trở thành đối tác đối thoại theo lĩnh vực của ASEAN năm 1992. Tăng cường hợp tác kinh tế vẫn luôn là trọng tâm trong quan hệ giữa hai bên. Thương mại của Ấn Độ với ASEAN giai đoạn 2018-2019 đạt 96.79 tỷ USD, tương đương khoảng 11,5% tổng kim ngạch thương mại của Ấn Độ. Xuất khẩu sang ASEAN đạt 11,54% tổng kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ. Dòng đầu tư hai chiều cũng tương đối lớn, với ASEAN chiếm khoảng 18,28% dòng đầu tư sang Ấn Độ từ năm 2000.

Ngày 25/1/2018, Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm ASEAN-Ấn Độ được tổ chức tại New Delhi với chủ đề “Chia sẻ giá trị, cùng chung vận mệnh” là một mốc lịch sử quan trọng trong quan hệ với ASEAN. Hội nghị nêu bật sự gắn kết giữa Ấn Độ và ASEAN là tiền đề cho mối quan hệ hợp tác thiết thực trong các lĩnh vực: Kết nối, Thương mại và Văn hóa.

Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm là sư kiện quan trọng nhất trong chuỗi các hoạt động kéo dài trong cả năm 2017 kỷ niệm 25 năm Đối tác Đối thoại, 15 năm Hội nghị Cấp cao và 5 năm quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN-Ấn Độ. Nhiều hoạt động kỷ niệm được tổ chức, trong đó có Diễn đàn khu vực ASEAN-Ấn Độ tại Singapore, Hội nghị thượng đỉnh Thanh niên, Liên hoan Phim và Âm nhạc, Hội thảo về Kinh tế Biển xanh, Hội nghị thượng đỉnh về Kết nối, Hội nghị thượng đỉnh các Doanh nghiệp vừa và nhỏ toàn cầu, Gặp gỡ Doanh nghiệp, Đầu tư và ICT Expo, và khánh thành Công viên Hữu nghị ASEAN-Ấn Độ tại trung tâm New Delhi. Những hoạt động và sáng kiến này đặt nền tảng vững chắc cho quan hệ đối tác bền vững cùng những cam kết tương lai với ASEAN.

ASEAN, một tổ chức khu vực được dẫn dắt bởi ý tưởng đồng thuận, đã hoạt động không ngừng trong 5 thập kỷ qua giúp đảm bảo hòa bình, tiến bộ và thịnh vượng trong khu vực. Do đó, Ấn Độ đặt ASEAN ở vị trí trung tâm trong chính sách Hướng Đông và Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng như học thuyết về An ninh và Tăng trưởng cho Tất cả trong Khu vực (SAGAR). Tại Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm ASEAN-Ấn Độ năm 2018, Thủ tướng Modi đã định hướng tương lai hợp tác của Ấn Độ với ASEAN khi nói:

“Ấn Độ chia sẻ tầm nhìn của ASEAN về hòa bình và thịnh vượng thông qua một trật tự dựa trên luật lệ đối với các vùng biển và đại dương. Tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS có ý nghĩa quan trọng để thực hiện tầm nhìn này. Chúng tôi cam kết hợp tác với ASEAN nhằm tăng cường hợp tác thiết thực và phối hợp trong lĩnh vực hàng hải, một trong những lĩnh vực trọng tâm chính vì tăng trưởng và phát triển trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Những nỗ lực Cứu trợ Nhân đạo và Thiên tai, Hợp tác An ninh và Tự do Hàng hải sẽ là những trọng tâm chính trong hợp tác hàng hải giữa hai bên”.

Tại Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm, các Nhà lãnh đạo ASEAN và Ấn Độ đã cùng thông qua Tuyên bố Delhi và quyết định coi Hợp tác Biển là một trong những lĩnh vực hợp tác chính trong khuôn khổ đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ.

Tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) năm 2019 ở Bangkok, Thủ tướng Modi đã giới thiệu Sáng kiến Đại dương Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPOI) như một kế hoạch tổng thể nhằm tăng cường hợp tác đa lĩnh vực của Ấn Độ với ASEAN và hướng tới tầm nhìn khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thông qua 7 lĩnh vực hợp tác gồm an ninh hàng hải, khoa học công nghệ và sinh thái biển và kết nối biển, dựa trên quan hệ đối tác được xây dựng trong các khuôn khổ ASEAN dẫn dắt.

Hoan nghênh sự thống nhất về quan điểm giữa ASEAN và Ấn Độ vì hợp tác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Thủ tướng Modi ghi nhận “Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ là một phần quan trọng trong tầm nhìn Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương của chúng tôi và ASEAN nằm ở vị trí trung tâm. Một ASEAN hội nhập và năng động về kinh tế là lợi ích của Ấn Độ. Ấn Độ có cơ hội thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải, kết nối và biển xanh cũng như những lĩnh vực như nông nghiệp, kỹ thuật, công nghệ số và nghiên cứu khoa học”.

