Ấn Độ tăng cường các cuộc diễn tập quân sự chung trên biển với các nước như Mỹ, Nhật Bản và Australia trong một nỗ lực nhằm kiềm chế tham vọng mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. (Nguồn: Twitter) |
Tờ SCMP dẫn nhận định của các chuyên gia cho rằng Ấn Độ dường như đang gia tăng thách thức Trung Quốc trên biển sau vụ đụng độ đẫm máu giữa binh sĩ hai bên ở biên giới tranh chấp hồi tháng trước.
Tuần trước, Hải quân Ấn Độ và Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Nhật Bản đã tiến hành một cuộc diễn tập chung trên Ấn Độ Dương. Ấn Độ cũng tiến hành các cuộc tập trận song phương với Mỹ và Australia trong một nỗ lực được cho là nhằm lập "bộ tứ" đối phó các thách thức từ Trung Quốc.
Lin Minwang, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nam Á thuộc Đại học Phúc Đán, Trung Quốc, nhận định Ấn Độ và Mỹ đang dần dần phát triển một quan hệ liên minh. Những năm gần đây, Ấn Độ đã ký kết các thỏa thuận quân sự quan trọng với Mỹ. Trong số này có Biên bản ghi nhớ trao đổi hậu cần cho phép quân đội hai bên sử dụng căn cứ của nhau cho việc bảo dưỡng và tiếp tế, hay Thỏa thuận bảo mật và truyền thông tạo điều kiện cho các thương vụ mua bán thiết bị quân sự Mỹ.
Ngoài ra, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng đưa ra kế hoạch xây dựng "Sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" nhằm đảm bảo an ninh trên biển. "Trung Quốc hiện là mối lo ngại chiến lược với Ấn Độ", chuyên gia Lin nhận định.
Li Jie, chuyên gia phân tích hải quân tại Bắc Kinh, cho rằng việc Hải quân Ấn Độ tham gia các cuộc tập trận chung với các nước trên là một phần trong những nỗ lực nhằm kiềm chế tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông và Ấn Độ Dương.
"Hải quân Ấn Độ không thể một mình cạnh tranh với Hải quân Trung Quốc, nhưng với việc lập đồng minh với Nhật Bản hay Mỹ, họ có thể có vị thế tốt hơn nhiều", chuyên gia Li nói.
Ấn Độ Dương nằm ở trung tâm mạng lưới vận chuyển dầu toàn cầu và cũng là tuyến vận tải thương mại quan trọng đối với Trung Quốc, kết nối châu Âu, châu Phi và Trung Đông.
Những năm gần đây, Hải quân Trung Quốc có xu hướng gia tăng các hành động ở khu vực này. Các tàu ngầm của Trung Quốc cũng bị phát hiện hoạt động ở khu vực này từ năm 2013 và năm 2017 Trung Quốc đã mở căn cứ đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti. Ngoài ra, Trung Quốc cũng xây các cảng ở Gwadar của Pakistan hay ở Hambantota của Sri Lanka, Kyaukpyu của Myanmar theo "Sáng kiến một vành đai, một con đường".
Ấn Độ coi việc Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương trong đó có việc xây dựng mạng lưới hạ tầng cả thương mại và quân sự (hay còn gọi là chiến lược "chuỗi ngọc trai") là mối đe dọa lớn.