Bí thư Đối ngoại Harsh Vardhan Shringla trao 1 triệu liều vaccine “Sản xuất tại Ấn Độ” cho Hiệp hội Chữ thập đỏ Myanmar trong chuyến thăm Myanmar từ ngày 22-23/12. (Nguồn: Twitter) |
Trước thềm Giáng sinh 2021, Bí thư Đối ngoại Bộ Ngoại giao Ấn Độ Harsh Vardhan Shringla đã có chuyến thăm Myanmar từ ngày 22-23/12. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông kể từ khi xảy ra chính biến tại Myanmar hồi tháng 2/2021.
Ấn Độ và Myanmar có chung đường biên giới dài gần 1.700 km, nên “hòa bình và ổn định ở Myanmar” có tầm quan trọng đối với Ấn Độ, đặc biệt là đối với vùng Đông Bắc của Ấn Độ.
Một thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Ấn Độ (MEA) đã nhấn mạnh điều này: Bất kỳ sự phát triển nào ở Myanmar đều có tác động trực tiếp đến các khu vực biên giới của Ấn Độ.
Trong chuyến thăm kéo dài 2 ngày, Bí thư Đối ngoại Shringla đã có các cuộc gặp với Chủ tịch Hội đồng Điều hành Nhà nước, Tướng Min Aung Hlaing và các quan chức cấp cao khác, cũng như những người từ xã hội dân sự và các đảng chính trị bao gồm Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD).
New Delhi tuyên bố rằng trong các cuộc gặp này, ông Shringla đã nhắc lại sự quan tâm của Ấn Độ trong việc “Myanmar sớm trở lại nền dân chủ; trả tự do cho người bị giam giữ và phạm nhân; giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại; và chấm dứt hoàn toàn bạo lực".
Ủng hộ quan điểm của ASEAN?
Mặc dù sự ổn định ở Myanmar là quan trọng đối với Ấn Độ, quan điểm của New Delhi dường như tập trung vào việc ủng hộ quan điểm của ASEAN.
Trong cuộc họp của các nhà lãnh đạo ở Jakarta vào tháng 4/2021, ASEAN đã đạt được Đồng thuận 5 điểm liên quan đến Myanmar: chấm dứt bạo lực, đối thoại mang tính xây dựng giữa các bên, bổ nhiệm đặc phái viên ASEAN để tạo điều kiện cho đối thoại, chấp nhận viện trợ và tiến hành chuyến thăm của đặc phái viên đến Myanmar.
Phản ứng của Bộ Ngoại giao Ấn Độ vào thời điểm đó là “hoan nghênh sáng kiến của ASEAN về Myanmar… Can dự ngoại giao của chúng tôi với Myanmar sẽ nhằm tăng cường những nỗ lực này”.
Cuộc gặp các nhà lãnh đạo nhóm Bộ tứ (Quad) gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia hồi tháng 9 cũng ủng hộ sáng kiến của ASEAN và kêu gọi “thực hiện ngay lập tức Đồng thuận 5 điểm của ASEAN”.
Trong khi đó, Ấn Độ tiếp tục hỗ trợ nhân đạo cho Myanmar, bao gồm cả trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Trong chuyến thăm vừa qua, ông Shringla đã trao 1 triệu liều vaccine “Sản xuất tại Ấn Độ” cho Hiệp hội Chữ thập đỏ Myanmar.
Ấn Độ cũng thông báo viện trợ 10.000 tấn gạo và lúa mì cho Myanmar.
Mối lo ngại sâu xa
Bí thư Đối ngoại Shringla cũng nêu các vấn đề liên quan trực tiếp hơn đến an ninh của Ấn Độ. Vai trò của Myanmar là rất quan trọng liên quan đến cuộc phục kích gần đây của dân quân ở quận Churachandpur, bang Manipur, Ấn Độ, vụ tồi tệ nhất trong thời gian gần đây.
Cuộc phục kích đã khiến một sĩ quan chỉ huy của lực lượng Assam Rifles (AR) cũng như vợ và con trai của người này, cùng 4 nhân viên AR khác thiệt mạng.
Ngoài ra còn có những khó khăn khác trong khu vực này, bao gồm bạo động dẫn đến 4 người thiệt mạng và hơn chục người khác bị thương trong các cuộc biểu tình địa phương đòi Giấy phép nội tuyến (ILP).
ILP là những hạn chế của chính phủ Ấn Độ đối với những người không phải là người dân địa phương đi du lịch trong khu vực; các bang lân cận của Ấn Độ như Nagaland và Arunachal Pradesh có các hạn chế ILP. Nhu cầu về ILP cũng tăng lên ở bang Manipur. |
Tất cả những rắc rối này đều là mối lo ngại đối với New Delhi. Cả Ấn Độ và Myanmar đã “nhắc lại cam kết của mình đảm bảo rằng các lãnh thổ tương ứng của họ sẽ không được phép sử dụng cho bất kỳ hoạt động thù địch nào”.
Đường Hữu nghị Ấn Độ-Myanmar. (Nguồn: SASEC) |
Không có sự lựa chọn
Trở về New Delhi, Bí thư Đối ngoại Shringla có thể hài lòng với chuyến thăm vì đã truyền đạt những mong muốn của Ấn Độ, chẳng hạn như sự cần thiết trở lại nền dân chủ. Tuy nhiên, theo TS. Rajeswari Pillai Rajagopalan, việc chế độ cầm quyền dưới thời Tướng Min Aung Hlaing có cùng quan điểm hay không với Ấn Độ hay không còn là điều chưa rõ ràng.
Trên thực tế, trong khi phương Tây cô lập Myanmar sau cuộc tiếp quản quân sự hồi đầu năm, New Delhi cảm thấy bị hạn chế hơn.
Đối với Ấn Độ, Myanmar là nước láng giềng có đường biên giới dài nhưng bất ổn. Hơn nữa, Ấn Độ cũng lo ngại Trung Quốc có thể lợi dụng tình hình nếu Myanmar càng bị cô lập.
Do đó, New Delhi cảm thấy họ không có lựa chọn để cắt đứt quan hệ với Myanmar, như phương Tây đã làm.
Trong bài viết gần đây, bà Indrani Bagchi, một phóng viên chính sách đối ngoại nổi tiếng của Ấn Độ, đã lưu ý rằng Ấn Độ đang áp dụng cách tiếp cận "song hành", vừa can dự vừa hối thúc Myanmar khôi phục nền dân chủ.
Ví dụ, tại các cơ quan quốc tế như Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Ấn Độ đã lên tiếng phản đối các lệnh trừng phạt nhưng tiếp tục bày tỏ quan ngại về những diễn biến ở Myanmar.
Với những lợi ích địa chính trị và an ninh, Ấn Độ không thể bỏ qua hoặc cô lập Myanmar. Do những áp lực này, Ấn Độ đã cẩn thận duy trì một số liên kết với chính quyền quân sự và có khả năng sẽ tiếp tục làm như vậy.
* Giám đốc Trung tâm An ninh, chiến lược & công nghệ (CSST) tại Quỹ Nghiên cứu Người quan sát (ORF) Ấn Độ.