📞

“Ấn Độ, Mỹ nên hợp tác với Trung Quốc”

14:10 | 18/06/2016
Theo cựu viên chức ngoại giao Mỹ Anja Manuel, sự hợp tác giữa New Delhi và Washington với Bắc Kinh sẽ tạo ra thiện chí giúp việc xử lý khủng hoảng trở nên dễ dàng hơn.

Trong cuốn sách mới "Thế giới mới dũng cảm này: Ấn Độ, Trung Quốc và Hoa Kỳ" (This Brave New World: India, China and the United States), do nhà xuất bản Simon và Schuster phát hành, bà Manuel đã nhấn mạnh về việc đưa Trung Quốc và Ấn Độ cùng trở thành đối tác chứ không phải là hai bên lạnh nhạt với nhau.

Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Ấn Độ PTI, bà Manuel cho rằng: “Chúng ta nên tìm ra những dự án chung có lợi cho đôi bên, chẳng hạn như thỏa thuận hạt nhân dân sự giữa Mỹ và Ấn Độ mà tôi đã góp phần nhỏ trong quá trình đàm phán hay thỏa thuận biến đổi khí hậu giữa Trung Quốc và Mỹ công bố vào tháng 12/2014”.

Việc đàm phán hạt nhân dân sự rất khó khăn đối với cả hai nước đã “dạy cho chúng tôi làm thế nào để làm việc chặt chẽ với nhau và giúp mở ra sự hợp tác mới trong lĩnh vực quốc phòng, chống khủng bố… Việc tìm các dự án hợp tác giữa Ấn Độ và Trung Quốc cũng sẽ có kết quả tuyệt vời như thế", bà khẳng định.

Sự liên kết mới giữa New Delhi và Washington một phần là bởi cả hai đều chung cách nhìn về Bắc Kinh.

Theo giảng viên chương trình Nghiên cứu chính sách quốc tế tại Đại học Stanford, Ấn Độ và Mỹ trở thành những đối tác gần gũi hơn bao giờ hết và điều này nên được hoan nghênh. "Tuy nhiên, chúng ta cũng phải tiếp tục chào đón Trung Quốc bởi việc tạo ra hai phe thù địch ở châu Á không mang lại lợi ích cho ai cả".

Theo bà Manuel, Ấn Độ và Mỹ đều phải rõ ràng với Bắc Kinh về chính sách của mình và thực thi một cách nhất quán. "Về điều này, Mỹ không phải lúc nào cũng hoàn hảo… Thí dụ, Mỹ không nên ngừng việc tự do tập trận ở Biển Đông vì nó đã diễn ra vài năm trước khi mới được khởi động lại thời gian gần đây. Chúng ta nên thực hiện những việc này trong khuôn khổ đa phương bất cứ khi nào có thể. Ấn Độ có thể làm rõ với Trung Quốc, Việt Nam, Philippines và những nước khác rằng hành động chiếm đất của bất cứ nước nào là không phù hợp. Ngoài ra, Ấn Độ cũng có thể giúp cộng đồng quốc tế gây áp lực để ngăn chặn hoạt động gián điệp trên mạng của Trung Quốc".

Các công ty từ cả ba nước cũng cần tiếp tục hợp tác với nhau. "Một số công ty Trung Quốc đang tích cực “sản xuất tại Ấn Độ”, các công ty công nghệ Ấn Độ mang chuyên gia của họ đến Trung Quốc và các công ty Mỹ đang giúp Trung Quốc về năng lượng sạch hay chăm sóc dân số già của Trung Quốc... Chúng ta có thể mời sinh viên Trung Quốc đến đất nước mình, để họ du lịch và giao tiếp càng nhiều càng tốt để nâng cao sự hiểu biết còn hạn chế giữa chúng ta và chấm dứt sự mất lòng tin".

Bà Manuel cho rằng sự e ngại Trung Quốc đã đưa Ấn Độ và Mỹ gần nhau hơn. "Mười năm trước, khi tôi đang công tác tại Bộ Ngoại giao Mỹ, mỗi lần chúng tôi nói chuyện với các đối tác Ấn Độ về Trung Quốc thì nước này ít nhận được quan tâm hơn. Tôi nghĩ rằng điều này đã thay đổi trong vài năm qua khi Trung Quốc trở nên quyết đoán hơn và mở rộng hoạt động theo hướng Nam vào khu vục ảnh hưởng truyền thống của họ”.

Giờ đây, "Trò chuyện với các quan chức Ấn Độ, tôi thấy cách nhìn của họ đối với Trung Quốc tương tự như chúng tôi ở Mỹ. Đó là mối quan hệ kinh tế rất quan trọng và mọi người đều muốn duy trì mối quan hệ tích cực với Trung Quốc. Tuy nhiên, đối với Mỹ, việc Trung Quốc đánh cắp trên mạng các bí mật công nghệ và sự quyết đoán ngày càng tăng trong vùng Biển Đông đôi khi làm cho mối quan hệ trở nên khó khăn", bà nói.

Còn đối với Ấn Độ, đó là cuộc xâm nhập quân sự của Trung Quốc ở dãy Himalaya, các tàu ngầm của họ lượn lờ xung quanh Ấn Độ Dương và chiến lược "chuỗi ngọc trai".

"Vì vậy, sự liên kết mới giữa Ấn Độ và Mỹ một phần là bởi cả hai đều chung một cách nhìn về Bắc Kinh. Đây là một sự phát triển tích cực song cần phải đảm bảo rằng chúng ta rõ ràng và nhất quán với Bắc Kinh về quan điểm, đồng thời có nỗ lực thực sự trong việc hợp tác chặt chẽ với họ để tránh làm cho Trung Quốc cảm thấy bị bao vây và cô lập", bà Manuel lập luận. Về chính sách Mỹ của chính phủ Liên minh dân chủ quốc gia (NDA), bà cho rằng Thủ tướng Narendra Modi rõ ràng đã đưa quan hệ với Mỹ là một ưu tiên và Tổng thống Barack Obama cũng có chính sách tương tự.

Bà lấy dẫn chứng: "Ngày 8/6, Thủ tướng Modi đã được mời tham dự và phát biểu tại một phiên họp chung của Quốc hội Mỹ. Đây là một vinh dự được dành cho rất ít nhà lãnh đạo nước ngoài, cho thấy mối quan hệ đang tiến xa giữa chúng ta. Trước đấy, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không được mời đến phát biểu tại Quốc hội khi ông đến Mỹ trong một chuyến thăm nhà nước vào tháng 9/2015”.

Sự kiện này, theo bà, là một lời nhắc nhở về mối quan hệ mạnh mẽ và ngày càng gia tăng giữa Washington và New Delhi, cho thấy sự ủng hộ to lớn đối với quan hệ đối tác Ấn-Mỹ không chỉ trong Nhà Trắng mà ở cả Quốc hội, cộng đồng doanh nghiệp và công chúng Mỹ.

Cựu luật sư của công ty luật WilmerHale cho rằng với những chính sách khôn ngoan và thận trọng của Ấn Độ và Mỹ, “chúng ta có thể đảm bảo rằng thương mại tiếp tục gia tăng giữa ba nền kinh tế lớn, chúng ta hợp tác trên nhiều vấn đề có ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, và hạn chế những căng thẳng quân sự”.