Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma tại sự kiện “Gặp gỡ Ấn Độ”, tháng 1/2020. |
Trong chặng đường 75 năm qua, Bộ Ngoại giao đã đạt được những thành tích đáng kể khi góp phần đưa Việt Nam vươn lên thành một quốc gia độc lập, hiện đại, cả ở trong nước và trên trường quốc tế. Bộ Ngoại giao được thành lập vào năm 1945, thời điểm Việt Nam đang vực dậy sau nhiều năm bị áp bức chính trị và bóc lột kinh tế. Các nhà lãnh đạo Việt Nam lúc bấy giờ đã có tầm nhìn xa khi hiểu được rằng để thúc đẩy kinh tế và hòa bình, đất nước phải hội nhập chặt chẽ hơn với cộng đồng quốc tế. Để đạt những mục tiêu đó, Bộ Ngoại giao đã trở thành một trong những cơ quan quan trọng nhất của đất nước.
Ngay từ khi giành được độc lập hơn bảy thập kỷ trước, Ấn Độ - một người bạn thân thiết và đáng tin cậy đã luôn là một phần trong câu chuyện tăng trưởng đáng kinh ngạc của Việt Nam. Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện mà Ấn Độ và Việt Nam chia sẻ hiện nay phản ánh tầm quan trọng của mối quan hệ này trong bối cảnh thực tế địa-chính trị và địa-kinh tế trong khu vực. Ngày nay, Việt Nam là nhân tố nổi bật trong Chính sách Hành động hướng Đông và Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Ấn Độ.
Sự giao lưu chặt chẽ và thường xuyên giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã giúp cả hai nước làm sâu sắc hơn mối quan hệ ngoại giao dựa trên các giá trị và lợi ích chung, cũng như trong việc định hình cách tiếp cận tổng thể của hai bên với quan hệ quốc tế. Chúng ta có quan điểm tương đồng về hầu hết các vấn đề trong khu vực và quốc tế. Cả Ấn Độ và Việt Nam đều đưa ra tiếng nói về sự điều độ, tính bao hàm và bình đẳng trong phát ngôn toàn cầu, một điều quan trọng trong ứng xử quốc tế hiện nay. Cả hai bên đều tôn trọng luật pháp quốc tế và trật tự dựa trên luật lệ. Hai nước ngày nay đang đóng góp vào hòa bình và phát triển trên khu vực và toàn cầu thông qua hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, cũng như thông qua các hành động đã cam kết nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững và giải quyết biến đổi khí hậu.
Truyền thống gắn bó chặt chẽ với nhau tại các diễn đàn đa phương sẽ càng được củng cố khi Ấn Độ gia nhập cùng Việt Nam với tư cách là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào ngày 1/1/2021. Sự hiện diện của chúng ta trong Hội đồng Bảo an sẽ tạo nền móng mới để hai bên hợp tác trong nhiều vấn đề toàn cầu.
Là một người bạn thân thiết, Ấn Độ vui mừng khi thấy Việt Nam đóng vai trò là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, với những đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực chung của chúng ta, bao gồm cả việc tăng cường hợp tác khu vực trong khuôn khổ ASEAN. Chúng tôi cảm ơn Việt Nam đã điều phối hoạt động của Ấn Độ với ASEAN với tư cách là quốc gia điều phối và đóng góp vào thành công của Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm quan hệ ASEAN-Ấn Độ được tổ chức tại New Delhi, tháng 1/2018. Với việc Việt Nam đảm nhận thành công vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 bất chấp sự gián đoạn do đại dịch Covid-19, quan hệ giữa Ấn Độ với Việt Nam và ASEAN ngày càng được tăng cường.
Ấn Độ tiếp tục cam kết hợp tác với Việt Nam trong việc tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện và thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực và toàn cầu. Chúng tôi tin tưởng rằng nền tảng vững chắc của tình hữu nghị do các nhà lãnh đạo vĩ đại của hai nước đặt ra sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Trong quá trình theo đuổi mục tiêu này, chúng tôi coi Bộ Ngoại giao là một đối tác quý giá.