Bảy tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo đạt hơn 4,83 triệu tấn, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, theo Tổng cục thống kê. (Nguồn: TTXVN) |
Từ gạo Ấn Độ đến lúa mì Australia, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến năng suất, làm tăng thêm tình trạng thiếu lương thực và giá cả tăng vọt do xung đột quân sự Nga - Ukraine.
Thị trường thế giới chao đảo nhiều tuần qua, sau khi Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo hàng đầu chính thức áp đặt lệnh cấm xuất khẩu gạo. Một số quốc gia khác cũng hạn chế xuất khẩu, trong khi các nước muốn tăng nhập để đảm bảo an ninh lương thực. Kết quả là giá gạo trên thị trường thế giới ngày càng tăng. Ở châu Á, giá đã đạt mức cao nhất trong 15 năm. Ở Ấn Độ, giá gạo đã tăng hơn 30% kể từ tháng 10 năm ngoái.
Bình thường mới lẽ nào là những cú sốc về khí hậu, xung đột và cạnh tranh về tài nguyên thiên nhiên, tiếp tục làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát lương thực và gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp toàn cầu?
Nguy cơ thiếu gạo cận kề
Cuối tháng Bảy, Ấn Độ tuyên bố tạm dừng xuất khẩu gạo trắng để kiểm soát lạm phát trong nước tăng vọt và bảo đảm nguồn cung nội địa. New Delhi cho biết, họ buộc phải “ra tay” vì giá quốc tế lên quá cao. Ngay sau khi Nga rút khỏi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, việc hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ có nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng lương thực rộng lớn hơn, dẫn đến giá cả tăng vọt và nguy cơ đói kém gia tăng.
Trong bối cảnh các cuộc bầu cử sắp diễn ra ở Ấn Độ, lệnh cấm xuất khẩu này, giống như ở một số quốc gia khác, xem ra khó có thể được dỡ bỏ trong ngắn hạn.
Trang mạng của Viện nghiên cứu kinh tế Lowy đánh giá, nỗi lo thiếu gạo đang gia tăng trên khắp châu Á-khu vực sản xuất và tiêu thụ tới 90% lượng gạo trên thế giới. Nguyên nhân là sản lượng gạo giảm đáng kể, giá quốc tế tăng cao và nguồn cung phân bón trên toàn cầu hạn chế.
Trong khi đó, một phần do tác động của tình trạng El Nino, nên nguồn cung gạo của các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới như Thái Lan (chiếm 15% lượng xuất khẩu gạo trên toàn cầu) và Việt Nam (14%) khó lấp đầy khoảng trống mà gạo Ấn Độ để lại.
Nhiều quốc gia khác được cho là đang “theo chân” Ấn Độ và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hạn chế xuất khẩu gạo. Mặc dù hiện tại, một số nguồn cung gạo lớn tranh thủ đẩy mạnh xuất khẩu, song một số ý kiến cho rằng, không thể loại trừ khả năng các quốc gia khác, chẳng hạn ở Đông Nam Á có thể ra quyết định hạn chế xuất khẩu gạo để đối phó với tình trạng tích trữ trong nước.
Các nhà sản xuất gạo khác ở châu Á đã phải đối mặt với các hiện tượng thời tiết cực đoan gần đây. Hạn hán ở nước này (Bangladesh, Thái Lan), nhưng lại lũ lụt, mưa lớn ở nước khác (Trung Quốc), ngoài ra, tình trạng El Nino hiện chưa rõ ràng, nhưng được dự báo sẽ rất dữ dội trong niên vụ 2023-2024.
Những “cú sốc khí hậu” khiến chính phủ các nước rất lo lắng. Văn phòng Tổng thống Philippines đã ban hành các khuyến nghị chuẩn bị cho tình trạng El Nino. Tổng thống Indonesia Joko Widodo cảnh báo về một mùa khô kéo dài trước cuộc bầu cử năm sau.
Thái Lan lo ngại El Nino có thể kéo dài đến năm 2025, gây thiệt hại hơn 40 tỷ Baht cho nông nghiệp và nông dân được yêu cầu chỉ trồng một vụ lúa để tiết kiệm nước. Trong khi đó, một số địa phương chủ chốt của Trung Quốc - nước sản xuất gạo lớn nhất thế giới, bị ảnh hưởng bởi lượng mưa lớn.