Phát triển kết nối ASEAN-Ấn Độ là trọng tâm ưu tiên của Ấn Độ. Năm 2013, Ấn Độ trở thành Đối tác Đối thoại thứ ba khởi xướng họp Uỷ ban Điều phối Kết nối ASEAN-Ấn Độ. Từ đó, Ấn Độ đã có những bước tiến đáng kể trong triển khai đường Cao tốc nối ba nước Ấn Độ - Myanmar - Thái Lan. Nhằm hiện thực hoá ước muốn một khu vực liên kết nối, có tiềm năng đẩy mạnh kết nối hàng hải và hàng không giữa ASEAN và Ấn Độ và biến các hành lang kết nối thành các hành lang kinh tế. Khả năng mở rộng đường cao tốc Ấn Độ - Myanmar - Thái Lan sang Campuchia, Lào và Việt Nam đang được xem xét để thúc đẩy hội nhập kinh tế thông qua kết nối trên đất liền.

Những nỗ lực của Ấn Độ nhằm nâng cao kết nối và hội nhập kinh tế với ASEAN được thúc đẩy hơn nữa sau khi Ấn Độ công bố cấp Khoản tín dụng 1 tỷ USD nhằm thúc đẩy kết nối cứng và kết nối số giữa ASEAN và Ấn Độ, và thành lập Quỹ Phát triển Dự án với khoản kinh phí 5 tỷ Rupee (gần 75 triệu USD) để phát triển các trung tâm sản xuất tại Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam.

Những nỗ lực của Ấn Độ trên các lĩnh vực kết nối cũng nhằm tăng cường giao lưu nhân dân. Một loạt các cơ ché như Chương trình Trao đổi Sinh viên ASEAN – Ấn Độ, Hội nghị Thượng đỉnh Thanh niên ASEAN - Ấn Độ, Trao đổi báo chí ASEAN - Ấn Độ, Liên kết Văn minh và Văn hoá ASEAN - Ấn Độ và Mạng lưới các Cơ quan Nghiên cứu ASEAN - Ấn Độ giúp tăng cường kết nối con người và văn hoá. Tại Hội nghị Cấp cao kỷ niệm năm 2018, Ấn Độ công bố 1000 suất học bổng cho sinh viên và các nhà nghiên cứu từ các nước ASEAN tới học các chương trình PhD tổng hợp tại các Viện Công nghệ đẳng cấp thế giới của Ấn Độ nhằm tăng cường trao đổi trong giáo dục bậc cao. Chương trình đã được triển khai từ tháng 9/2019.

Vai trò tích cực của Việt Nam

Kể từ khi gia nhập ASEAN cách đây 25 năm, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hợp tác nội khối trong nhiều cơ chế do ASEAN dẫn dắt và trong quan hệ giữa ASEAN và các đối tác đối thoại. Một số nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối ngoại của Việt Nam gồm ủng hộ chủ nghĩa đa phương và tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế có ý nghĩa quan trọng đối với hoà bình và ổn định khu vực cũng như trên thế giới.

Vai trò Chủ tịch ASEAN mang tới nhiều cơ hội mới cho Việt Nam để đóng một vai trò ý nghĩa và nổi bật hơn trong khu vực. Tại lễ khởi động năm Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã đặt ra những ưu tiên như duy trì những lợi ích chung cho cộng đồng khu vực và quốc tế, trong đó có hoà bình, hợp tác và phát triển.

Chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng” của năm 2020 phản ánh ưu tiên cao Việt Nam dành cho việc xây dựng một Cộng đồng ASEAN mạnh mẽ và thích ứng hơn trong bối cảnh địa chính trị và địa kinh tế mới ở khu vực và trên thế giới.

Việt Nam, một trong những nền kinh tế đang phát triển nhanh nhất trong khu vực, với lợi ích gắn với hoà bình và ổn định trong khu vực, có sức mạnh tự nhiên để dẫn dắt sự phát triển và thịnh vượng trong khu vực.

Vượt qua những ngày đen tối của đại dịch Covid-19 thành công nhất, Việt Nam không chỉ là một hình mẫu, đối với khu vực và đối tác, về quản lý và chăm sóc y tế hiệu quả mà còn được định vị để đi đầu trong khôi phục kinh tế sau đại dịch trong khu vực.

Là người bạn thân thiết của Việt Nam, Ấn Độ vui mừng khi Việt Nam đóng vai trò tích cực trong thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực cũng như trên thế giới. Chúng tôi cám ơn Việt Nam, trong cương vị nước điều phối quan hệ ASEAN-Ấn Độ giai đoạn 2015-2018, đã tích cực thúc đẩy quan hệ giữa Ấn Độ và ASEAN cũng như hỗ trợ đảm bảo thành công của Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm ASEAN-Ấn Độ 2018.

Dựa trên những tương tác về văn minh sâu sắc với khu vực và được định hướng bởi Chính sách Hướng Đông và Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Ấn Độ mong muốn xây dựng mối quan hệ gắn kết chặt chẽ hơn với ASEAN thông qua tăng cường kết nối, thương mại và giao lưu văn hoá.

Chúng tôi tin tưởng rằng trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Việt Nam, một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của chúng tôi trong khu vực, những nỗ lực của chúng tôi nhằm làm sâu sắc hơn sự gắn kết với ASEAN sẽ hiệu quả hơn nữa. Ấn Độ sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để hoàn thành các mục tiêu của năm Chủ tịch ASEAN.