Cơ hội vàng cho nhà sản xuất lớn?
Để tránh tình trạng lặp lại cuộc khủng hoảng giá lương thực giai đoạn 2007-2008, đồng thời giải quyết nỗi lo thiếu hụt và lạm phát, chính phủ các nước tiêu thụ nhiều gạo đều tranh thủ mua, gia tăng dự trữ.
Trung Quốc nỗ lực tăng dự trữ quốc gia. Indonesia lên kế hoạch nhập khẩu gạo từ Campuchia và Myanmar để hỗ trợ nguồn dự trữ gạo của chính phủ…
Trong khi đó, sự sụt giảm đồng loạt trong sản xuất nông nghiệp - bao gồm cả sản xuất gạo - sẽ có hiệu ứng domino, khiến nguồn cung hạn chế trên thị trường toàn cầu. Điều này kết hợp với nhu cầu dự trữ tăng cao, tương lai có thể dẫn đến cạnh tranh mua từ các nước nhập khẩu và đẩy giá lương thực tăng mạnh hơn trên khắp châu Á và hơn thế nữa.
Trong một môi trường địa chính trị ngày càng phức tạp, an ninh lương thực là một phần của an ninh quốc gia, những tình huống như vậy sẽ làm trầm trọng thêm sự cạnh tranh về nguồn cung thực phẩm và nguy hiểm hơn, có thể đẩy những căng thẳng chính trị và kinh tế xã hội lên cao và lan rộng trên toàn khu vực.
Giữa “cơn đau đầu” của nhiều chính phủ tìm nguồn cung lúa gạo, các nước như Australia - cường quốc nông nghiệp và vựa lúa mì toàn cầu, có thể tìm thấy cơ hội để tăng cường can dự và tăng xuất khẩu vào đúng thời điểm.
Việt Nam được đánh giá là một trong những nguồn cung lớn có thể tranh thủ thời cơ “vàng”, đẩy mạnh xuất khẩu gạo ra thế giới, khi cả nhu cầu và giá cả xuất khẩu tăng từng ngày.
Hiệp hội lương thực Việt Nam thông tin, xuất khẩu gạo đang thuận lợi, nhất là trong những tháng cuối năm bởi các thị trường lớn như Trung Quốc, Philippines, Malaysia… vẫn mua mạnh. Trong khi, người tiêu dùng tại thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc, Australia và một số thị trường mới mở ở khu vực Trung Đông đang ưa chuộng các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam, tạo cơ hội gia tăng xuất khẩu gạo.
Theo báo cáo tháng 7/2023 của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), sản lượng gạo thế giới năm 2023/2024 dự báo đạt mức 520,8 triệu tấn, tăng 8 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước. Tổng lượng tiêu thụ trên toàn cầu dự kiến đạt kỷ lục 523,9 triệu tấn, vượt sản lượng gạo dự kiến 3,1 triệu tấn. Cùng với mức tồn cuối vụ thấp nhất kể từ niên vụ 2017/2018, cho thấy cung - cầu đang lệch nhau, bởi khi nhu cầu dự trữ gạo tăng lên, thì nguồn cung, cũng như tồn từ các niên vụ đang giảm sút.
Điều này rõ ràng tạo cơ hội cho xuất khẩu gạo Việt Nam, bởi theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2023, Việt Nam vẫn có thể đủ nguồn cung để xuất khẩu khoảng 7,5-8 triệu tấn gạo, trong đó, gạo chất lượng cao chiếm tỷ trọng lớn. Giá gạo xuất khẩu bình quân tính trong sáu tháng ước đạt hơn 540 USD/tấn, tăng hơn 10% so với cùng kỳ 2022 và là mức cao nhất trong một thập kỷ qua.
Tuy nhiên, nắm được cơ hội này hay không, không chỉ phụ thuộc vào yếu tố thời tiết - biến đổi khí hậu, mà còn là vấn đề đầu tư vào ngành nông nghiệp trong thời gian tới.